Trao đổi với Big Tech ở Mỹ, Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp ‘khởi nghiệp toàn dân’

Chia sẻ Facebook
18/05/2022 23:41:18

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc đối thoại với các doanh nghiệp công nghệ lớn của Mỹ như Google, Meta, Microsoft tại tọa đàm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào sáng 17-5 (giờ địa phương).

Thủ tướng cho rằng hạ tầng liên quan phát triển khoa học công nghệ cần tiếp tục được đầu tư, nâng cao chất lượng để phù hợp yêu cầu phát triển chung. Nhưng vấn đề đầu tiên là tiền đâu. Việt Nam rất muốn huy động các nguồn lực tài chính thông qua hợp tác công tư - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam lấy khởi nghiệp, khoa học công nghệ là động lực cho phát triển mới với bằng chứng là cả ba đột phá chiến lược đều liên quan đến khởi nghiệp, khoa học công nghệ.

Thủ tướng mong muốn các đối tác Mỹ tiếp tục thúc đẩy các hợp tác nói chung, nhất là các vấn đề chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với sinh viên, thanh niên là trung tâm.


"Tất nhiên chúng tôi cũng nghĩ rằng cần phát động khởi nghiệp toàn dân vì khởi nghiệp thì không giới hạn tuổi, giới tính hay biên giới", ông chia sẻ.


Trong phần hỏi đáp diễn ra sôi nổi và kéo dài hơn dự kiến ngay sau đó, Thủ tướng cùng lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Mỹ tiếp tục đề cập đến cơ hội hợp tác trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ.


Bày tỏ sự ủng hộ với Thủ tướng về cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, lãnh đạo Tập đoàn Chevron về năng lượng - tài chính mong muốn các sáng kiến về công nghệ không nằm riêng lẻ mà cần được tích hợp, liên kết để mang đến sự hiểu biết nhiều hơn cho mọi người cũng như gia tăng cơ hội vươn lên cho người dân nhờ vào đổi mới công nghệ.


Đại diện cho một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon cho hay, quỹ này vừa hợp tác để làm pin cho ôtô điện cùng VinFast và mong muốn được tìm hiểu một cách có hệ thống về các chính sách của Chính phủ trong việc khuyến khích các doanh nghiệp từ Silicon tới Việt Nam hợp tác.


Thủ tướng cho hay Việt Nam đang thúc đẩy chuẩn bị hệ thống hạ tầng như công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, đào tạo nhân lực chất lượng tốt hơn để sẵn sàng khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thủ tướng cùng đoàn Việt Nam chụp ảnh trước trụ sở Google (Mỹ) - Ảnh: Fanpage Thông tin Chính phủ


Trong khi đó, lãnh đạo một nhà băng chuyên cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp tại Thung lũng Silicon tặng Thủ tướng một chiếc túi được sản xuất tại Việt Nam nhưng gắn logo của ngân hàng này, như một biểu tượng cho mong muốn được hợp tác chặt chẽ.


Đáp lại, Thủ tướng cho hay Việt Nam là một trong những nước ký nhiều hiệp định thương mại (FTA) nhất thế giới, độ mở nền kinh tế tới 200% GDP, có quan hệ thương mại với hơn 60 nước.


Dù vậy ông cũng lưu ý rằng Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên nhu cầu về vốn rất lớn, nhất là nguồn lực để giải quyết các vấn đề mới như chuyển dịch năng lượng, biến đổi khí hậu… và rất mong muốn có sự chung tay của các định chế tài chính lớn.


Trả lời câu hỏi của giám đốc khối Đông Nam Á và Nam Á của Tập đoàn Meta về đề nghị có sự hợp tác nhóm đặc trách của Hội Châu Á với Việt Nam về chuyển đổi số, nhất là trong các quy định liên quan ngành công nghệ, Thủ tướng nhấn mạnh rằng "tài nguyên con người là quý giá nhất" và đề nghị được hợp tác trong nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.


Tuy nhiên Thủ tướng cũng cho rằng bên cạnh đó, hạ tầng liên quan phát triển khoa học công nghệ cần tiếp tục được đầu tư, nâng cao chất lượng để phù hợp yêu cầu phát triển chung. "Nhưng vấn đề đầu tiên là tiền đâu. Chúng tôi rất muốn huy động các nguồn lực tài chính thông qua hợp tác công tư. Những nước đang phát triển như Việt Nam cần ưu tiên nguồn lực, từ các nước phát triển", ông nói.

Chiều 17-5 theo giờ địa phương, tại thành phố San Francisco (Mỹ), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch Việt - Mỹ với chủ đề 'Khám phá lại Việt Nam' (Rediscovering Viet Nam).

Chia sẻ Facebook