Tranh cãi vụ án xử người chết là bị đơn
Một người đàn ông đã chết bị nguyên đơn nhận là con trai ngoài giá thú của ông ta khởi kiện ra tòa yêu cầu tòa công nhận ông là cha. Đây là vụ kiện khá hi hữu khi một người đã chết là bị đơn trong một vụ án.
Hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm tại tỉnh Phú Yên đã xét xử vụ án hôn nhân gia đình nêu trên, tuyên ông K. (ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, đã chết năm 2020) là cha ruột của anh Đ. (ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).
Người chết vẫn thành bị đơn
Theo hồ sơ vụ việc, ông K. qua đời ngày 20-7-2020. Đến ngày 14-1-2021, anh Đ. gửi đơn đến TAND TP Tuy Hòa yêu cầu tòa giải quyết, công nhận ông K. là cha ruột anh.
Theo đơn, anh Đ. cho biết năm 1998, mẹ anh từ tỉnh Vĩnh Long ra TP Tuy Hòa làm ăn, có quan hệ tình cảm với ông K. và kết quả là anh ra đời vào năm 2001.
Lúc bấy giờ, do có những mâu thuẫn không hàn gắn được nên ông K. và mẹ anh Đ. không đi đến hôn nhân nhưng cha, mẹ và anh em ruột của ông K. đều biết mối quan hệ trên. Khi hai người chia tay, mẹ anh Đ. có bế anh về nhà cha mẹ ông K. để gia đình ông biết.
Cũng theo đơn, sau khi ông K. cưới vợ vào năm 2003, mẹ con anh Đ. chuyển về TP.HCM sinh sống, ông K. vẫn âm thầm hỗ trợ và thường xuyên chăm sóc, cấp dưỡng, định hướng học tập cho anh.
Khi ông K. mất, được sự đồng ý của gia đình phía nội và vợ ông K., anh Đ. về chịu tang cha. Ba tháng sau khi ông K. mất, vào tháng 10-2020, anh Đ. giám định ADN với ông A. là bác ruột của ông K..
Kết luận giám định là 2 người có quan hệ huyết thống theo dòng cha. Vì vậy, anh Đ. gửi đơn đề nghị TAND TP Tuy Hòa xác định ông K. là cha ruột của anh.
TAND TP Tuy Hòa thụ lý việc hôn nhân gia đình nêu trên, nhưng đến ngày 15-10-2021 thì quyết định đình chỉ giải quyết, chuyển sang thụ lý vụ án hôn nhân gia đình mà nguyên đơn là anh Đ. và xác định bị đơn là ông K. (đã chết), với lý do trong quá trình thụ lý việc dân sự, anh Đ. và bà L. (mẹ ông K.) đều có yêu cầu giám định ADN để xác định anh Đ. có phải là con ông K. không, nên xảy ra tranh chấp.
Xét xử sơ thẩm ngày 23-11-2021, TAND TP Tuy Hòa tuyên anh Đ. là con ruột của ông K.. Không đồng ý, chị U. là con gái ruột ông K. có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Sai nhưng vẫn... đúng!?
Tại phiên tòa phúc thẩm do TAND tỉnh Phú Yên xét xử mới đây, anh Đ. và luật sư của anh đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm. Ngược lại, luật sư bảo vệ quyền lợi của chị U. cho rằng tòa sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Cụ thể ngay từ đầu, việc tòa này thụ lý đơn của anh Đ. về việc hôn nhân gia đình là đúng nhưng trái thẩm quyền về lãnh thổ theo quy định pháp luật tại điểm t, điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Theo đó, việc hôn nhân gia đình này phải do tòa án cấp huyện nơi anh Đ. đăng ký thường trú giải quyết.
Về việc TAND TP Tuy Hòa đình chỉ việc hôn nhân chuyển sang thụ lý vụ kiện của anh Đ., đưa ông K. là người đã chết nhiều tháng trước đó tham gia tố tụng với tư cách bị đơn để xét xử, theo vị luật sư, là vi phạm cơ bản, nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Theo ông, trường hợp chủ thể được yêu cầu xác định là cha, là mẹ, là con đã chết được tòa án giải quyết theo thủ tục việc hôn nhân và gia đình quy định tại khoản 10 điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự (không có bị đơn, không có người thừa kế tố tụng).
Do đó, luật sư của chị U. đề nghị tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, chuyển về tòa án có thẩm quyền giải quyết việc hôn nhân gia đình đúng quy định pháp luật.
Tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện KSND tỉnh Phú Yên nêu quan điểm rằng tòa sơ thẩm có vi phạm về thủ tục trong việc xác định tư cách tố tụng của đương sự.
Ông K. chết, đúng ra phải xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm mẹ, vợ và con gái ông là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng, nhưng tòa cấp sơ thẩm lại xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tuy nhiên, căn cứ kết quả giám định ADN và trình bày của người mẹ, anh em ông K. đều thừa nhận anh Đ. là con ngoài giá thú của ông, vị đại diện viện kiểm sát nói rằng bản án sơ thẩm có vi phạm về thủ tục tố tụng, nhưng về bản chất nội dung vụ án không thay đổi đường lối giải quyết nên không cần thiết phải hủy án sơ thẩm để giải quyết lại.
Đồng quan điểm này, hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định rằng trong quá trình giải quyết việc dân sự xác định cha cho con theo đơn anh Đ. thì mẹ ruột ông K. có yêu cầu tòa án giám định ADN để xác định anh Đ. có huyết thống cha con với ông K. hay không.
Như vậy vụ việc đã phát sinh tranh chấp, nên TAND TP Tuy Hòa ra quyết định đình chỉ việc hôn nhân gia đình và chuyển sang thụ lý giải quyết vụ án hôn nhân gia đình là có căn cứ.
Bản án phúc thẩm cũng nhận định căn cứ lời trình bày của các bên, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, kết quả giám định ADN của Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng cho thấy tòa án cấp sơ thẩm xác định anh Đ. và ông K. có quan hệ huyết thống cha con là có cơ sở.
Từ đó, hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận quan điểm của viện kiểm sát, không chấp nhận kháng cáo của chị U., tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Cần giám đốc thẩm
Nêu ý kiến về kết quả xét xử vụ án nêu trên, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: "Theo tôi, vụ án này cần xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm để qua đó làm kim chỉ nam cho tòa án các cấp tham khảo hoặc nâng lên thành án lệ".
Ông Học nói rằng bản án phúc thẩm xử giữ nguyên bản án sơ thẩm là tiếp nối vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Hai cấp tòa án sơ thẩm và phúc thẩm tại Phú Yên thụ lý giải quyết việc hôn nhân gia đình hay vụ kiện về hôn nhân gia đình đều vi phạm tố tụng.
Đối với việc hôn nhân gia đình xác định cha (đã chết) cho con thì giải quyết việc hôn nhân gia đình (không có bị đơn, không có phiên tòa xét xử); về quyền nhân thân không có việc thừa kế tố tụng dân sự như thủ tục giải quyết vụ kiện dân sự thông thường.
Việc đưa người đã chết vào tham gia tố tụng là bị đơn để xét xử, công nhận cha cho con như vậy là không có căn cứ pháp luật về thủ tục giải quyết về hôn nhân gia đình.
Nhiều vụ án sau khi xảy ra bị can qua đời, nhưng thiệt hại do hành vi của bị can gây ra thì nhiều người đang phải gánh chịu. Vậy pháp luật quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi bị can đã chết như thế nào?