Trào lưu mới của các công ty công nghệ lớn trên thế giới
Theo Business Insider, các tập đoàn công nghệ tăng trưởng càng cao trong mùa đại dịch thì nay lại ngã càng đau.
Mới đây, hàng nghìn nhân viên Amazon đã cố gắng theo dõi cuộc họp bán niên của tập đoàn với một câu hỏi trong đầu: Sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch chi tiêu ngân sách của công ty?
CEO Andy Jassy đã trả lời câu hỏi đó một cách mơ hồ khi cho rằng Amazon sẽ thắt lưng buộc bụng vì lo sợ bất ổn kinh tế nhưng vẫn sẽ đầu tư dài hạn.
"Mọi người đều đang lo lắng. Không ai trong chúng ta chắc chắn được điều gì sẽ xảy ra nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ trở nên khó khăn và đầy thách thức hơn", CEO Jassy nói.
Trên thực tế, câu chuyện của Amazon không hề riêng lẻ khi trào lưu đại cắt giảm, tiết kiệm chi phí (Great Hesitation) của nhiều tập đoàn lớn đang bắt đầu với nỗi lo khủng hoảng kinh tế sẽ diễn ra.
Lo lắng
Vào tầm này năm ngoái, ngành công nghệ chứng kiến sự bùng nổ với cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp lớn tăng chóng mặt. Doanh thu của nhiều hãng thậm chí tăng gấp đôi kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, các nhân viên thì hưởng thụ đà tăng lương mạnh mẽ cùng vô số những cơ hội việc làm hấp dẫn khác.
Thậm chí, người lao động lúc này có giá đến mức tạo nên trào lưu "đại nghỉ việc" (Great Resignation) khi nhiều nhân viên muốn tập trung thời gian cho gia đình, hoặc đơn giản là kiếm một công việc tốt hơn.
Thế nhưng mọi chuyện giờ đây không còn như trước với đà tăng mạnh của lạm phát cùng động thái siết chặt chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Nhiều chuyên gia kinh tế và chủ doanh nghiệp hiện đều dự báo một cuộc suy thoái sẽ đến và vấn đề chỉ còn là thời gian.
Tương tự, những CEO của các hãng công nghệ lớn (Big Tech) cũng đang do dự về một cuộc khủng hoảng trong tương lai và đang cố gắng sẵn sàng cho những điều tồi tệ nhất sẽ diễn ra.
"Tôi cho rằng tất cả các hãng công nghệ đang lâm vào một cuộc ‘Đại cắt giảm’. Chẳng ai chắc chắn tình hình kinh tế sẽ tệ đến mức nào, không ai biết được mức độ ảnh hưởng sẽ lên đến đâu nên các doanh nghiệp đều cố gắng giảm chi phí đầu tiên", giám đốc Keith Hwang của Selcouth Capitral Management nhận định.
Apple đau nhất
Theo tờ Business Insider (BI), tác động của một cuộc khủng hoảng kinh tế lên những ông lớn ngành công nghệ là không giống nhau.
Cụ thể, những hãng cung cấp các sản phẩm công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp lớn khác sẽ chịu ít ảnh hưởng hơn, ví dụ như Microsoft, mảng điện toán đám mây AWS của Amazon hay tương tự của Google...Những doanh nghiệp này có thể cắt giảm rất nhiều loại chi phí dễ dàng hơn thông qua các website và ứng dụng điện toán đám mây của mình.
Ngoài ra, BI còn cho rằng ngân sách quảng cáo cũng sẽ bị cắt giảm đầu tiên nếu suy thoái diễn ra. Đây chính là nỗi đau khiến Meta (Facebook) phải tìm kiếm hướng đi mới từ vũ trụ ảo sau khi doanh thu quảng cáo giảm tốc.
Một công ty nữa cũng chịu thiệt hại là Google khi hãng này có nguồn thu khá lớn từ quảng cáo trên cung cụ tìm kiếm của họ cũng như từ nền tảng Youtube.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích John Lovelock của Gartner nhận định Apple cũng như nhiều hãng làm phần cứng khác sẽ phải đối mặt rủi ro cao nhất vì lạm phát và suy thoái sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.
"Những hãng công nghệ chịu thiệt hại nặng nhất sẽ là những doanh nghiệp phụ thuộc vào sức mua của người tiêu dùng. Chẳng có mặt hàng công nghệ nào là không đối mặt rủi ro cả. Hiện tất cả những sản phẩm từ điện thoại cho đến máy tính đều có một năm 2022 kinh doanh bết bát, và khả năng cao họ sẽ có tiếp một năm 2023 tồi tệ nữa cả về số lượng lẫn tổng giá trị doanh thu", chuyên gia Lovelock cảnh báo.
Đồng quan điểm, chuyên gia Hwang của Selcouth cho rằng những tập đoàn bùng nổ nhất trong mùa đại dịch thường sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nhất khi suy thoái đến. Trong vài năm trở lại đây, dòng tiền lớn từ các tập đoàn công nghệ khiến họ mở rộng nhanh chóng và khi khủng hoảng đến, những doanh nghiệp này sẽ phải là người chịu đau cắt giảm chi phí đầu tiên.
Âm thầm
Theo BI, những nhà quản lý của Facebook đã nhận được lệnh trực tiếp từ cấp trên vào đầu tháng 10/2022 rằng hãy tìm cách âm thầm sa thải bớt hàng nghìn nhân viên.
Điều tra của BI cho thấy nhiều quản lý đã được chỉ đạo đánh giá thấp cho 15% nhân viên, qua đó khiến những lao động này bị đặt vào diện phải giám sát hoặc thuyên chuyển, qua đó ép họ bỏ việc.
Những vụ việc sa thải âm thầm này thường diễn ra tại các công ty lớn tăng trưởng quá nhanh trong mùa dịch, nhưng các giám đốc lại lo sợ việc cắt giảm nhân viên sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu dù công ty đang cần tiết kiệm ngân sách.
Tập đoàn Amazon là một trong những cái tên nổi bật khi sa thải các nhân viên có mức độ đánh giá hiệu quả công việc thấp. Tương tự, Snapchat cũng áp dụng biện pháp này từ đầu năm 2022 để tiết kiệm chi phí khi sa thải 10% nhân viên có đánh giá hiệu quả công việc thấp nhất. Ngay cả như vậy thì vào tháng 8/2022, Snapchat cũng phải chủ động đuổi việc thêm 20% nhân lực vì kết quả kinh doanh không như kỳ vọng.
Trong khi đó, Microsoft, Alphabet (Google) hay Meta cũng đã đều tạm ngừng tuyển dụng mới. Thế rồi nhiều doanh nghiệp cũng cắt giảm bữa trưa miễn phí, thay vào đó là đồ ăn vặt để giảm chi phí.
Ngay cả ông lớn Google vào tháng 9/2022 cũng đã phải yêu cầu nhân viên cắt giảm chi phí cho đi công tác, du lịch, hội họp nếu không cần thiết. Trong khi đó Amazon thì thậm chí cắt giảm ngân sách hàng loạt những dự án như Amazon Care (chăm sóc sức khỏe), Glow (ứng dụng gọi video cho trẻ nhỏ)...
Theo chuyên gia Lovelock, cuộc khủng hoảng kinh tế lần này nếu xảy ra thì sẽ là một cuộc khủng hoảng lạ kỳ bởi nguyên nhân không phải do dòng tiền hay từ thị trường lao động mà lại do lạm phát.
"Nếu bạn nhìn lại các cuộc khủng hoảng 1986, 2001 hay 2009 để dự đoán điều gì sẽ diễn ra thì bạn đang lầm to", chuyên gia Lovelock cảnh báo.
Với việc FED tuyên bố sẵn sàng làm mọi thứ để chống lạm phát, thậm chí chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế thì nhiều hãng công nghệ cũng đã sẵn sàng cho một tương lai chẳng mấy sáng sủa.
"Mọi hãng công nghệ và công ty môi giới việc làm tại Mỹ hiện đều hiểu rằng nền kinh tế sẽ khá khó khăn trong tương lai", COO Patrick Kellenberger của hãng môi giới lao động công nghệ Betts nhấn mạnh.
Hiện mọi con mắt đang trông chờ đến cuối tháng 10 khi báo cáo kết quả kinh doanh quý III được công bố nhằm có cái nhìn rõ hơn về một tương lai ảm đạm của ngành công nghệ. Tuy nhiên, những ông lớn như Amazon thì đã chuẩn bị từ trước với thông điệp cực kỳ rõ ràng từ CEO Jassy: "Hãy tiết kiệm gấp đôi đi".
*Nguồn: BI
Băng Băng
Theo Băng Băng