Trẻ nhiễm cúm A có nguy hiểm không, cho uống thuốc gì, bao lâu mới khỏi?
Năm nay, ca bệnh cúm A tăng bất thường tại một số bệnh viện. Các bác sĩ đã có tư vấn về cách điều trị cúm A ở trẻ em để bố mẹ bớt phần lo lắng.
Con sốt 39- 40 độ C, kéo dài, uống hạ sốt thông thường không hạ
Con gái 5 tuổi, sốt đến ngày thứ 3 vẫn chưa cắt sốt, chị Lan liền gọi dịch vụ test nhanh về nhà. Kết quả con chị mắc cúm A. Con đã sốt 3 ngày nên chị Lan không cho uống thuốc Tamiflu như nhiều người mách.
Thế nhưng bé sốt liên tục, lần nào cũng trên 39,5 độ. Uống paracetamol không tác dụng, chị buộc phải cho con dùng Brufen.
“Cứ như cơm bữa, sau 6h hết thuốc con lại lên cơn sốt. Đằng đẵng cả tuần trời mới dứt”, chị Lan than thở. Người mẹ này cho biết chưa năm nào thấy con sốt cao và lâu như năm nay. Chị băn khoăn không biết liệu có phải cúm A cũng có biến chủng?.
Trao đổi với phóng viên sáng 31/7, Ths.BS Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa hồi sức Nhi, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, cho biết tỷ lệ bệnh nhi đến khám được chẩn đoán cúm A tại bệnh viện gia tăng.
Hầu hết các trẻ này vào viện vì sốt cao đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, co giật do sốt hoặc mệt li bì do sốt, mất nước.
Tuy nhiên, BS Kết cũng cho biết, hiện tại chưa ghi nhận các ca bệnh có triệu chứng hay biến chứng bất thường so với các đợt dịch cúm ở những năm trước. Khi trẻ được đưa đến viện do sốt cao và khó hạ sốt hay co giật do sốt sẽ được khám, đánh giá tình trạng và chỉ định nhập viện theo dõi nhằm đề phòng các biến chứng cũng như các hệ quả của sốt cao có thể xảy ra.
Hiện trong khoa có gần 20 bệnh nhân đang nằm theo dõi và điều tri, tuy nhiên, theo BS Kết, hiện nay lượng bệnh nhân đến khám vì các triệu chứng của bệnh cúm đang gia tăng, có thời điểm một ngày hơn 10 bệnh nhân nhập viện, dẫn đến lượng bệnh nhân nội trú gia tăng đáng kể.
Ngoài ra, tại thời điểm này bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm đông (sốt xuất huyết, tay chân miệng) nên bệnh nhi vào mà cắt sốt, toàn trạng bệnh nhân ổn định và không có các triệu chứng nặng kèm theo là được chỉ định ra viện để đề phòng lây chéo.
“Trên thực thế, chưa ghi nhận trường hợp nào biến chứng viêm phổi nặng, viêm cơ tim hay những biến chứng nặng nề khác do mắc cúm A”, BS Kết cho hay.
Theo ghi nhận tại các bệnh viện, tỷ lệ trẻ mắc cúm A đến viện khám tăng đột biến so với cùng thời điểm này các năm trước, trẻ đến viện hầu hết do sốt cao, kéo dài và khó cắt sốt.
TS. BS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, trong vài tuần trở lại đây, Khoa Nhi của bệnh viện tiếp nhận số lượng bệnh nhân cúm A tăng "bất thường" so với cùng thời điểm này các năm trước.
Theo đó, trong hàng trăm trường hợp đến thăm khám mỗi ngày tại Khoa Nhi bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có đến 1/4 - 1/5 số bệnh nhân bị cúm A.
Trong khi đó, tại BV Thanh Nhàn, Hà Nội, mỗi ngày bệnh viện cũng tiếp nhận hàng chục bệnh nhân có dấu hiệu cúm A đến thăm khám và điều trị.
ThS. BS Nguyễn Thu Hường - Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp (BV Thanh Nhàn) cho biết, như các năm thời điểm này dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ xuất hiện trước sau đó mới đến cúm A, nhưng năm nay ghi nhận sự đảo ngược so với ca mắc sốt xuất huyết khi chỉ ghi nhận lác đác vài ca nhưng bệnh nhân cúm A lại tăng "bất ngờ".
Lý giải tình trạng trẻ dường như mắc cúm A nặng hơn so với mọi năm, BS BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phán đoán khả năng do miễn dịch cộng đồng có phần suy giảm nên triệu chứng cũng nặng lên giống giai đoạn đầu Covid-19 chưa có vắc xin.
Khi nào mắc cúm A cần nhập viện?
Ths. Bs Hoàng Thị Nhung, Phụ trách Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Bãi Cháy cho biết do trẻ em miễn dịch kém nên tỷ lệ mắc cúm A thời gian vừa qua tăng lên rất nhiều.
Trả lời câu hỏi, cúm A khi nào cần nhập viện điều trị, BS Hoàng Thị Nhung cho biết, những trẻ em bị sốt cao nhưng dùng thuốc hạ sốt không hạ, xuất hiện cơn co giật hay trẻ có tiền sử bệnh lý nền như mắc các bệnh phổi…Với những trường hợp này khi xác định cúm A thì nên nhập viện.
Ngoài ra, trẻ mắc cúm A có biểu hiện nặng, xuất hiện tổn thương phổi cũng cần nhập viện điều trị ngay.
Theo BS Hoàng Thị Nhung diễn biến cúm thường xảy ra trong vòng 7-10 ngày, trong 3-5 ngày đầu xuất hiện những cơn sốt cao, cũng có trường hợp sốt kéo dài thậm chí thể lên tới 10 ngày.
“Nếu trẻ dùng thuốc hạ sốt không hạ, trẻ có biểu hiện sốt cao co giật, nôn đi ngoài không kiểm soát được thì cần phải nhập viện ngay”, BS Hoàng Thị Nhung nhấn mạnh.
Theo BS Nhung, thông thường với những bệnh nhân được điều trị tại nhà, các bác sĩ sẽ kê thuốc kháng virus (tamiflu, bù nước, thuốc kháng histamil). Trên thực tế, cũng có gặp những trường hợp gặp tác dụng phụ khi sử dụng thuốc kháng virus, tuy nhiên, các triệu chứng này thường biểu hiện rất nhẹ (đau đầu, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng).
“Các biểu hiện đều rất nhẹ, thoáng qua không gây ảnh hưởng nặng nề đối với sức khoẻ”, BS Nhung cho hay.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng nhấn mạnh việc sử dụng thuốc Tamiflu phải dưới sự chỉ định của bác sĩ, người bệnh không tự ý mua, sử dụng.
Các dấu hiệu nhận biết cúm A
Theo TS. BS Đặng Thị Thúy, cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông - xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm do mùa). Bệnh Cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9….
Triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các virus gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau, trẻ đều có thể có sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng…
Ngoài các triệu chứng ban đầu như trên, trẻ nhiễm cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, da mắt sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ, trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, nhiều trường hợp nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản…
Phần lớn những trẻ mắc cúm mùa được chẩn đoán là cúm đơn thuần sẽ được kê đơn thuốc về điều trị ngoại trú, những trường hợp có biểu hiện của biến chứng viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản sẽ có chỉ định nhập viện điều trị.
N. Huyền