Trên đe dưới búa
Nghề nhân sự - nghe có vẻ đơn giản, nhưng làm gì có con đường sự nghiệp nào chỉ trải đầy hoa hồng. Chịu áp lực từ cả nhân viên lẫn cấp trên, các “chị nhân sự” sẽ nói gì về nghề của mình?
Chỉ cần một lần đi làm, chúng ta sẽ có ngay những hình dung về vị trí Nhân sự . Trong mắt hầu hết nhân viên, đây là một vị trí đơn giản, không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng chuyên môn. Còn trong mắt các chủ doanh nghiệp, HR có lẽ là một vị trí cứ cần là có, khi ai cũng muốn đưa ra những yêu cầu tuyển dụng và đào tạo nhân lực trong thời gian ngắn nhưng hỏi tìm người tốt ở đâu thì... "em kiếm đi".
Theo thống kê của LinkedIn năm 2019, tỷ lệ thôi việc của ngành Nhân sự đạt mức cao nhất trong tất cả các lĩnh vực, đạt 14%, với khoảng 61% Nhân sự chỉ làm việc chưa quá 2 năm.
Vậy Nhân Sự là nghề như thế nào? Liệu có phải một ngành nghề đáng để theo đuổi? Cùng xem những “chị nhân sự” Kiều Diễm, Phương Dung, và Ánh Nguyệt chia sẻ về chuyện nghề của mình nhé!
Nhìn chung, Nhân Sự hay Human Resources - HR là vị trí thực hiện các nhiệm vụ về tuyển dụng nhân viên, cũng như kiểm soát và đảm bảo các phúc lợi, nghĩa vụ của họ. Đồng thời, Nhân sự cũng là cầu nối giữa nhân viên với cấp trên, đóng vai trò chủ yếu trong việc tạo dựng một môi trường làm việc lành mạnh và hiệu quả.
Một số các công ty cũng thường gọi chung vị trí này là Hành chính Nhân sự (HCNS), khi này, các nhân viên thuộc bộ phận này cũng đảm nhận các trọng trách về Hành chính như giấy tờ, kê khai, hợp đồng,...
“Đối với mình, điều khó khăn của nghề là tuyển dụng được những người vừa phù hợp với văn hoá công ty, vừa hài lòng với những điều khoản mà công ty đưa ra.
Có những lúc đăng tin tuyển dụng suốt nửa tháng trời mà vẫn không tìm được ứng viên làm mình cảm thấy bất lực lắm khi nhận lương mà không tạo ra được thành quả gì cho công ty. Ngoài ra, mình cũng hay thấy mất nhiệt huyết khi đối mặt với những đơn nghỉ việc với những lý do không thoả đáng.
Hơn nữa, đôi khi mình cũng cảm thấy những nỗ lực mình đã cống hiến không được công ty nhìn nhận xứng đáng, nhưng cũng đành chịu vì đây là tình hình chung, hầu hết các công ty tại Việt Nam không có quy chuẩn đánh giá kết quả công việc cho vị trí nhân sự”
“Những lúc mình muốn bỏ nghề chỉ là một khoảnh khắc nào đó thôi, chứ thực ra thì chẳng có điểm nào mà mình cảm thấy khó khăn để trụ lại với nghề cả. Có một đợt mình bị ứng viên “bùng” phỏng vấn liên tục, bản thân mình cũng đã rất buồn bực rồi, nhưng sếp lại bảo em nên xem lại cách làm việc.
Lúc đó thật sự mình như muốn bùng nổ, lúc ấy mới ra trường nữa, mình không thể hiểu tại sao mọi chuyện lại như vậy, rõ ràng ứng viên mới là người vô trách nhiệm nhưng mình lại là người bị đánh giá chất lượng công việc, lúc đó cảm giác như công việc này không dành cho mình và mình tại sao lại phải khổ sở đến vậy.
Hoặc có lúc mình tìm được ứng viên cực tốt luôn, rất “xịn”, nhưng kết thúc phỏng vấn sếp bảo bạn này không phù hợp, thời điểm hiện tại bạn vẫn chưa phù hợp với công ty dù bạn rất giỏi. Mình bị cảm giác bất lực, mình đã tìm người giỏi rồi mà, cuối cùng kết quả vẫn không được. Đó là những lúc muốn bỏ nghề nhất. Nhưng sau này khi vẫn “trụ” lại được, trải nghiệm nhiều hơn mình nhận ra rằng, mọi thứ lúc đó sếp nói đều đúng cả, là do bản thân mình chưa nhận thức được vị trí và mục tiêu công việc của mình”
“Người ta vẫn ví nghề nhân sự là “trên đe, dưới búa”, là cầu nối giữa ban lãnh đạo công ty và các nhân viên. Khó khăn nhất vẫn là trung hòa mong muốn của cả hai bên. Thường thì ban lãnh đạo sẽ muốn tăng hiệu suất, giảm chi phí, còn nhân viên lại muốn được “tăng lương và giảm giờ làm” hay giảm áp lực công việc…
Nhân sự phải đặt mình vào vị trí của cả hai bên, lắng nghe, thấu hiểu và thực thi các chính sách… nhiều khi là cả những quyết định sa thải hay kỷ luật. Việc đứng trước nhân viên để nói cho họ những quyết định này vẫn khá khó khăn”
Chân dung một Nhân sự yêu nghề
Theo Kiều Diễm chia sẻ, tuy những giai đoạn tìm nhân lực có khó khăn, nhưng sau một khoảng thời gian khi nhìn thấy đội ngũ công ty đã đủ nhiều và làm việc ăn ý thì bản thân cũng cảm thấy hài lòng với hiệu quả công việc của mình.
“Căn bản thì đây là lý do mình đam mê nghề Nhân sự. Đúng là giai đoạn tuyển dụng có khó khăn thật, nhưng sau khi nhìn lại thấy công ty đông nhân viên, mà toàn là những gương mặt do mình tuyển vào thì mình rất vui. Hằng ngày nhìn các bạn nhân viên cống hiến cho công ty mình cảm thấy rất tự hào vì đã góp phần xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cho công ty.
Thêm nữa là nghề này đã dạy cho mình kỹ năng giao tiếp. Trước khi làm nhân sự khả năng giao tiếp của mình rất yếu, nhưng do được tiếp xúc với nhiều người từ đa dạng ngành nghề và vị trí khác nhau, mình đã được rèn luyện thêm về mức độ tự tin bản thân cũng như khả năng nắm bắt tâm lý người khác”
“Nói vui thì làm tuyển dụng mình được gặp nhiều trai xinh gái đẹp lắm, chưa kể họ còn siêu giỏi. Bổ mắt, bổ não mỗi ngày. (Cười) Mọi người hay bảo HR nghiêm túc, nhưng mình luôn có những người đồng nghiệp hòa cùng tần số và quẩy rất ghê, táo bạo trong từng ý tưởng tuyển dụng, cùng nhau làm rất nhiều chương trình ý nghĩa.
Làm HR mình cũng được trải nghiệm vô số các ngành nghề khác như: sale (Săn ứng viên), chăm sóc khách hàng (chăm sóc nhân viên), designer (làm ảnh tuyển dụng,…), Content (Viết 7749 content thu hút ứng viên…), sự kiện (chạy các hoạt động công ty), quản gia (mua sắm trang thiết bị…), dạo gần đây HR còn nổi lên như những tiktoker chuyên nghiệp nữa,… Làm HR được trải nghiệm vô số ngành nghề khác nhau khá thú vị”
Ngoài những "quả ngọt" kể trên, nghề nhân sự còn được nhiều người ưa thích vì được làm việc với con người và hiểu hơn về các mối quan hệ. Chả trách mà có nhiều người lại thật sự chỉ "đi làm vì đam mê".
“Mình có một sự nghiệp riêng. Mình học quản trị khách sạn du lịch sau đó sang Hàn học tiếng Hàn và tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Phúc lợi xã hội. Sau khi tốt nghiệp, mình làm việc ở vị trí Phiên dịch và đảm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau. Cuối cùng lại gắn bó với nghề nhân sự. Nhờ đó mà mình tìm được công việc mà yêu thích, đối tác phù hợp và những đồng nghiệp tuyệt vời”
Những bài học về cả công việc lẫn cuộc sống
Trái với nhiều ngành nghề khác thường phân biệt giữa công việc và các mối quan hệ một cách rõ ràng, nhân sự lại là ngành làm việc với con người nhiều hơn. Tuy để cảm xúc và những mối quan hệ ảnh hưởng tới công việc là một điều gây cản trở tới năng suất, thế nhưng bù lại là những “chị nhân sự” sẽ học được về cả những kiến thức chuyên môn của không chỉ nghề nhân sự mà còn của các vị trí khác, và quan trọng hơn hết là các bài học về đối nhân xử thế.
“Có lần khi mới vào nghề và được giao nhiệm vụ tuyển dụng. Mình cảm thấy rất áp lực, không phải vì không làm được việc mà là vì… không vừa ý sếp. Lúc ấy mình bị sếp hối rất nhiều, nhưng điều khiến mình thấy khó hiểu là vì mình đã tìm được rất nhiều nguồn CV chất lượng rồi, hằng ngày vẫn có 2-3 ứng viên đến phỏng vấn, nhưng tình hình cứ kéo dài đến tận 2 tuần mà sếp vẫn cứ đánh rớt…
Sau này mình mới hiểu được rằng ngoài giao tiếp tốt với mọi nhân viên trong công ty, mình cũng phải giao tiếp tốt với cấp trên, thậm chí là hiểu và nắm bắt được tính cách của các sếp để có thể thuận tiện hơn trong các đợt tuyển dụng.
Mình thường nói vui rằng thái độ quan trọng hơn kinh nghiệm làm việc, vì kỹ năng có thể học hỏi thêm từng ngày, nhưng tính cách không phù hợp với công ty thì cũng không thể ở lại lâu”
Nhiều người nghĩ Nhân sự không có áp lực về doanh số, nhưng liệu có dễ chịu hơn khi hiệu quả công việc của bạn không được đánh giá một cách rõ ràng? Thế nhưng như chúng ta, họ cũng phải tự tìm cách để vượt qua những áp lực của bản thân.
“Bản thân HR nên định vị được vai trò cầu nối của mình, giúp ứng viên hiểu về công ty và cũng giúp công ty khai thác tốt ứng viên, đừng vì KPI mà tuyển đại hay tuyển nhanh hoặc lừa ứng viên, vẽ nên một thế giới không có thật chỉ để ứng viên vào làm việc, hay qua loa đại khái khi ứng viên hỏi về các chế độ lương bổng. Hãy là người cung cấp thông tin và thuyết phục bằng sự thật, còn quyền quyết định vẫn là ứng viên và sự phù hợp với doanh nghiệp.
Thay đổi cách làm và thay đổi góc nhìn sẽ làm bản thân mình nhận ra được nhiều điều hơn. Tỉ lệ bùng phỏng vấn cao là do bản thân mình không theo sát ứng viên, chưa thấu hiểu được mong muốn và tình trạng của họ, chủ quan và thiếu cẩn thận trọng công việc. Và bản chất của tuyển dụng cũng không phải là tìm người giỏi nhất mà là tìm người phù hợp nhất. Vậy nên dù là bất cứ công việc nào cũng vậy, hãy hiểu vị trí của mình trước tiên rồi hãy bắt đầu công việc”
“Mình từng làm việc trong công ty của Hàn Quốc. Sếp là đàn ông, thuộc thế hệ 7X. Người Hàn, đặc biệt là nam giới thế hệ 7X trở về trước thường thì khá cứng nhắc và “chuyên quyền”, sếp nói là nhân viên phải nghe.
Nhưng về Việt Nam, gặp các bạn trẻ thì không thể như vậy. Mình từng cuống cuồng đi học thêm, xin tư vấn để giải quyết những mâu thuẫn liên quan đến “văn hoá doanh nghiệp”, làm sao để truyền thông tốt hơn trong công ty…. Nhưng cuối cùng mình nhận ra, văn hoá doanh nghiệp nhỏ chính là văn hoá của người đứng đầu, không phải điều nhân sự có thể thay đổi. Qua những việc như vậy mình nhận ra điều mình có thể làm và giới hạn, để tập trung làm tốt những việc mình có thể và chấp nhận những điều không thể”
Để làm nghề Nhân sự cần những tố chất gì?
Tuy là 3 cá nhân đến từ 3 khu vực khác nhau và có những câu chuyện khác nhau, nhưng khi được hỏi về những tố chất cần thiết cho nghề Nhân sự, cả ba nhân vật dường như đều cùng đồng quan điểm:
- Ki ểm soát cảm xúc bản thân cũng như thấu hiểu và nắm bắt được cảm xúc của người khác. Vì bạn là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp, trách nhiệm của bạn là cân bằng lợi ích của cả hai bên nên bạn nên kiểm soát mọi hành vi, thái độ và cảm xúc của mình một cách tốt nhất.
- Trung thực và cởi mở sẽ giúp mọi người thoải mái chia sẻ các ý tưởng và quan điểm đối lập, việc giao tiếp trong nội bộ doanh nghiệp trở nên tốt hơn.
- D ù làm gì thì bản thân cũng phải hạnh phúc trước đã, để có thể làm lâu trong ngành này thì bản thân phải biết tự cân bằng.
Làm Nhân sự hay được ví là làm dâu trăm họ, nên là sẵn sàng dấn thân vào ngành là bạn sẵn sàng cho việc nỗ lực và hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Sẵn sàng thay đổi và cũng sẵn sàng thích nghi.