Trên 500 trường mầm non tư thục phải giải thể do tác động của đại dịch

Chia sẻ Facebook
21/03/2022 19:17:16

Đây là thông tin bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết tại phiên giải trình với Quốc hội về tổ chức dạy học trong bối cảnh COVID-19.


Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, thành phố hiện có hơn 1.000 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 500.000 trẻ theo học.

Trong đó, trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục chiếm 30%. Khi các cơ sở mầm non tư thục chao đảo vì dịch thì sẽ có nhiều trẻ gặp nguy cơ thiếu chỗ học.


Còn đối với các địa phương, trong đó có Hà Nội, khi bậc học mầm non vẫn chưa có ngày trở lại trường, nhiều trường nhất là các trường tư thục cầm cự được đến thời điểm này đã là quá sức, thậm chí, có trường đã không thể cầm cự đến ngày mở cửa trở lại. Còn nếu mở thì chồng chất khó khăn bởi nếu không có một lộ trình thì mọi vấn đề về nguồn lực, về quy trình phòng dịch và cả sự dè dặt của phụ huynh sẽ khiến cho việc mở cửa trở lại rất khó khăn.


Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, theo số liệu thống kê từ Sở GD-ĐT TP, đại dịch COVID-19 đã lấy mất của thành phố khoảng 22 trường mầm non và hơn 90 nhóm lớp mầm non.


Phần lớn các trường mầm non phải đóng cửa là vì gánh nặng chi phí thuê mặt bằng và đội ngũ giáo viên tan rã do không có trẻ đến trường.

Bậc mầm non phải nghỉ dịch lâu nhất, gặp khó khăn nhất khi phòng dịch cho trẻ và còn bộn bề vướng mắc để có thể phục hồi hoạt động.


Ngày 14/2, TP Hồ Chí Minh đã mở cửa trường học của bậc mầm non , đón các bé từ 3-5 tuổi đến trường. Với nhiều bậc phụ huynh cũng như các giáo viên, trẻ trở lại trường là ngày vui lớn khi các bé được tái hòa nhập môi trường trường lớp, cha mẹ cũng đỡ vất vả phải trông trẻ trong khi vẫn phải đi làm, còn các thầy cô được trở lại với công việc và sẽ có thu nhập. Nhưng niềm vui lại đi đôi với bộn bề nỗi lo.


Ngày đầu tiên được trở lại trường sau hơn 9 tháng, nhiều trẻ vui mừng, hân hoan, cũng nhiều trẻ còn bỡ ngỡ. Đa số các trường có số học sinh đi học thực tế nhiều hơn so với dự kiến. Mặc dù phấn khởi được đón trẻ đến trường trở lại, song việc phải tự bỏ kinh phí cho vật dụng y tế chống dịch vẫn còn là một khó khăn, nhất là sau thời gian dài không có nguồn thu.

Ngoài khó khăn về kinh phí thì thiếu thốn nhân lực cũng đang là một khó khăn lớn. Có trường mầm non trước đây có 15 nhân viên nuôi dưỡng, thì nay chỉ có 3 nhân viên, dẫn đến việc các giáo viên phải tăng gấp đôi công việc, đặc biệt là giờ bán trú, sau khi cho trẻ ăn thì vừa cho trẻ ngủ, vừa dọn dẹp.

Chia sẻ Facebook