Trẻ nhỏ thực sự muốn giúp việc nhà và cha mẹ nên để con làm

Chia sẻ Facebook
28/05/2022 09:42:17

Nhưng có bao giờ các phụ huynh nghĩ rằng, ôm đồm mọi việc, không chỉ tước đoạt niềm vui được giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà của trẻ, mà còn biến chúng thành những kẻ lười biếng, ích kỷ, vô trách nhiệm và vô ơn?

Ngày nay nhiều bậc cha mẹ vẫn mang giữ suy nghĩ: cuộc đời mình đã phải chịu khổ nhiều rồi, dù mình vất vả thế nào cũng cam chịu, nhưng không nỡ để con cái phải vất vả. Thế là hàng ngày họ bảo bọc con hết sức, ở nhà cũng một mình bận rộn lo liệu cơm canh, việc nhà. Bọn trẻ chỉ ngồi chơi và chờ đợi mẹ chúng dọn sẵn thức ăn lên bàn… Yêu cầu duy nhất của những cha mẹ này dành cho bọn trẻ là: “Chỉ cần các con thi đỗ đại học”.

Trong thực tế cũng có những bà mẹ không phải vì xót con, mà họ cảm thấy sốt ruột và không tin tưởng để trẻ làm việc nhà. Thường thì họ không đủ nhẫn nại hướng dẫn trẻ. Khi trông thấy trẻ “mò mẫm nửa ngày” không xong, còn mình chỉ cần quơ tay một cái là mọi việc gọn gàng đâu ra đấy, các bà mẹ lại tiếp tục ôm đồm ngày này qua tháng khác.

Có bằng chứng khoa học hẳn hoi cho việc này.

Trẻ nhỏ thực sự muốn giúp cha mẹ làm việc nhà

(Ảnh: Shutterstock)

Trong một nghiên cứu kinh điển vào năm 1982, Harriet Rheingold quan sát các trẻ nhỏ 18, 24 và 30 tháng tuổi tương tác thế nào khi cha mẹ các em làm việc nhà như: xếp quần áo, lau bụi, quét nhà, dọn dẹp chén dĩa, đồ vương vãi trên sàn.

Theo yêu cầu của cuộc nghiên cứu thì cha mẹ cần thực hiện các việc trên một cách chậm rãi và để con mình giúp nếu chúng muốn, không được nhờ hoặc bảo trẻ phải làm cái này hay cái khác.

Kết quả cho thấy, toàn bộ 80 trẻ trong cuộc nghiên cứu đều giúp đỡ một cách tự nguyện. Hầu hết các em giúp cha mẹ hơn một nửa số việc cần làm, một vài trong số đó chủ động giúp trước cả khi cha mẹ chúng bắt đầu làm. Hơn thế nữa, Rheingold nói rằng:

Khi được giúp, trẻ thể hiện sự năng nổ, nhanh nhẹn, ngữ điệu hào hứng, cùng với biểu hiện đáng yêu trên khuôn mặt và niềm vui khi hoàn thành công việc”.

Các nghiên cứu khác cũng khẳng định trẻ nhỏ luôn mong muốn được giúp đỡ người khác. Các thí nghiệm thường sẽ được thực hiện như sau: Trẻ nhỏ sẽ được đưa vào một căn phòng có hàng rào ngăn đôi, trẻ sẽ được tự do chơi với đồ chơi một bên, ở phía bên kia, người tham gia thực nghiệm sẽ tạo tình huống như mình đang cần sự giúp đỡ. Ví dụ, người thực nghiệm sẽ “giả vờ” làm rơi một thứ gì đó sang phía trẻ đang chơi, cố nhặt lại món đồ đó mà không được. Trẻ sẽ lượm món đồ đó lên và đưa cho người thực nghiệm.

Câu hỏi được đặt ra là: Trẻ có chủ động giúp ngay cả khi chưa được nhờ? Câu trả lời là: Có, và hầu như trong tất cả các lần thực nghiệm. Tất cả những gì mà người tham gia thực nghiệm cần làm là gây sự chú ý bằng tiếng động và cố nhặt lại món đồ. Trong những trường hợp tương tự, thậm chí có trẻ chỉ mới 14 tháng tuổi cũng sẵn sàng giúp (theo thí nghiệm của Warneken & Tomasello năm 2009).

Một điều thú vị là mong muốn giúp đỡ này không nhằm mục đích nhận quà thưởng. Nếu trẻ có cơ hội góp một phần công sức cho gia đình, chúng sẽ ý thức được trách nhiệm của bản thân với gia đình, cảm thấy mình là một thành viên quan trọng trong gia đình. Nếu cha mẹ cho con tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khoá, nhưng lại không để chúng làm việc nhà, trẻ sẽ không có cơ hội học được những bài học quý giá.

Dùng phần thưởng sẽ mang đến tác dụng ngược

(Ảnh: Shutterstock)


Nghiên cứu của Felix Warneken và Michael Tomasello vào năm 2008 cho thấy, việc dành phần thưởng cho sự giúp đỡ sẽ làm giảm đi mong muốn giúp đỡ sau này.

Trong một thí nghiệm, người ta chia trẻ nhỏ thành hai nhóm, rồi tạo tình huống để trẻ giúp người thực nghiệm theo nhiều cách khác nhau, nhóm một sẽ được thưởng món đồ chơi hấp dẫn sau khi giúp đỡ, nhóm hai thì không có thưởng.

Sau đó, họ tiếp tục thử nghiệm với cả hai nhóm trên, tạo nhiều cơ hội cho trẻ giúp hơn nhưng không có phần thưởng. Kết quả là chỉ có 53% nhóm một (trước đó có nhận phần thưởng) có ý định muốn giúp đỡ trong lần thí nghiệm sau, so với 89% của nhóm hai.

Ví dụ khác, trong một nghiên cứu điển hình (của Lepper, Greene, & Nisbett thực hiện vào năm 1973), những trẻ được khen thưởng sau khi vẽ một bức tranh sẽ ít tham gia vào hoạt động vẽ hơn so với trẻ không được khen thưởng.


Như vậy phần thưởng đã vô tình tạo nên sự thay đổi trong động cơ của con người về một hoạt động thú vị họ đã từng làm, khiến ý nghĩa của việc đó chuyển từ sự thích thú, từ mong muốn của bản thân thành mục tiêu cần đạt được những phần thưởng. Điều này xảy ra cả với người trưởng thành lẫn trẻ nhỏ (kết luận trong nghiên cứu của Deci, Koestner & Ryan năm 1999).

Chúng ta – các bậc phụ huynh, thường phạm phải hai sai lầm sau đây.

Thứ nhất, chúng ta không để tâm đến nguyện vọng muốn được giúp của trẻ nhỏ, vì chúng ta muốn hoàn thành mọi việc một cách nhanh gọn và chúng ta tin rằng khi trẻ chỉ khiến cho tiến độ chậm lại và nhiều khi không đúng ý ta, rồi chúng ta sẽ là người phải làm lại.

Thứ hai, khi chúng ta thật sự cần trẻ giúp, chúng ta thường đưa ra phần thưởng. Vì thế trong trường hợp đầu tiên, chúng ta tỏ ra rằng trẻ nhỏ không giúp ích gì được, còn trường hợp thứ hai, chúng ta cho trẻ một nhận thức sai lầm rằng giúp đỡ là một sự trao đổi, để nhận lại được một thứ gì đó.

Bằng chứng từ nhiều nền văn hóa cho thấy, trẻ nhỏ nếu được cho phép giúp đỡ, sẽ trở thành người thật sự hữu ích sau này.

Trong một nghiên cứu khác được thực hiện ở Guadalajara, Mexico, phỏng vấn các bà mẹ có con từ 6 đến 8 tuổi (do Alcala, Rogoff, Mejia-Arauz, Coppens, & Dexter thực hiện vào năm 2014). Tất cả con trẻ đều được theo học tại trường, nhưng các bà mẹ thuộc cộng đồng di sản người bản địa không được học hành nhiều như các bà mẹ đến từ cộng đồng phương Tây hiện đại. Nghiên cứu hé lộ sự khác biệt lớn về sự đóng góp của trẻ thuộc hai nhóm này trong công việc nhà. Cụ thể, 74% trẻ thuộc nhóm người bản địa chủ động phụ việc nhà mà không đợi đến khi cha mẹ nhờ vả, trong khi không có trẻ nào thuộc nhóm còn lại chủ động làm thế.

“Hầu hết các bà mẹ thuộc nhóm người bản địa (87%) nói rằng con họ lên kế hoạch và lựa chọn các hoạt động trong thời gian rảnh của mình (như học thêm, chơi, làm việc nhà, tham gia lớp học về tôn giáo, ghé chơi nhà họ hàng và bạn bè), nhưng chỉ có hai bà mẹ (16%) thuộc nhóm hiện đại nói như thế về con mình.”

Lý do nằm ở thái độ của cha mẹ

(Ảnh: bigstockphoto.com)

“tôi bước vào nhà tắm và trông thấy đâu đâu cũng toàn xà phòng, con gái tôi nói ‘con đang dọn dẹp’. Tôi đáp: ‘con gái, tốt hơn con đừng lau dọn gì nữa vì thế nào mẹ cũng trượt té trong cái mớ xà phòng này mất”.

Ngược lại, các bậc cha mẹ ở những cộng đồng bản địa có phản ứng tích cực đối với khao khát được giúp ích của trẻ, ngay cả khi sự giúp đỡ đó khiến công việc hoàn thành chậm hơn; vì họ tin rằng để trẻ giúp sẽ khiến trẻ học cách trở thành một người trợ thủ thực sự có giá trị. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng, khi ở độ 5 đến 6 tuổi, các trẻ trong cộng đồng này luôn sẵn lòng và giúp ích rất nhiều. Thật ra, từ “người giúp ích” chưa hoàn toàn chính xác, phải dùng từ “cộng sự” mới đúng, vì trẻ xem việc nhà là trách nhiệm của chúng hơn là của các bậc phụ huynh.

Ai cũng biết họ cần làm gì, không cần phải nhờ vả, con gái tôi đã chủ động nói, ‘Mẹ, con mới đi học về, con sẽ ghé nhà ông bà chơi, nhưng trước khi đi, con sẽ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa’, sau đó con bé hoàn tất mọi việc rồi mới đi.”

Đối với nhiều người, thật khác thường khi một đứa trẻ được tự do lựa chọn làm điều mình thích, không bị cha mẹ kèm cặp lại là nguồn hỗ trợ đắc lực nhất cho gia đình.

Văn hóa phương Đông từ lâu đã nói đến điều này


Ngay trong phần mở đầu của “Tam Tự kinh” cũng giảng: “Nhân chi sơ, Tính bản thiện, Tính tương cận, Tập tương viễn” . Nghĩa là con người sinh ra vốn đã mang bản tính lương thiện, thích giúp đỡ người khác, sau này lớn lên tính cách khác nhau là do ảnh hưởng hậu thiên mà thôi.

Cổ nhân cũng rất coi trọng việc giáo dục trẻ thông qua việc nhà. Cuốn “Trị gia cách ngôn” thời nhà Thanh cũng dạy con trẻ rằng:


“Bình minh trở dậy, quét dọn sân nhà, trong ngoài cần sạch gọn.
Hoàng hôn thì nghỉ, cổng cửa khóa rồi, tự mình cần kiểm điểm.”

Danh nhân Tăng Quốc Phiên từng nói, một gia đình có hưng thịnh hay không chỉ cần nhìn vào ba điểm dưới đây là rõ:

Thứ nhất: Nhìn xem con cháu ngủ đến mấy giờ. Nếu như ngủ đến lúc mặt trời lên cao mới bắt đầu dậy thì gia đình này đang dần dần lười nhác mà suy bại.

Thứ hai: Nhìn xem con cháu trong nhà có chăm chỉ làm việc hay không? Bởi lẽ thói quen làm việc sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của một con người.

Thứ ba: Nhìn xem con cháu có thường đọc sách kinh điển của các bậc cao nhân thánh hiền hay không? Bởi người không học sẽ không hiểu nghĩa và không biết đạo lý.

Cha mẹ cần hiểu rằng: “chuyên cần và nỗ lực” mới là món quà tốt nhất mà cha mẹ nên dành tặng cho con, cũng là hành trang đảm bảo nhất để chúng bước vào đời.


Dựa trên bài viết của tiến sĩ Peter Gray , Đại học Boston
Thúy Anh, Thiên Cầm tổng hợp

Chia sẻ Facebook