Trẻ học ở trường nhiều tiếng ồn: Ghi nhớ kém, dễ béo phì
Nghiên cứu mới từ Tây Ban Nha phát hiện ra rằng những trẻ em sống ở nơi có nhiều tiếng ồn như các thành phố lớn hoặc khu công nghiệp sẽ có sự phát triển nhận thức chậm hơn, ghi nhớ bài học khó khăn hơn trẻ em ở nông thôn.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Sức khỏe toàn cầu Barcelona (Tây Ban Nha) đã nghiên cứu 2.680 trẻ em từ 7 - 10 tuổi học tại 38 trường học ở Barcelona, bao gồm cả trường học ở thành phố và nông thôn.
Họ phát hiện ra rằng trẻ em ở các trường có tiếng ồn giao thông cao hơn, cụ thể là ở các thành phố lớn, có sự phát triển nhận thức chậm hơn so với nhóm còn lại.
Chuyên gia Jordi Sunyer, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi khẳng định thêm giả thuyết rằng thời thơ ấu là giai đoạn dễ bị tổn thương đến não bộ của một người nhất. Trong đó các kích thích bên ngoài như tiếng ồn có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhận thức diễn ra trước tuổi vị thành niên".
Cụ thể trong nghiên cứu này, nhóm của Jordi Sunyer đã đánh giá sự tập trung và trí nhớ của trẻ, trong cả khi học tập và vui chơi. Trong khoảng thời gian 12 tháng, các trẻ em thực hiện 4 bài kiểm tra nhận thức. Các phép đo tiếng ồn cũng được thu thập trong thời gian này.
Kết quả phân tích cho thấy sự phát triển trí nhớ và sự tập trung có dấu hiệu chậm hơn ở những học sinh theo học tại các trường có mức độ ồn ào giao thông cao hơn.
Ví dụ, mức độ tiếng ồn ngoài trời tăng thêm 5 decibel so với mức trung bình sẽ dẫn đến việc ghi nhớ bị chậm hơn 11,5% so với mức trung bình và sự tập trung khi làm những bài tập khó giảm tới 23,5%.
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng trẻ em ở các trường học bị ảnh hưởng tiếng ồn từ bên ngoài như giao thông, đường phố, khu công nghiệp, hoặc sân chơi trong trường sẽ có kết quả kém hơn trong tất cả các bài kiểm tra. Tiếng ồn từ trong lớp học chỉ ảnh hưởng đến sự tập trung của bọn trẻ chứ không ảnh hưởng đến trí nhớ khi học tập của chúng.
Các quy định về "an toàn tiếng ồn" tại nhiều quốc gia hiện nay chỉ dựa trên mức decibel trung bình (60 decibel cho cuộc nói chuyện bình thường, 70 decibel cho tiếng ồn siêu thị, giao thông), nhưng nghiên cứu này cho thấy đặc tính của tiếng ồn cũng có sự ảnh hưởng nhất định đến trí não của trẻ. Tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn lớn bên trong lớp học cũng có thể gây rối loạn phát triển thần kinh của học sinh.
Trong một nghiên cứu khác của Viện Sức khỏe toàn cầu Barcelona và Đại học Jordi Gol (Tây Ban Nha), tiếng ồn không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ mà còn khiến các em có nguy cơ cao bị béo phì.
Các nhà nghiên cứu khẳng định trẻ em sống ở các khu vực có mức độ ô nhiễm tiếng ồn cao có nhiều khả năng bị béo phì.
Một nghiên cứu trên 2.000 trẻ em ở Sabadell (Tây Ban Nha) đã khám phá các yếu tố môi trường như ô nhiễm không khí, tiếng ồn và mật độ giao thông cao là những tác động chính đến cân nặng của trẻ từ 9-12 tuổi.
Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện của họ sẽ thúc đẩy các nghiên cứu sâu hơn về giao thông đường bộ và ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển nhận thức của trẻ em. Đồng thời sẽ là một tư liệu cho các nhà hoạch định xây dựng tại các quốc gia nghiên cứu và đặt trường học tại những địa điểm ít tiếng ồn để phần nào hỗ trợ sự phát triển não bộ, tránh ảnh hưởng đến học tập, tư duy và tình trạng sức khỏe của trẻ em.
Hiểu được cơ chế của "mối quan hệ giữa môi trường đô thị và tình trạng béo phì" ở trẻ em cũng có thể thúc đẩy việc xây dựng các điều khoản y tế cộng đồng hữu ích hơn trong thành phố.
Nhiều bạn đọc thắc mắc như vậy sau khi UBND TP.HCM khẳng định sẽ xử lý người đứng đầu nếu địa phương để xảy ra vi phạm tiếng ồn do buông lỏng quản lý, ảnh hưởng tiêu cực đến phòng chống dịch hoặc an ninh trật tự.