Trào lưu âm thầm nghỉ việc và phản ứng của giới trẻ chống lại “áp lực phải thành công”
Cuộc sống chứa đựng muôn vàn áp lực từ công việc và vòng quay xã hội, nhiều người đã tìm cách giải tỏa và giảm tải những mỏi mệt trong tinh thần, thậm chí còn chấp nhận từ bỏ cuộc sống hiện tại.
Cuộc sống đi lên kéo theo áp lực ngày càng gia tăng
Theo khảo sát của tổ chức từ thiện Relate, khoảng 77% thuộc gen Y (25 đến 39 tuổi) và 83% thuộc thế hệ Z (16 đến 24 tuổi) gặp áp lực phải đạt được các mốc quan trọng trong cuộc sống. Trong khi, con số này chỉ ở mức 66% với những người trên 75 tuổi và 70% những người từ 55 đến 74 tuổi có áp lực như vậy khi còn trẻ.
Theo khảo sát với 2.022 người tham gia ở Vương quốc Anh thực hiện bởi Censuswide từ ngày 9 đến 11/8 cho thấy áp lực sinh con có xu hướng tăng đối với gen Y với 35%. So sánh với mức 17% những người thuộc thế hệ Baby boomer (sinh ra từ năm 1946 đến 1964) và 13% người có độ tuổi trên 75 cảm thấy như vậy khi còn trẻ.
Đối với vấn đề kết hôn, gen Z cho thấy “cột mốc” này không quan trọng đến vậy (chỉ chiếm 27%). Con số này ở gen Y là 38%, thế hệ Baby boomer là 41,9% và 7,5% với những người ngoài 75 tuổi.
Kinh tế ngày càng phát triển đồng nghĩa với chi phí sinh hoạt sẽ dần dần tăng lên. Áp lực cạnh tranh cũng không theo đó mà trở nên khắc nghiệt hơn. Thế hệ trẻ bắt đầu phải vật lộn để đáp ứng các nhu cầu của mình.
Tại Seoul, Hàn Quốc, các chuyên gia bất động sản cho biết những người trẻ không có gia đình giàu có gần như không thể mua nhà tại đây. Tình trạng này cũng tương tự tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, Nhật Bản như Bắc Kinh, Thượng Hải, Tokyo…
Người trẻ âm thầm nghỉ việc để đối phó
Theo trang CNBC, trung bình cứ 3 người lao động tại Mỹ thì lại có 1 người cân nhắc bỏ việc. Chỉ trong tháng 5, có 3 triệu người nộp đơn nghỉ việc. Khoảng 60% người được hỏi nói rằng, họ có điều không hài lòng với công việc đang làm.
"Làm việc cầm chừng" có thể hiểu là không muốn làm những công việc không có trong hợp đồng. Cụ thể hơn, người lao động sẽ chỉ hoàn thành một phần nhất định nhiệm vụ được giao. Họ từ chối làm thêm việc ở ngoài phạm vi công việc của bản thân.
Trên các trang mạng xã hội, từ khoá "âm thầm bỏ cuộc" (Quiet Quitting) hoặc "làm việc cầm chừng" đã thu hút hàng triệu lượt xem.
Làm việc một cách hời hợt, không tìm thấy cảm hứng. Luôn trong tâm thế đi ngược lại với yêu cầu của công việc và cấp trên. Đây là cảm giác thường trực của khá nhiều người lao động trẻ hiện nay và không chỉ ở riêng quốc gia nào.
…Nằm yên cũng là một giải pháp được ưa chuộng
Năm 20211, cụm từ "Tang ping" – nằm yên, mặc kệ sự đời bắt đầu được lan truyền và trở thành cách sống của nhiều người trẻ Trung Quốc.
Theo SCMP, cụm từ này được dùng để miêu tả trạng thái con người chỉ làm những việc tối thiểu để sống qua ngày. Họ không phấn đấu tiến xa hơn, chỉ thực hiện những mục tiêu cơ bản. Quan điểm này trái ngược với mục tiêu trở thành một cá nhân nhiệt huyết đối với xã hội. Thay vì nỗ lực học tập chăm chỉ, mua nhà hay lập gia đình, một bộ phận của xã hội Trung Quốc lựa chọn bỏ qua những mục tiêu đó.
Một số người nhận định quan điểm này đi ngược lại chủ nghĩa duy vật, một số khác nghi ngờ đây chỉ đơn giản là sự lười biếng. Trong khi đó, nhiều người cho rằng thái độ chống đối như vậy là kết quả tất yếu khi mọi người đã quá mệt mỏi với áp lực, cạnh tranh của cuộc sống hàng ngày, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ.
Không như nhiều từ thông dụng trước đó, "tang ping" không phải đại diện cho xu hướng mới. Tuy nhiên, một bài đăng về chủ đề này trở nên "viral" vào tháng 4/2021, thu hút sự chú ý lớn của nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ ở Trung Quốc.
Trên Baidu, một người đàn ông khoảng 20 tuổi – Luo Huazhong, đã viết về việc anh lựa chọn lối sống tối giản này trong 2 năm. Người dùng này cho biết: "Cuộc sống của tôi đơn giản chỉ là nằm yên."
Luo giải thích rằng, anh lựa chọn cuộc sống không áp lực, ít đam mê về vật chất, không cần cố gắng để có một việc làm ổn định khi sống cùng bố mẹ ở Chiết Giang.
Một số khác lao vào kiếm tiền để được nghỉ hưu sớm
Theo Cơ quan Dịch vụ Tài chính (Financial Services Agency) Nhật Bản, tuổi thọ trung bình của người Nhật sẽ sớm tăng lên 95. Để an hưởng tuổi già, người Nhật cần khoản tiền cao hơn lương hưu 10 triệu yen (khoảng 2 tỷ đồng).
Nếu ở Thế hệ X, người Nhật bất chấp kiên trì công việc vì lương hưu thì tới Millennials và Gen Z, giới trẻ chọn con đường hoàn toàn ngược lại.
Họ đặt ra mục tiêu và lợi nhuận rõ ràng, 25x và 4%. Trong đó, 25x là tổng số tiền cần tiết kiệm đủ trước khi bỏ việc, còn 4% là lãi suất thu được nếu đem 25x đi đầu tư.
Theo tính toán của giới trẻ Nhật Bản, 1 Millennials cần 25x trị giá tối thiểu 15 triệu yên. Với nó, họ có thể 4% ra 50.000 yên/tháng, đảm bảo sinh hoạt phí cơ bản và vẫn giữ nguyên được tiền gốc.
"Tôi không muốn phải 'mòn ghế' trên công ty cả đời, nên đã FIRE ngay từ khi mới đi làm," - Yuiki Hotaka (30 tuổi) chia sẻ. Anh từng là nhân viên của công ty con thuộc Tập đoàn Mitsubishi, Nhật Bản, nổi tiếng "kẻ đi sớm về trễ", điên cuồng cống hiến sức lực cho công việc.
Tuy nhiên, mục tiêu của Hotaka không phải thái độ hài lòng của chủ lao động, mà là 25x. Anh cắt giảm mọi nhu cầu sống xuống mức tối thiểu, đến cả nước uống cũng tự mang từ nhà đi chứ không mua nước đóng chai. Kết quả, chỉ sau nửa thập niên "khổ hạnh", Hotaka tiết kiệm được hẳn 70 triệu yên.
Những thanh niên Nhật Bản bỏ cuộc trên con đường học vấn hoặc tìm việc làm và đóng hết các cánh cửa tiếp xúc với xã hội, “không học vấn, không việc làm, không được huấn luyện”- được gọi là NEET (viết tắt của Not in Education, Employment, or Training).
Theo SCMP, CNBC