Trào lưu Tiktok quái đản 'dọa ma trẻ con': Chuyên gia tâm lý cảnh báo hậu quả khôn lường!

Chia sẻ Facebook
16/08/2022 14:59:00

Trend Tiktok 'dọa ma trẻ con' đang gây ra những tranh cãi gay gắt trong cộng đồng mạng. Chuyên gia tâm lý nhận định nó ảnh hưởng xấu đến tâm lý trẻ hơn là tạo ra tiếng cười.


Trào lưu quái đản quay Tiktok dọa ma trẻ nhỏ

Thời gian gần đây mạng xã hội Tiktok xuất hiện trào lưu "dọa ma trẻ con bằng tiếng cười ghê rợn" gây ra cuộc tranh cãi trên cộng đồng mạng.

Theo các clip "đu trend", người lớn ở cùng đứa trẻ sẽ mở hiệu ứng video cùng tiếng cười ma quái. Sau đó người lớn chạy thật nhanh ra ngoài tắt điện, đóng cửa và để trẻ trong phòng 1 mình gào khóc, sợ hãi.

Dưới đây là một vài clip của trào lưu này:


browser not support iframe. browser not support iframe. browser not support iframe.

Trào lưu này nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm của giới trẻ, không những thế nhiều bà mẹ cũng "đu trend" và thực hiện với con mình.

Người lớn đua nhau thực hành trào lưu này như một trò giải trí mà không để ý đến những hậu quả tiềm ẩn sau đó, đặc biệt là gây ra ám ảnh tâm lý trẻ thơ về sau.


Một bà mẹ đã kể lại tình huống con mình bị người chú dọa ma như sau: "Nay con ổn hơn rồi mình mới dám chia sẻ câu chuyện này, hi vọng bố mẹ để ý khi con chơi với người khác (kể cả là người thân quen) và cũng để mọi người trước khi quyết định đưa trẻ con vào một trò đùa nào đấy thì suy nghĩ thật kĩ.


Hôm qua nhà mình có vài người họ hàng tới chơi và ở lại đến chiều tối, trong đó có một người gọi mình là chị dâu, em ấy 16 tuổi, mình chưa gặp bao giờ vì nhà ở trong Nam. Em trai này cũng rất quý con mình, hai chú cháu chơi với nhau vui vẻ.


Bẵng đi một lúc mình ở dưới nhà thì đột nhiên nghe tiếng con khóc ré lên, chạy lên tầng thì thấy em trai đang đứng bên ngoài cười khoái trí và tay thì giữ lấy tay nắm cửa, con mình thì ở trong phòng khóc thảm thiết.


Lúc này là mình hốt hoảng và bực lắm rồi nên mới gạt tay em ấy ra để lao vào phòng với con, con thấy mình thì khóc loạn lên nhào vào lòng mẹ, miệng liên tục nói "ma ma", tay chỉ vào phòng.


Ôm con vỗ về mình quay ra hỏi em trai có chuyện gì thì em ấy bảo: "Em đùa cháu tí thôi", xong nhanh chóng lao vào góc nhà cầm cái điện thoại lên.


Hóa ra em ấy quay clip đăng lên Tiktok, cái trend doạ ma trẻ con bằng tiếng cười ghê rợn ấy, xong còn tắt đèn và chạy ra ngoài để con ở trong phòng một mình.


Đến tối con hâm hấp sốt xong đêm thì ngủ mê man vừa khóc vừa run rẩy nói mớ, vừa thương con mà vừa bực vô cùng mà không biết trút vào đâu, chồng thì đi làm xa.


Cả đêm 2 mẹ con ôm nhau chặt cứng mà vẫn không yên được, mãi tới sáng con mới ổn hơn nhưng vẫn cứ sợ căn phòng mà hôm qua bị chú đưa vào trêu.


Ai còn đang hứng thú với trend này thì dừng ngay lại đi nhé, không hay một chút nào đâu!".

Nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự bức xúc về trào lưu quái đản này:


- Trào lưu gì mà ác. Đứa trẻ con nó sợ phát khiếp thế kia mà vẫn còn cảm thấy vui được.

- Không biết mẹ bé nghĩ gì mà chơi trend này xong còn đăng lên mạng, không biết con bị sợ lắm không?

- Không hiểu sao có nhiều bà mẹ cũng “đu” được trend đó luôn!

- Tiktok sản sinh ra 1 thế hệ rồ dại vì tim ảo, like ảo, đủ các trend quái dị, thậm chí "đu trend" chẳng cần biết hậu quả.

- Nhiều người lớn không thấy trêu đùa vậy là quá đáng hay sao còn bênh vực? Không hiểu nghĩ gì. Khổ thân bé sợ ám ảnh luôn. Có những nỗi sợ nó bị ám ảnh đeo bám cả đời em bé ý.


Trò đùa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tâm lý trẻ em


Chia sẻ với Infonet về trào lưu Tiktok trên, Ths Nguyễn Viết Hiền (giảng viên trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục OED hỗ trợ tâm lý cho trẻ em và trẻ vị thành niên) nhận định, đây là một trò vui không nên khuyến khích, bởi vì nó ảnh hưởng xấu đến tâm lý trẻ hơn là tạo ra tiếng cười.

Ths Nguyễn Viết Hiền cho hay: "Ở lứa tuổi trẻ em, trí tưởng tượng phong phú, đời sống cảm xúc mạnh mẽ. Chính vì thế, những cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực đều gây ấn tượng mạnh mẽ khiến trẻ nhớ lâu. Những cảm xúc này lan tỏa, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của trẻ em.

Ở đây thay vì cha mẹ đem lại cho con cảm xúc tích cực, cân bằng, hạnh phúc, thăng hoa thì sự ám ảnh từ hình ảnh gương mặt ma quái, âm thanh tiếng cười ghê sợ tác động đến đứa trẻ gây sự kinh sợ đến đỉnh điểm trong thời gian ngắn. Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là đối với những trẻ có thiên hướng tính cách nhút nhát hoặc lần đầu bị dọa bởi những trò đùa tiêu cực này.

Sự tác động thị giác (mắt nhìn thấy gương mặt ma quái), thính giác (tai nghe thấy tiếng cười ghê sợ) diễn ra trong cự ly gần, kết hợp với tâm lý doạ nạt của người lớn, tất cả những điều này cộng hưởng cảm xúc với nhau tạo nên sự ám ảnh lớn đối với trẻ nhỏ. Biểu hiện rõ ràng nhất là tiếng khóc thét của trẻ nhỏ, hành vi hoảng loạn, bấu víu tìm kiếm sự an toàn, dễ giật mình, khóc đêm, sợ bóng tối, … là những hành vi thường thấy ở các trẻ hay bị dọa bởi những clip này.

Cảm xúc này tạo nên dấu ấn mạnh mẽ trong tâm trí trẻ nên nó không dễ mất đi mà vẫn tồn tại, tăng dần nếu môi trường sống gia tăng những hành vi đó từ người lớn mang lại, khiến trẻ sợ sệt, giảm sự tự tin, một số ít trẻ cảm thấy chênh vênh về điểm tựa từ người lớn. Bên cạnh đó, cũng có những trẻ bướng hơn, có những hành vi hung tính và dọa nạt các trẻ khác bằng các hành vi tương tự".

Cha mẹ nên kiểm soát việc con tiếp cận với các trào lưu mạng xã hội. (ảnh minh họa)

Theo vị chuyên gia tâm lý trẻ em này, những trào lưu không lành mạnh này được tạo ra là do người lớn, đặc biệt là các bậc cha mẹ chưa có kinh nghiệm nuôi dạy con, việc tiếp cận với các kết quả nghiên cứu khoa học về phương pháp giáo dục trẻ em còn ít. Ngoài ra, còn do bố mẹ bận rộn để cho công nghệ "phủ sóng" lên cuộc sống gia đình. Từ đó dẫn đến không có cách nuôi dạy con phù hợp.

Không những thế, vì bị ảnh hưởng từ mạng xã hội quá nhiều nên cha mẹ, hoặc người lớn dễ bị ảnh hưởng bởi các trào lưu xã hội. Nhiều trào lưu không tích cực nhưng họ không nhận thức được mà ùa vào làm để gây sự chú ý.

"Các trào lưu mạng xã hội giống như 1 căn bệnh mang tính lây lan, hành vi bắt chước, bắt trend những video thu hút lượt view, like, share, comment gây sự tò mò, tạo sự lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Trong đó, có những video hài hước dễ thương, nhưng cũng có những video gây ám ảnh, ảnh hưởng tiêu cực. Clip dọa ma trẻ con bằng tiếng cười ghê rợn là một trong những vấn đề tôi muốn nhắc tới", Ths Nguyễn Viết Hiền nêu quan điểm.

Để có cách nuôi dạy con đúng đắn, vị chuyên gia khuyên cha mẹ nên gần gũi với trẻ hơn. Phụ huynh có thể tìm đến các sân chơi, các diễn đàn về tri thức để đọc những kiến thức khoa học, các phương pháp giáo dục có thực chứng để áp dụng dạy con. Cần nhận định rõ một hành vi có thể tạo ra tiếng cười của người lớn nhưng cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với tâm lý trẻ nhỏ để tự biết cách bảo vệ con mình và những trẻ em khác. Không chạy theo trào lưu, có hành động tẩy chay các hành vi ảnh hưởng không tốt đến trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, cha mẹ cần tạo sân chơi lành mạnh cho con mình.

"Ví dụ: Cha mẹ chơi cùng con mỗi ngày từ 60 phút trở lên với các trò chơi như đuổi bắt, chi chi chành chành, chơi đóng vai, chơi lắp ghép,…

Tăng cảm xúc tích cực cho con qua câu nói “Mẹ tin con làm được”, “Con của mẹ mạnh mẽ lắm”, “Mẹ luôn bên con”,...

Cha mẹ nên tăng cường cho con giao tiếp với nhiều người, đồng thời khi cho con tiếp cận với công nghệ cần lưu ý: Trẻ từ 0-24 tháng nên kiêng TV, điện thoại.

Với trẻ từ 24 tháng trở lên có thể xem tivi, điện thoại với thời lượng từ 30 phút đến 2 tiếng/ ngày tuỳ độ tuổi và chia nhỏ thời gian, kiểm soát các nội dung trẻ tiếp cận trên mạng xã hội, bắt buộc có sự hướng dẫn của người lớn khi trẻ sử dụng công nghệ.

Công nghệ như con dao 2 lưỡi, có có thể trở thành phương tiện hữu ích nhưng cũng có thể là lưỡi dao vô hình. Chúng ta không tẩy chay mà học cách sử dụng nó", chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên tới các bậc phụ huynh.


Bạch Dương

Chia sẻ Facebook