Trào lưu mukbang kiểu mới gây sốt tại Hàn Quốc
Giới trẻ Hàn Quốc bắt đầu quan tâm hơn đến các nội dung ăn uống tạo cảm giác thư giãn, dễ chịu với khẩu phần ít thay vì xu hướng "ăn thùng uống vại" gây kinh ngạc như trước.
“Meokbang” còn được gọi là mukbang, là hình thức nội dung trực tuyến phổ biến ở Hàn Quốc. Trong các nội dung được đăng tải, các "BJ" (viết tắt cho Broadcast Jockey) vừa giao lưu với khán giả trong lúc thưởng thức những bữa ăn thịnh soạn với khẩu phần lớn.
Tuy nhiên, nhiều khán giả ngày nay tỏ ra phản cảm, chán nản với dạng nội dung “ăn thùng uống vại”, và bắt đầu hứng thú và tìm đến hình thức meokbang mới, được gọi là “sosikjwa”. Thay vì cố gắng tiêu thụ lượng lớn thức ăn, giờ đây người thực hiện các nội dung meokbang chuyển sang ăn phần thức ăn ít ỏi một cách đáng ngạc nhiên.
Dẫn đầu xu hướng này là thành viên nhóm nhạc 2NE1 Sandara Park và diễn viên Park So-hyun với show truyền hình “Unni without Appetite” phát trên Youtube ngày 11/7.
Trong chương trình này, hai ngôi sao cho biết họ thường không có cảm giác thèm ăn. Ở mỗi tập, Sandara và Park So Hyun dùng bữa với những người nổi tiếng là tín đồ ăn uống. Quy tắc được đưa ra ở chương trình là không ai được ép buộc hai người dẫn chương trình (Sandara và Park So Hyun) ăn nhiều hơn mức họ muốn, từ đó cho thấy sự đối lập giữa mức ăn của những người có khẩu phần ăn khác biệt. Khi hai người dẫn chương trình thấy đủ, họ nói "tôi no rồi" và kết thúc bữa ăn.
Sandara chia sẻ rằng cô trở nên nổi tiếng hơn với công chúng sau khi tham gia "Unni without Appetite". Cô được nhiều bạn trẻ nhận ra khi xuất hiện trên đường phố với tư cách là một soshikjwa thay vì là cựu thành viên nhóm nhạc 2NE1 nổi tiếng một thời.
"Khi tôi xuống phố, mọi người thường ngỏ ý muốn chụp hình cùng tôi, đặc biệt là các bạn gen Y và gen Z", cô chia sẻ.
"Chương trình tạo nên những tác động tích cực. Vốn là một người có thói quen ăn uống vội vã, sau khi xem cách mà So-huyn (host chương trình) nhai thức ăn thật kĩ trước khi nuốt, tôi đã thử tạo lập thói quen mới. Tôi thấy các vấn đề về tiêu hóa của mình thuyên giảm và mau no hơn", người xem chia sẻ về show truyền hình "ăn khách" này.
"Tôi xem chương trình khá thường xuyên bởi cảm giác dễ chịu và thư giãn mà ít có chương trình meokbang nào đem đến được", một khán giả khác chia sẻ
Người mẫu Joo Woo-jae cũng được biết đến nhiều hơn với phong cách meokbang mới lạ này trên Youtube. Anh nhận được những phản hồi tích cực đến từ việc ăn uống những phần ăn vừa đủ một cách từ tốn.
“Tôi thích xem các nội dung của anh này trong lúc dùng bữa vì chúng tôi có cách ăn chậm khá tương đồng, từ đó có cảm giác là chúng tôi đang dùng bữa chung. Trong khi các meokbang tạo cảm giác 'phô diễn' với cách tiêu thụ lượng thức ăn khổng lồ cùng lúc, chỉ tập trung ăn và ăn thì Woo-jae dành thời gian giao lưu, chia sẻ những câu chuyện nhỏ. Điều khác biệt này khiến cảm thấy rất thú vị”, một khán giả chia sẻ.
Xu hướng này cũng ảnh hưởng đến các chương trình truyền hình nổi tiếng khác như “I Live Alone”. Show này kể về lịch trình hàng ngày của những người nổi tiếng sống một mình. Trong chương trình, khách mời là nhà sản xuất âm nhạc Code Kunst gây bất ngờ khi cảm thấy no sau khi chỉ ăn một phần thức ăn nhỏ.
“Tôi nghĩ những kiểu người này nên xuất hiện trên TV thường xuyên hơn. Có những người như tôi mất đến 30 phút để ăn hết một quả chuối. Tôi từng bị trách nhiều và bị phân biệt đối xử vì việc này. Tôi cảm thấy được an ủi khi xem anh ấy”, một khán giả nói về chương trình truyền hình.
Nhà phê bình văn hóa Hàn Quôc Lee Taek Gwang cho rằng trào lưu mới bắt đầu vì thị trường meokbang đang dần bão hòa
“Vì thị trường bão hòa nên các dạng video kiểu mới này nhận được sự quan tâm, yêu thích của công chúng là điều dễ hiểu. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc các nội dung mukbang quen thuộc theo kiểu ăn nhiều khẩu phần lớn bị thay thế. Nó vẫn còn phổ biến", Lee Taek Gwang nói.
Ông Lee cũng cho biết rằng hai xu hướng mukbang khác nhau theo cách tiêu thụ thực phẩm trái ngược nhau, nhưng cả hai đều có một điểm chung là khiến người xem kinh ngạc.
“Chìa khóa thành công của những nội dung này là chúng khiến mọi người nghĩ rằng điều đó thật khó tin. Chúng khiến mọi người nghĩ 'Làm sao mà một người có thể ăn nhiều thức ăn như vậy cùng một lúc?' hoặc 'Làm sao mà một người có thể ăn ít như thế?', ông Lee chia sẻ thêm.