Tranh giấy xoắn Việt lập 2 kỷ lục Guinness thế giới

Chia sẻ Facebook
09/04/2022 09:46:01

Một doanh nghiệp tại TP.HCM vừa xác lập 2 kỷ lục Guinness thế giới khi tạo ra bức tranh giấy xoắn thủ công lớn nhất thế giới và đạt số lượng người tham gia cùng lúc lớn nhất để tạo nên các tấm thiệp giấy xoắn.

Bà Nguyễn Phạm Thị Diễm Hương - giám đốc Công ty Quilling Card (giữa) - bên bức tranh The Starry Night (Đêm đầy sao) đã được công nhận là bức tranh giấy xoắn làm thủ công lớn nhất thế giới vào ngày 8-4 - Ảnh: N.H


Ngày 8-4, Tổ chức Kỷ lục thế giới (Guinness World Records) đã xác lập kỷ lục thế giới đối với Công ty Quilling Card (trụ sở tại quận 12, TP.HCM) khi doanh nghiệp chuyên sản xuất thiệp giấy xoắn handmade (thiệp quilling) đã tạo nên một bức tranh giấy xoắn có kích cỡ lớn nhất thế giới.


Đây là bức tranh The Starry Night (Đêm đầy sao) nổi tiếng của danh họa người Hà Lan Vincent van Gogh được "vẽ" lại bằng giấy xoắn với đôi tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân Việt.

Bức tranh đặc biệt này có kích cỡ lớn, lên đến 26,73 m², được kết lại từ hàng vạn sợi giấy đa sắc màu với sự tham gia của 300 nhân công, nghệ nhân của công ty.

Điều đặc biệt, toàn bộ thời gian từ khi lên ý tưởng, thực hiện cho đến khi hoàn tất bức tranh giấy xoắn kỳ công này chỉ vỏn vẹn 2 tháng 1 ngày.

Các nghệ nhân đi sóng giấy để "vẽ" nên bức tranh thiệp giấy xoắn lớn nhất thế giới - Ảnh: N.H

Bên cạnh đó, Guinness World Records cũng xác lập kỷ lục số lượng người cùng làm thiệp giấy xoắn thủ công lớn nhất thế giới vào ngày 8-4 với 300 người lao động, nghệ nhân của Công ty Quilling Card cùng kết các tấm thiệp giấy xoắn.

Tại buổi lễ, đại diện của Guinness World Records đã chứng kiến, ghi nhận các số liệu và chính thức xác nhận, trao 2 giấy chứng nhận cho Công ty Quilling Card.

Đại diện của Guinness World Records đã đánh giá cao những nỗ lực của các nghệ nhân Việt và chúc mừng Công ty Quilling Card được ghi danh vào danh sách kỷ lục thế giới.

Bức tranh được tạo nên bởi hàng vạn đường sóng giấy từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Việt - Ảnh: N.H


Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngay sau khi xác lập kỷ lục, bà Nguyễn Phạm Thị Diễm Hương - giám đốc Công ty Quilling Card - cho biết việc được Tổ chức Kỷ lục thế giới xác nhận kỷ lục đối với công ty là niềm tự hào của doanh nghiệp sau 10 năm thành lập. Đây cũng là sự ghi nhận xứng đáng đối với trí tuệ, sự khéo léo của các nghệ nhân Việt khi các tiêu chí để xác lập kỷ lục rất khắt khe.

Đặc biệt, trong số những người đóng góp vào 2 sản phẩm đạt kỷ lục này có những nghệ nhân, người lao động là người câm điếc.

Bức tranh được xác lập kỷ lục này sẽ được công ty mang sang trưng bày tại hội chợ các bảo tàng ở Boston (Mỹ) - Ảnh: N.H.

Theo bà Hương, vào tháng 5 tới (từ ngày 18 đến 22-5), bức tranh được xác lập kỷ lục này sẽ được công ty mang sang trưng bày tại hội chợ các bảo tàng ở Boston (Mỹ). Sau đó, các bảo tàng sẽ đấu giá để giành quyền trưng bày bức tranh này.

Sau thời gian trưng bày, công ty sẽ mang ra bán để gây quỹ từ thiện, xây dựng trường học cho người khuyết tật tại Việt Nam.


15 triệu tấm thiệp đi muôn phương

Sau 10 năm thành lập, đến nay công ty này đã xuất khẩu sang các nước châu Á, châu Âu, Mỹ... khoảng 15 triệu tấm thiệp - Ảnh: NGỌC HIỂN


Bà Nguyễn Phạm Thị Diễm Hương cho biết nghệ thuật giấy xoắn không phải nguồn gốc từ Việt Nam, mà có từ thời Ai Cập cổ đại. Hiện nay, quilling vẫn còn được lưu truyền ở nhiều nơi trên thế giới nhưng họ chỉ làm vì yêu thích môn nghệ thuật này, ít ai tổ chức thành công ty sản xuất chuyên nghiệp như Quilling Card.


Theo bà Hương, sau 10 năm thành lập, đến nay công ty này đã xuất khẩu sang các nước châu Á, châu Âu, Mỹ... với khoảng 15 triệu tấm thiệp ra thị trường thế giới.


Bà Hương cho hay có thời điểm các doanh nghiệp Trung Quốc cạnh tranh, sản xuất thiệp bằng máy móc để nhái. Nhưng sản xuất công nghiệp không tỉ mỉ, sắc sảo như làm bằng tay nên tấm thiệp Việt vẫn vượt lên và hiện đang chiếm lĩnh tại thị trường Mỹ.

Trong câu chuyện đột phá xuất khẩu 600 tỉ USD năm nay của Việt Nam, có sự đóng góp của những nhà máy thầm lặng, góp phần để hàng Việt có mặt ở muôn nơi.

Chia sẻ Facebook