Trẻ không chịu nhớ, già mới nhớ

Chia sẻ Facebook
23/03/2023 10:11:32

Lúc nhỏ nhớ mẹ vì nhu cầu, khi già nhớ mẹ vì hối tiếc. Thế những người lớn còn mẹ thì sao? Tôi ngậm ngùi… chúc các bạn một mùa Vu Lan hiếu hạnh.


Mẹ cô bạn tôi, 90 tuổi, vừa cầm quyển sách tôi tặng, chỉ mới nhìn tựa đề “Những thằng già nhớ mẹ” đã lẩm bẩm: “Trẻ không chịu nhớ, đợi đến lúc già rồi mới nhớ”. Nhận xét của người già thường lẩn thẩn, nhưng ngẫm lại nhiều khi nhức nhối.


Vũ Thế Thành

Nợ gì thì trả được, chứ nợ tình mẫu tử trả sao cho nổi. Vay không lãi, mà nợ cứ chồng lên nợ!

Với mấy bà mẹ, nhớ là thương. Thương là phải biểu hiện cụ thể, là quan tâm, chăm sóc,… nếu cần thí mạng như gà mẹ xù cánh đấu với diều hâu cũng được. Hiểu theo kiểu lẩm bẩm của bà cụ 90 thì, trẻ không chịu thương (mẹ), tới già rồi mới biết thương thì còn làm được cái gì nữa. Câu nói hàm chứa bao nỗi chịu đựng sự vô tâm của con cái ngay từ hồi chúng còn trẻ. Viết tới đây thấy chột dạ.

Vì sao nhớ mẹ? Nhớ là… nhớ, là trạng thái tình cảm… Hỏi vặn vẹo thế ai mà trả lời nổi. Con nít nhớ mẹ, người già nhớ mẹ có chỗ giống nhau, có chỗ khác nhau.


Đứa con út của tôi hồi 5 tuổi, một buổi tối cháu đang ngủ, chợt ngồi dậy dựa tường, mặt mũi buồn thiu. Tôi thấy nước mắt lăn trên mặt nó. “Con nhớ mẹ, phải không?”. Nó gật đầu. Mẹ đi công tác vài hôm, con bé thiếu hơi mẹ trằn trọc, khó ngủ. Khi con tôi trưởng thành, đôi lần nhớ lại mặt mũi buồn thiu của nó, tôi cũng không hỏi cái cảm giác nhớ mẹ của nó lúc ấy thế nào.

Tôi không bao giờ có cảm giác nhớ mẹ, hay thiếu mẹ như vậy. Tuổi thơ của tôi và sau này, mẹ tôi lúc nào cũng sẵn đó, chỉ có tôi ham vui xa bà. Thằng con lãng tử lông bông, đi chán lại mò về. Về rồi thấy mọi thứ vẫn thế, nên ỷ lại. Nhận ra được những giá trị mình đang sở hữu coi vậy mà khó.

Chỉ khi bà mất, tôi mới cảm thấy thiếu. Mọi vật dụng, giường tủ, ly nước, lọ thuốc… còn đó mà như thiếu. Sau đám tang, tôi sợ về nhà, sợ nhìn thấy mấy thứ đó. Thôi, bỏ đi giang hồ vài tháng.

Đến lúc biết quan tâm đến mẹ thì lại lấy cái tỉnh táo của người bình thường so đo với sự lẩn thẩn của người già. Đâu chịu nghĩ hồi xưa, bà cũng kiên nhẫn chịu đựng cái tính ngang ngược của mình gấp nhiều lần.

Lại cứ khư khư mang kiến thức khoa học để ép bà, nay kiêng khem thứ này, mai hạn chế thứ kia. Đâu chịu nghĩ, hồi xưa đời mình còn dài, bây giờ đời bà quá ngắn. Chất lượng cuộc sống và kéo dài cuộc sống, thứ nào quan trọng hơn? Tinh thần thoải mái và vật chất phủ phê, thứ nào bà cần hơn?

Bằng cấp cho lắm vào rồi mờ mắt, nhìn không ra những điều đơn sơ nhất. Nghĩ lại thấy mình láo lếu đủ chuyện.

Những ngày ở Đà Lạt, những cái láo lếu này đeo bám tôi riết. Nhìn lên bàn thờ, rồi nhìn lại mình. Tiếc rồi mới nhớ, hay nhớ rồi mới tiếc? Hai trạng thái đó cứ lẫn lộn. Đôi lúc nghĩ bừa, phận làm con chưa tử tế, coi như xù nợ. Bà là mẹ chắc không để bụng. Nợ gì thì trả được, chứ nợ tình mẫu tử trả sao cho nổi. Vay không lãi, mà nợ cứ chồng lên nợ!

Nhưng rồi cũng đến lúc để bà ra đi thanh thản, gần 5 năm rồi rồi còn gì… Ký ức thì nên giữ, nhưng níu kéo bằng nỗi nhớ thương quay quắt thì chỉ làm người đi không nỡ, kẻ ở bận lòng.


Hôm rồi nhận được email của một độc giả hỏi mua sách. Cuối thư kèm theo lời chúc “Chúc bác một mùa Vu Lan hiếu hạnh”. Trời đất! Làm gì còn cơ hội mà hiếu hạnh ở đây nữa, hở người bạn độc giả phương xa. Muộn rồi!


Vũ Thế Thành
Vu Lan 2015


Đăng lại từ blog thanggianhome.wordpress.com


Mời độc giả tìm đọc các tác phẩm “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ”“Những thằng già nhớ mẹ” của tác giả Vũ Thế Thành cùng một số tác phẩm khác tại đây .


Xem thêm cùng tác giả :


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook