Trào lưu "âm thầm nghỉ việc" lan truyền trên TikTok

Chia sẻ Facebook
06/10/2022 11:47:34

Từ khoá "âm thầm bỏ cuộc" hay "làm việc cầm chừng" đã thu hút tới hơn 3,5 triệu lượt xem trên mạng xã hội. Và các video về chủ đề này vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi.


" Làm việc cầm chừng " có nghĩa là khi bạn không muốn làm những công việc không có trong hợp đồng. Đó là khi bạn nhận ra không việc gì phải quan tâm tới một công việc nơi mà không ai quan tâm tới quyền lợi của bạn, là khi bạn từ chối gánh còng lưng việc của 2 - 3 người một lúc.


Dù mỗi người có một định nghĩa nhưng từ khoá " âm thầm bỏ cuộc " (Quiet Quitting) hoặc "làm việc cầm chừng" đã thu hút tới hơn 3,5 triệu lượt xem. Và các video về chủ đề này vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi trong giới trẻ.

Vậy làn sóng làm việc có phần chây ì, hờ hững là biểu hiện của một thái độ thiếu tích cực, lười biếng hay là sự cân bằng giữa làm và chơi?


Khi nhân viên "bỏ cuộc"

"Làm việc cầm chừng" có thể hiểu là một hiện tượng mà thay vì cống hiến 120% sức lực thì người đi làm chỉ dừng ở mức 90%, vừa đủ để hoàn thành chứ không phải cố gắng quá. Nhiều thông tin, bình luận cho rằng, đây là một kiểu làm việc có phần lười biếng mà họ gán với cái mác người trẻ hay Gen Z.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, cách gán mác này thật bất công. Dù là Gen Z, Gen X hay Gen gì thì khi bị "dí" thêm việc, bị quá tải, họ cũng đều có quyền nghỉ ngơi, cân bằng cuộc sống một chút. Điều mà các công ty lo ngại là khi xu hướng đó lan rộng ra và thậm chí ăn sâu bén rễ, trở thành một cách sống, người ta sẽ mất động lực và triền miên rơi vào trạng thái muốn bỏ cuộc.

Tư tưởng "Làm việc cầm chừng" đang trở thành trào lưu (Ảnh: New York Post)

"Khi sếp của tôi giao việc cho tôi, tôi hay trì hoãn xin để đến hôm sau hoặc là bảo sếp giao cho người khác làm. Thậm chí tôi mặc kệ luôn"

Làm việc một cách hời hợt, không tìm thấy cảm hứng. Luôn trong tâm thế đi ngược lại với yêu cầu của công việc và cấp trên. Đây là cảm giác thường trực của khá nhiều người lao động trẻ hiện nay và không chỉ ở riêng quốc gia nào.

Theo Giáo sư Alfred Wu tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, những nhân viên này cảm thấy không có động lực phấn đấu. Họ "đối phó" bằng cách thu hẹp hết mức các hoạt động xã hội, kinh tế. Thậm chí, họ luôn cảm thấy muốn nói "không" với cấp trên và họ từ chối hợp tác.

Nguyên nhân của sự tiêu cực này không nhất thiết đến từ chính người lao động. Tờ CNA của Singapore bình luận, thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay đóng vai trò lớn trong việc khiến người lao động cảm thấy mất nhuệ khí khi lương thấp, chi phí sinh hoạt cao, việc tự mua nhà mua xe gần như là không thể. Và cuối cùng, 2 năm COVID-19 buộc chúng ta phải giãn cách, làm việc từ xa, khiến người lao động gần như thay đổi hoàn toàn tư duy về việc có nhất thiết cứ phải đến cơ quan ngồi từ sáng đến tối hay không? Một số quốc gia thậm chí ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp lên tới 2 chữ số. Do đó, thái độ của nhiều người trẻ sẽ là: "Tại sao phải cố gắng?".

Theo trang CNBC, giờ đây, người trẻ đang phải trải qua một giai đoạn kinh tế nhạy cảm có thể khiến một bộ phận lao động cảm thấy không có sức bật, mất phương hướng. Và "Quiet Quitting" hay "làm việc cầm chừng" chính là cách để họ phản ứng lại với những khó khăn này.


Nguyên nhân xu hướng "âm thầm bỏ cuộc'' tại Mỹ


Năm ngoái, tại Mỹ xuất hiện làn sóng ồ ạt bỏ việc. Liệu phong trào "âm thầm ngừng cống hiến" này có phải là một phiên bản khác của hiện tượng đó?

Theo trang CNBN, giữa năm ngoái, cứ 3 người lao động tại Mỹ thì lại có 1 người cân nhắc bỏ việc. Chỉ trong tháng 5, có 3 triệu người nộp đơn nghỉ việc. Khoảng 60% người được hỏi nói rằng, họ có điều không hài lòng với công việc đang làm.

Và hệ quả là rất nhiều người "ngồi chưa ấm chỗ" đã tính nhảy việc, thậm chí nhảy việc liên tục. Tuy nhiên, các công ty lúc đó mới mở lại sau đại dịch, họ có rất nhiều chỗ trống nên người lao động khá thoải mái lựa chọn mà không sợ ảnh hưởng thu nhập.

Thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay đóng vai trò lớn trong việc khiến người lao động cảm thấy mất nhuệ khí

"Quiet Quitting" hay "âm thầm bỏ cuộc" là hiện tượng mới của năm nay. Tác động của nó sẽ khác.

Theo phóng viên Lê Tuyển thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại Mỹ, có thể hiểu thuật ngữ "Quiet Quitting" là "làm vừa đủ". Có nhiều lý do cho việc "làm vừa đủ" này: người muốn dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, người tính vốn ì sẵn, người thấy công sức bỏ ra không được ghi nhận xứng đáng… Tuy nhiên, ranh giới giữa "làm vừa đủ" và "kém năng suất" là rất mong manh.

Làm vừa đủ sẽ không sao nếu người lao động vẫn tuân thủ làm đúng giờ, đúng tiến độ, kết quả tốt. Tuy nhiên, nó sẽ là vấn đề lớn khi giảm chất lượng, giờ giấc không chuẩn, tệ hơn là lây sang nhiều lao động khác khiến hiệu quả chung giảm sút.

Bộ Lao động Mỹ mới đây công bố, năng suất lao động của nước này đã giảm tới hơn 4% trong quý II. Có nhiều lý do nhưng tư tưởng "làm vừa đủ" cũng góp phần không nhỏ.

Khảo sát của hãng Gallup cho thấy, lao động có tư tưởng "làm vừa đủ" kiểu này chiếm tới hơn một nửa lực lượng lao động tại Mỹ.

Theo Thời báo New York, với khối công nhân thiên về lao động tay chân thì 8/10 tập đoàn ở Mỹ đã sử dụng công nghệ theo dõi năng suất. Công nghệ này áp dụng tới từng người, từng ca. Còn với lực lượng lao động tri thức, biện pháp này cũng đang dần được áp dụng. Nhiều nhân viên dù làm việc tại nhà hay tới cơ quan cũng đều bị theo dõi, tích điểm. Nếu nút "không hoạt động" hay "yên lặng" hiện lên, ngay lập tức bị ghi lại. Nghỉ lâu quá trong giờ làm việc có thể dẫn tới bị trừ lương hoặc nặng hơn là sa thải.

Biện pháp này không thể áp dụng với tất cả các công việc và có thể gây áp lực hơi quá cho người lao động. Tuy nhiên, các công ty ở Mỹ cho rằng, nhờ nó mà họ có quyết định công bằng hơn về nhân sự và lương thưởng.


Những thay đổi từ phía các doanh nghiệp

Thay vì cho rằng nó là một trào lưu sớm nở tối tàn thì các công ty đang nhận ra những biểu hiện tiêu cực trong môi trường làm việc và có cách để mọi việc trở nên tốt đẹp hơn. Vì cách làm việc cầm chừng, thiếu nhiệt huyết này có thể không quá ảnh hưởng ở ngành này nhưng lại là cực kỳ nguy hiểm với ngành khác.

Tạp chí Forbes chỉ ra, hiện tượng người lao động cảm thấy thiếu kết nối với nơi làm việc có tác hại lớn đối với những ngành như giáo dục, y tế. Hãy tưởng tượng một bác sĩ cảm thấy thiếu động lực, không nhiệt tình trong việc chữa trị bệnh cho bệnh nhân, không sẵn sàng trực ngoài giờ. Để giải quyết tình trạng này, các nhà tuyển dụng được khuyến khích dành thời gian quan tâm tới tâm lý và nguyện vọng của những người lao động của mình thay vì thả nổi. Họ cũng được khuyên là nên áp dụng chính sách giờ giấc làm việc linh động hơn và nên tôn trọng ngày nghỉ của nhân viên.

Các doanh nghiệp cần nhận ra những biểu hiện tiêu cực trong môi trường làm việc và thay đổi để giữ chân người lao động (Ảnh: AP)

Quay trở lại câu chuyện này tại châu Á, từ "trào lưu nằm thẳng" tại Trung Quốc hồi đầu năm nay cho tới trào lưu của lần này đều đang cho thấy một sự thiếu kết nối giữa người trẻ và nơi họ làm việc. Thiệt thòi của họ là phải trải qua tới 2 năm giãn cách vì dịch bệnh. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tinh thần của những người mới tham gia lực lượng lao động.


Nhiều công ty đã linh hoạt kết hợp hình thức làm việc song song, cho phép nhân viên dành thời gian ít hơn ở công sở mà vẫn làm được việc. Có áp dụng kỷ luật với cách làm việc chây ì thì cũng sẽ có khích lệ với những nhân viên có nỗ lực. Sớm thôi, thế hệ Millennial rồi Gen Z sẽ là lao động chính trên thị trường. Họ sẽ có một tư duy làm việc và cống hiến kiểu mới. Do đó, những thay đổi từ các công ty sẽ là nên kết hợp được tinh thần linh hoạt, tự do của người trẻ, đồng thời khơi gợi được sự cống hiến tích cực của họ cho doanh nghiệp.

Chia sẻ Facebook