Trẻ bị nhiễm COVID-19 chờ bao lâu để được tiêm vắc xin?
Bé Nguyễn N.H. (10 tuổi, học lớp 4 Trường Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) mắc COVID-19 đã khỏi được một tháng. Mẹ của bé được nhà trường hỏi ý kiến về việc chích ngừa COVID-19 và phân vân nên gặp bác sĩ để tư vấn khi nào thì được chích ngừa?
Về chuyên môn, tại Hội nghị trực tuyến về triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người đã mắc COVID-19 vừa diễn ra, thống nhất chủ trương tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đã mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh ít nhất 3 tháng, tiêm các liều cơ bản cùng loại vắc xin cho trẻ.
Theo hướng dẫn sàng lọc của Bệnh viện Nhi trung ương, các bé đã mắc COVID-19 có hai trường hợp: thứ nhất là hoãn tiêm 2 tháng kể từ ngày khởi phát; thứ hai có thể tiêm sớm hơn ngay sau khi trẻ khỏi bệnh khi đã xem xét từng cá thể, có cân nhắc giữa lợi ích tiêm ngừa và nguy cơ có thể xảy ra rủi ro.
Nếu bé bị bệnh nặng khi mắc COVID-19 như hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C) thì nên hoãn tiêm cho đến khi bé hồi phục hoàn toàn, chuyển tiêm tại bệnh viện nếu đủ điều kiện được tiêm.
Trường hợp nào cần trì hoãn từ 2 - 3 tháng? Chúng ta biết trẻ em mắc bệnh COVID-19 sẽ có nguy cơ bị biến chứng hậu COVID-19, dù rất hiếm. Hậu COVID-19 xảy ra từ 4 - 6 tuần sau khi khỏi bệnh. Vì vậy các nhà khoa học khuyên nên chờ cho bé đã khỏi bệnh, qua được khoảng thời gian có nguy cơ biến chứng hậu COVID-19 thì mới thực sự an toàn cho bé.
Trường hợp nên chích càng sớm càng tốt sau khi hết thời gian cách ly, xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính: Nếu bé đã bị COVID-19, bé được bảo vệ trong một thời gian, nhưng hiện tại chưa có nhiều nghiên cứu để biết bé sẽ được bảo vệ bao lâu sau khi khỏi bệnh, nhất là trong giai đoạn virus SARS-CoV-2 luôn biến đổi thành các biến thể khác xa với chủng virus ban đầu. Hơn nữa, các bé đã khỏi bệnh vẫn có thể bị nhiễm lại SARS-CoV-2 do kháng thể sẽ bị suy giảm theo thời gian.
Gần đây số ca mắc hội chứng viêm đa hệ thống có chiều hướng gia tăng, cho thấy việc chăm sóc trẻ hậu COVID-19 vô cùng quan trọng. Đặc biệt, khi hội chứng này không có dấu hiệu xác định cụ thể, phụ huynh dễ nhầm lẫn với bệnh lý thông thường.