Tranh cãi về lệnh xả kho dầu dự trữ của Tổng thống Biden
Tổng thống Biden ra lệnh xả 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ nhằm bình ổn giá nhiên liệu, nhưng hiệu quả có thể không như kỳ vọng của ông.
Tổng thống Joe Biden ngày 31/3 yêu cầu xuất một triệu thùng dầu mỗi ngày từ kho dầu chiến lược quốc gia Mỹ trong vòng 6 tháng liên tiếp, nhằm kìm hãm giá năng lượng tăng vọt sau khi Washington và đồng minh áp các biện pháp trừng phạt chưa từng thấy với Nga.
Tổng thống Biden nói không biết chính xác giá xăng có thể hạ nhiệt bao nhiêu nhờ động thái của ông, nhưng dự tính sẽ giảm 10-35 cent mỗi gallon (gần 3,8 lít). Giá xăng trung bình ở Mỹ trước khi ông Biden ra lệnh xả kho dầu là 4,23 USD/gallon, trong khi mức giá năm ngoái là 2,87 USD, theo Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA).
"Nếu chúng ta muốn giá xăng giảm, điều quan trọng là phải có thêm nguồn cung lúc này", ông Biden nói, giải thích cho quyết định bơm dầu từ kho dự trữ chiến lược ra thị trường.
Bộ Năng lượng Mỹ sẽ phải mất 13 ngày kể từ khi Tổng thống Biden ra lệnh để bắt đầu đưa những thùng dầu đầu tiên từ kho dự trữ vào thị trường. Bộ này thường tổ chức một phiên đấu giá trực tuyến để các công ty năng lượng đặt mua số dầu xuất kho. Dầu thô từ kho dự trữ chiến lược sau đó được vận chuyển tới cơ sở lọc dầu hoặc trung tâm hóa dầu của công ty trúng thầu, từ đó chuyển ra thị trường.
Giới quan sát nhận định động thái này là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm thay đổi tình hình năng lượng Mỹ, với giá xăng đang duy trì ở mức cao, gây ra áp lực chính trị đáng kể với chính quyền của ông và đảng Dân chủ.
Giá xăng dầu và lạm phát là những mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ, trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11. Tỷ lệ tín nhiệm của ông Biden trong cuộc thăm dò mới nhất đã giảm xuống mức thấp kỷ lục , khiến nhiều người lo ngại đảng Dân chủ có thể đánh mất thế đa số mong manh ở lưỡng viện quốc hội vào tay phe Cộng hòa, theo Samira Hussain, nhà phân tích của BBC .
Đảng Cộng hòa đang tìm cách khắc họa một nước Mỹ rơi vào hỗn loạn dưới thời ông Biden, từ tỷ lệ tội phạm, nhập cư tăng tới các trường học gặp khó khăn vì giá cả tăng vọt. Các thành viên đảng Dân chủ ngày càng lo ngại rằng lạm phát nói chung và giá xăng dầu nói riêng có thể làm suy giảm niềm tin của cử tri và đe dọa triển vọng của họ trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
"Tôi hiểu nó gây tổn hại tới mức nào", ông Biden nói về giá cả leo thang. "Tôi lớn lên trong một gia đình giống như nhiều người trong số các bạn, nơi giá xăng tăng là một vấn đề được thảo luận ngay trong chính căn bếp gia đình".
Với rất ít công cụ để có thể kiểm soát được giá xăng, ông Biden tìm đến kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ như một giải pháp để hạ nhiệt tình hình, góp phần xoa dịu cử tri.
Thượng nghị sĩ Joe Manchin, thành viên Dân chủ ở bang Virginia, hoan nghênh quyết định xả kho dầu của Tổng thống Biden, nói rằng nó sẽ cung cấp "sự cứu trợ rất cần thiết, đồng thời cho phép tăng cường sản xuất xăng dầu trong nước để bù đắp nguồn cung từ Nga" sau khi Washington áp lệnh cấm dầu với Moskva.
Tuy nhiên, nhiều quan chức và chuyên gia Mỹ không lạc quan như vậy. Họ cho rằng rằng động thái của ông Biden không tạo ra tác động đủ lớn và lâu dài để có thể xoay chuyển tình thế .
Stewart Glickman, một nhà phân tích dầu mỏ của CFRA Research, cho biết việc xuất kho dầu dự trữ chiến lược chỉ giúp giảm giá xăng trong ngắn hạn và nó sẽ giống như "uống thuốc giảm đau để chữa cơn đau đầu". Khi Mỹ ngừng xả kho dầu sau 180 ngày, những vấn đề căn bản khiến giá xăng tăng sẽ lại lộ ra.
Khi đó, chính quyền ông Biden sẽ lại đối mặt với thực tế rằng khi Mỹ và các đồng minh phương Tây cấm hoặc hạn chế dầu Nga, họ sẽ mất đi nguồn cung dầu đáng kể, khiến giá xăng dầu vẫn duy trì ở mức cao, theo Clifford Krauss và Michael D. Shear, hai nhà phân tích của NY Times .
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm gần 12% lượng tiêu thụ của thế giới. Bob McNally, người từng là cố vấn năng lượng trong chính quyền George W. Bush, nói rằng lệnh xả kho dầu của ông Biden "không đủ lớn để bù đắp những tổn thất từ xuất khẩu của Nga nếu xung đột và áp lực trừng phạt vẫn tiếp tục".
"Nguyên nhân gốc rễ của cơn đau đầu vẫn sẽ còn đó, sau khi bạn dùng hết thuốc", Glickman nói.
Một triệu thùng dầu rút từ kho dự trữ mỗi ngày chỉ đáp ứng khoảng 1% tiêu thụ xăng dầu trên toàn thế giới và khoảng 5% lượng tiêu thụ của người Mỹ, vốn dùng tới 20 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo các chuyên gia.
"Ngay cả khi tất cả 180 triệu thùng dầu rút ra từ kho dự trữ đều dành cho người Mỹ, chúng chỉ đủ cho 9 ngày tiêu thụ", Carol Roth, một cựu giám đốc ngân hàng đầu tư, nói.
Mike Sommers, chủ tịch Viện Xăng dầu Mỹ, cho rằng biện pháp xả kho dầu dự trữ chỉ có thể được coi là khoản cứu trợ ngắn hạn, không thể là giải pháp lâu dài "cho những nỗi đau kinh tế mà người Mỹ phải hứng chịu". Do đó, Sommers cho rằng thay vì xả kho dự trữ, Tổng thống Biden nên khuyến khích sản xuất dầu trong nước bằng cách giảm các quy định trong cấp phép và khai thác cho các công ty năng lượng Mỹ.
Hoạt động khai thác và sản xuất xăng dầu của Mỹ đã đình trệ do đại dịch và đến nay chưa phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó, chính quyền ông Biden đối mặt với nhiều chỉ trích về các quyết sách hạn chế ngành năng lượng Mỹ.
Tháng trước, ông Biden ra lệnh ngừng vô thời hạn hoạt động khoan dầu khí trên các khu đất do chính quyền liên bang quản lý. Ông cũng từng bị chỉ trích nặng nề vì sắc lệnh vào ngày nhậm chức, theo đó hủy bỏ giấy phép xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL trị giá 8 tỷ USD. Đường ống dự kiến vận chuyển khoảng 830.000 thùng dầu mỗi ngày này bị các nhà hoạt động phản đối do lo ngại tác động tới môi trường.
Bởi vậy, quyết định xả kho dầu của ông Biden có thể gây ra vấn đề chính trị lớn cho phe Dân chủ, những người vốn hy vọng giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch để chống biến đổi khí hậu.
Một số nhà bảo vệ môi trường đã chỉ trích quyết định xả kho dầu dự trữ của Tổng thống Mỹ. "Bơm thêm dầu vào thị trường không phải là giải pháp cho vấn đề của chúng tôi, mà là khiến vấn đề càng kéo dài", Mark Brownstein, phó chủ tịch Quỹ Bảo vệ Môi trường, nói.
Patrick De Haan, nhà phân tích xăng dầu của GasBuddy, còn cho rằng quyết định của ông Biden sẽ tác động tiêu cực khi khiến kho dự trữ chiến lược của Mỹ giảm xuống còn 388 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 1984. Ông nói Mỹ từng mất 5 năm để kho dự trữ dầu tăng từ 550 lên 700 triệu thùng sau khi tổng thống George W. Bush ra lệnh tăng dự trữ sau vụ khủng bố 11/9.
"Vì nhu cầu toàn cầu hiện cao hơn nhiều, Mỹ có thể mất 4-10 năm để nạp đầy trở lại kho dầu dự trữ của mình", ông nói.
Trong khi đó, động thái của ông Biden cũng có thể khiến Arab Saudi và các nhà sản xuất dầu mỏ khác không còn động lực bơm thêm dầu để hạ giá thị trường. OPEC Plus, nhóm do Arab Saudi dẫn đầu và trong đó có Nga, hôm 31/3 quyết định duy trì chính sách tăng nguồn cung một cách hạn chế.
Đây không phải lần đầu tiên chính quyền Tổng thống Biden quyết định giải phóng kho dầu dự trữ. Trước đó, Mỹ đã xuất 50 triệu thùng dầu vào tháng 11 và thêm 30 triệu thùng vào tháng 3, trong nỗ lực phối hợp với các quốc gia khác. Tuy nhiên, quyết định mới của ông Biden là khối lượng dầu lớn nhất được giải phóng kể từ khi kho dự trữ của Mỹ được xây dựng.
"Chính quyền ông Biden đang tiếp tục rút cạn kho dầu và nó sẽ trở nên cạn kiệt khi chúng tôi thực sự cần", Phil Flynn, nhà phân tích thị trường cấp cao của Tập đoàn PRICE Futures, lo ngại.
Thanh Tâm (Theo AP, NY Times, Washington Post )