Trào lưu ''đám đông'' chứng khoán đã nguội lạnh?
Hiện tượng sụt giảm số lượng tài khoản nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán mở mới hàng tháng đang tỷ lệ thuận với con số thanh khoản “teo tóp” gần đây. Do vậy tần suất các cuộc gọi từ “số lạ” rủ rê mở tài khoản, kêu gọi đầu tư chứng khoán cũng đang nhiều lên. Những tín hiệu ngầm này cho thấy trào lưu hăm hở kiếm tiền nhanh từ chứng khoán đã nguội lạnh.
Trào lưu ''đám đông'' chứng khoán đã nguội lạnh?
Đầu tư chứng khoán cũng thay đổi như “mốt”?
Liên tục những tuần gần đây, người viết bị quấy rầy bởi những cuộc gọi mời chào mở tài khoản chứng khoán, thậm chí có ngày 6-7 cuộc từ các số điện thoại khác nhau. Điều này rất khác lạ, vì từ nhiều năm nay, hoặc ít nhất là từ 2020, chỉ có chuyện người có nhu cầu tìm hiểu cách thức mở tài khoản đầu tư chứng khoán, hỏi han bạn bè, tìm kiếm chuyên gia tư vấn để “chơi chứng”, chứ không phải ngược lại. Không lẽ xu hướng lại “đảo chiều” nhanh đến như vậy?
Sẽ là rất khó để biết sự thay đổi này có phản ánh hiện tượng thoái trào trong nhu cầu tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) hay không. Bởi lẽ đầu tư chứng khoán là một nghề nghiêm túc, cần sự chuyên nghiệp, không lẽ trồi sụt như một thú vui hợp mốt?
Nhưng rồi người viết thử sử dụng công cụ đo lường xu hướng tìm kiếm Google Trend để kiểm tra, xem liệu mối quan tâm của cộng đồng thông qua việc tìm kiếm về TTCK có chung tín hiệu “đảo chiều” hay không. Cách tiếp cận này không hề vô lý, thậm chí còn là một nghiên cứu của các giáo sư đại học Boston và Warwick tại vương quốc Anh từ những năm 2013-2014.
Kết quả rất thú vị, sau cả một quãng thời bình lặng 2019 – mức độ tìm kiếm các từ khóa liên quan đến chủ đề “TTCK” bình bình dưới mức 50, thì mối quan tâm tăng vọt lên trong quý đầu tiên của năm 2020. Mối quan tâm tìm kiếm liên tục duy trì mức cao trong suốt cả năm 2021 và đến tháng 4, tháng 5-2022 thì tăng bùng nổ. Đó cũng là thời điểm TTCK Việt Nam đạt đỉnh và đi xuống.
Cho đến hiện tại giữa tháng 8-2022, mức độ quan tâm tìm kiếm các từ khóa liên quan đến chủ đề “TTCK” đã xuống dưới ngưỡng 50, tức là ít quan tâm. Nếu dựa trên kết quả của công cụ này, thì có thể so sánh mối quan tâm tới TTCK của cộng đồng cũng chỉ tương tự năm 2019.
Thực ra điều quan trọng có thể rút ra từ kết quả của Google Trend là sự tương thích giữa các hiện tượng. Mối quan tâm tìm kiếm thông tin giảm xuống thì cũng có thể là hệ quả của sự thờ ơ ít hứng thú. Con số tài khoản NĐT chứng khoán mở mới trong tháng 7 vừa qua được Trung tâm Lưu ký công bố, cũng cho thấy mức sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn 195.709 tài khoản của NĐT cá nhân trong nước. Đây là mức thấp kỷ lục kể từ tháng 10-2021, đặc biệt nếu so với giai đoạn tháng 5 và tháng 6-2022 có số lượng bình quân gần 470.000 tài khoản mới mỗi tháng. Một thay đổi gây sốc.
Ăn xổi thì dễ tàn
Thực ra không chỉ với giới đầu tư Việt Nam, công cụ Google Trends còn cho thấy hiện tượng thoái trào nói trên xảy ra trên khắp thế giới, từ Mỹ tới Ấn Độ hay Indonesia, Trung Quốc. Nếu nhớ lại khi Covid-19 lan ra khắp thế giới, trào lưu đổ tiền vào chứng khoán cũng bùng nổ ở các quốc gia nói trên. Không khó để tìm lại những bài viết đề cập đến hiện tượng này vào giai đoạn 2020-2021.
Những trào lưu đình đám của Game Stop, cổ phiếu meme... từng khiến giới truyền thông tài chính tốn rất nhiều giấy mực.
Quay trở lại với TTCK Việt Nam, phần lớn các cụm từ tìm kiếm qua Google có lẽ chủ yếu được các NĐT mới truy vấn. Việc tìm kiếm thông tin để đầu tư là bình thường, nhưng các NĐT chuyên nghiệp luôn có những kênh riêng, được chọn lọc để tiếp cận, những kênh thông tin đã được thử thách là đáng tin cậy qua thời gian.
Những cụm từ “dị” trên Google như “có nên mua cổ phiếu lúc này”, hay “có nên mua cổ phiếu XYZ”... thì chắc chắn các NĐT chuyên nghiệp không bao giờ gõ vào. Thậm chí các cụm từ như “cách cắt lỗ cổ phiếu”, “cắt lỗ cổ phiếu như thế nào” thường tăng vọt tần suất tìm kiếm khi thị trường lao dốc.
Để chắc ăn, người viết kiểm tra chéo với một đại diện công ty chứng khoán và được xác nhận, quả thực “công tác phát triển khách hàng đang chững lại”. Theo đó các môi giới đang chịu nhiều sức ép tìm kiếm khách hàng mới hơn, phải sáng tạo ra nhiều chiêu trò hơn.
Người viết thử tham gia 3 nhóm zalo của 3 môi giới khác nhau trong thời buổi “ít khách” này, khoan hãy nói đến chất lượng chuyên môn, mà chỉ cần đọc qua cũng thấy các nick “chim mồi” (có khi là cùng một người) tung hô trưởng nhóm; cổ phiếu nào đang lên giá mạnh thì khen nhau và hô chốt lời, dù trước đó tuyệt nhiên không tìm thấy thông tin nói về thời điểm mua. Một thông tin phân tích thì được truyền đi khắp các room khác nhau dù chất xám thì chẳng hơn gì mấy bản tin miễn phí.
Việc tham gia đầu tư chứng khoán như một thứ mốt như vậy thực chất là điều bất lợi cho sự phát triển. Đám đông dĩ nhiên là một phần cần thiết của thị trường, vì đó thường là những người chuyển tiền cho các NĐT sành sỏi hơn, nhưng những phản ứng bộc phát, lối suy diễn cảm tính, đổ lỗi, quy chụp khiến thị trường thêm hỗn loạn và bị thông tin sai lệch. Một NĐT thua lỗ phải cuốn gói khỏi thị trường có bao giờ nhận mình dốt, mà thường đổ tại thị trường nó lừa đảo!
Việc tham gia đầu tư chứng khoán như một thứ mốt như vậy thực chất là điều bất lợi cho sự phát triển. Bởi một NĐT thua lỗ phải cuốn gói khỏi thị trường có bao giờ nhận mình dốt, mà thường đổ tại thị trường nó lừa đảo! |
Nguyên Hà
SGĐTTC