Tranh cãi việc trộm chó tiết lộ thu nhập có thể lên đến 100 triệu/ tháng
Khi bị bắt, Trần Phương Quang và Nguyễn Minh Tiến tiết lộ ngày cao điểm trộm được hơn 10 con chó, bán 30-35 nghìn đồng/kg (khoảng 3 triệu/ngày). Vì vậy, chúng bất chấp pháp luật, nguy hiểm để phạm pháp.
Trần Phương Quang (28 tuổi, ngụ xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) và Nguyễn Minh Tiến (32 tuổi, ngụ xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) là hai đối tượng trộm chó bị Đội Cảnh sát Hình sự Công an Quận 12, TP HCM tạm giữ hình sự từ ngày 19/10/2023.
Trần Phương Quang và Nguyễn Minh Tiến là 2 đối tượng trong clip 'trộm chó bị tài xế ô tô đâm trên đường Tân Thới Nhất 18, Tân Thới Nhất, Quận 12' lan truyền trên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận vài ngày qua. Sau khi nắm thông tin, Công an Quận 12, TP HCM vào cuộc xác minh và tạm giữ 2 đối tượng.
Tại cơ quan điều tra, cả hai khai nhận hành vi. Theo đó, Tiến được Trần Phương Quang rủ tham gia đi bắn trộm chó để đem bán cho các lò tiêu thụ lấy tiền tiêu xài.
Một tuần trước khi bị Công an quận 12 bắt giữ, cả hai đã thực hiện nhiều vụ trộm chó, mỗi vụ nhóm này bắt từ hai đến 10 con chó trên địa bàn Hóc Môn, quận 12. Số chó này được hai nam thanh niên mang đến các lò mổ để bán với giá từ 30 đến 35 ngàn đồng/kg.
Lời khai của 2 nghi can khiến dư luận xôn xao. Trên nhiều diễn đàn mạng, dư luận cảm thấy sốc với số tiền bất chính từ việc trộm chó mà các nghi can thu được. Tài khoản Thiên Tuấn bình luận: 'Chó trưởng thành trung bình nặng 15-20kg, giá bán chó 30-35 nghìn đồng/kg. Theo lời khai thì các đối tượng trộm từ 2-hơn 10 con chó/ ngày. Như vậy ngày cao điểm chúng có thể kiếm được 3 triệu đồng/ngày. Tính ra cả tháng kiếm cả 100 triệu, thế bảo sao mãi không chặn được nạn trộm chó'.
Ý kiến này nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng và được bàn luận xôn xao.
Anh Bùi Long (Đan Phượng, Hà Nội), một người trước đây làm nghề bán thịt chó cho biết, mức thu nhập 100 triệu đồng/ tháng của trộm chó như dư luận bàn tán là không thực tế. Bởi không phải ngày nào các đối tượng cũng trộm được 10 con chó và đi trộm đều cả 30 ngày/ tháng. Cách tính đó chỉ là dân mạng nói vui thôi. Tuy nhiên, có một thực tế là việc bán chó khá dễ dàng, đa phần người mua, lò mua hay hàng mua bán thịt chó không hỏi về nguồn gốc. Thậm chí, họ biết chó trộm nhưng vẫn mua vì giá thường rẻ hơn người dân bán. (Ảnh minh họa).
Theo anh Long, các đối tượng trộm chó thường là thành phần bất hảo, thậm chí là nghiện ngập, không công ăn việc làm. Việc trộm chó lại khá dễ dàng, chỉ cần các công cụ thô sơ, xe máy với 2 người là có thể thực hiện. Dù bị xã hội lên án, nhiều đối tượng bị bắt, xử lý hình sự nhưng vấn nạn này vẫn khó dẹp được triệt để. Sau 1 thời gian làm nghề bán thịt chó, anh Long cũng đã bỏ nghề vì thấy người dân cũng dần tẩy chay thịt chó và theo anh nói 'nghề này nghiệp lắm'.
Trong 1 lần trả lời trên báo chí, Nhà báo Đinh Đức Hoàng từng đưa ra khái niệm 'Pháp luật thịt chó' để giải quyết bài toán 'Cấm thịt chó'. Thay vì đưa ra mệnh lệnh hành chính thì cơ quan chức năng nên siết chặt kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát tiêu chuẩn lò mổ, kiểm dịch... đóng lên một miếng thịt tươi hàng loạt con dấu thú y, thêm vài con dấu nữa nếu qua chế biến, vài con dấu nữa khi đưa vào thương mại, thì giá thịt chó có thể sẽ tăng rất cao. Từ đó sẽ hạn chế đối tượng ăn thịt chó, khi ấy không cần vận động có khi người dân tự bỏ thịt chó.
Một khi giá thịt chó quá cao thì nhiều người sẽ cân nhắc có nên sử dụng loại thực phẩm này hay không. Việc tăng điều kiện đầu vào cho hàng hóa, đồng nghĩa với tăng giá đột biến, luôn là biện pháp hữu hiệu để giảm cầu. Qua đó cũng sẽ tác động phần nào và làm giảm vấn nạn trộm chó như hiện nay.
>> Xem thêm: