Tranh cãi tiền đặt cọc mua nhà hay tiền cho vay?
Một vụ tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất có dấu hiệu bất thường khi nguyên đơn cho rằng mình bỏ ra 2,5 tỉ đồng để đặt cọc mua nhà, còn bị đơn nói đó là tiền vay mượn của nguyên đơn chứ không phải tiền bán nhà.
Điều đáng nói là trong khi TAND quận Hải Châu (Đà Nẵng) đang đưa vụ án ra xét xử thì bị đơn lập tức lập một hợp đồng công chứng chuyển căn nhà trên cho người khác.
Đưa người khác ký hợp đồng thay... vợ
Theo nội dung vụ kiện, năm 2019 vợ chồng ông Đặng Ngọc T. và bà Hà Thị H. đã thỏa thuận chuyển nhượng cho bà Phan Thị L. một căn nhà trên đường Ỷ Lan Nguyên Phi (TP Đà Nẵng) với giá 4,5 tỉ đồng, đặt cọc trước 2,5 tỉ đồng. Ngày 14-2-2019, hai bên đến Văn phòng công chứng Trần Công Minh làm hợp đồng đặt cọc, vợ chồng ông Đặng Ngọc T. đã nhận đủ số tiền đặt cọc là 2,5 tỉ đồng.
Theo thỏa thuận, đến ngày 14-3-2019 vợ chồng ông T. phải hoàn tất thủ tục chuyển nhượng nhà đất, nếu không thì phải trả lại tiền và bồi thường 100% tiền cọc. Sau đó, ông Đặng Ngọc T. xin gia hạn thực hiện thỏa thuận đến ngày 12-4-2021, rồi xin gia hạn tiếp đến ngày 12-5-2021 nhưng cho đến nay vẫn không làm thủ tục để chuyển nhượng căn nhà trên cho bà L..
Sau đó, bà L. phát hiện ông T. đã dẫn theo bà Trịnh Thị Thúy V. đến Văn phòng công chứng Trần Công Minh ký giả chữ ký của bà Hà Thị H. (vợ ông T.) trên hợp đồng đặt cọc. Do đó, bà L. yêu cầu tòa án buộc ông T. phải trả lại số tiền đặt cọc 2,5 tỉ đồng; buộc ông T., bà Trịnh Thị Thúy V. và Văn phòng công chứng Trần Công Minh phải liên đới bồi thường cho bà số tiền phạt cọc 2,5 tỉ đồng.
Trái ngược với lời trình bày của bà L., ông T. cho biết do có nhu cầu vay tiền nên ngày 14-2-2019 ông có vay của bà L. số tiền 2,5 tỉ đồng, thỏa thuận lãi suất 10%/tháng. Để đảm bảo cho việc trả nợ, bà L. yêu cầu ông ký hợp đồng đặt cọc để bán căn nhà trên. Ngày đi công chứng ông đã nhờ bà Trịnh Thị Thúy V. cầm chứng minh nhân dân của vợ ông đi thay và ký hợp đồng đặt cọc.
Dù cho rằng mình vay tiền bà L. nhưng ông T. không đưa ra được chứng cứ, giấy tờ gì để chứng minh cho việc vay mượn của mình.
Trong khi đó, tại phiên tòa, bà L. bác bỏ toàn bộ ý kiến và không thừa nhận có giao dịch vay tiền giữa hai bên như ông T. nói. Còn ông T. cho rằng đã trả cho bà L. số tiền gốc tổng cộng là 2,34 tỉ đồng nhưng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ nào chứng minh, ngoài số tiền được bà L. nhắn tin xác nhận là 700 triệu đồng. Bà L. cho rằng đây là tiền ông T. thỏa thuận trả tiền phạt cọc.
Tòa nói chưa phát sinh thiệt hại
Ngày 9-6, TAND quận Hải Châu đã tuyên án vụ kiện trên. Theo nhận định của tòa, hợp đồng đặt cọc số công chứng 1499 tại Văn phòng công chứng Trần Công Minh mà các bên xác lập chỉ là giao dịch giả tạo để bảo đảm nghĩa vụ của ông T. nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác đó là thỏa thuận vay tiền giữa ông T. và bà L.. Do đó, không có cơ sở để công nhận giao dịch giữa các bên là hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng nhà đất như đơn khởi kiện của bà L..
Theo TAND quận Hải Châu, mặc dù ông T. có nhờ bà Trịnh Thị Thúy V. ký giả chữ ký của vợ mình khi các bên ký kết hợp đồng đặt cọc là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điều 7 Luật công chứng, tuy nhiên, khi công chứng hợp đồng đặt cọc, Văn phòng công chứng Trần Công Minh đã không phát hiện được mà vẫn tiến hành công chứng là thực hiện không đúng quy định tại các điều 40, 41 Luật công chứng.
Theo tòa, về yêu cầu bồi thường thiệt hại, bà L. yêu cầu ông T., bà Trịnh Thị Thúy V. và Văn phòng công chứng Trần Công Minh phải liên đới bồi thường cho bà số tiền phạt cọc 2,5 tỉ đồng.
Do hợp đồng đặt cọc che giấu giao dịch dân sự khác, không có hiệu lực nên chưa làm phát sinh thiệt hại là số tiền phạt cọc. Vì vậy, chưa có đủ căn cứ để xem xét, giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của bà L. trong vụ án này.
Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự, nếu sau này có thiệt hại phát sinh từ việc công chứng hợp đồng đặt cọc của Văn phòng công chứng Trần Công Minh thì dành quyền khởi kiện cho các bên liên quan bằng một vụ án khác theo quy định của pháp luật.
Theo bà L., căn cứ bản án ngày 9-6-2022 của TAND quận Hải Châu buộc ông T. thanh toán cho bà số tiền hơn 2,2 tỉ đồng. Đến nay, ông T. vẫn chưa thanh toán cho bà bất kỳ khoản nào theo bản án.
Bán nhà khi tòa chưa tuyên án
"Qua tự tìm hiểu, tôi được biết ông T. đang đứng tên sở hữu căn nhà trên. Tuy nhiên, trước khi tòa tuyên án, ngày 24-5-2022 tại Văn phòng công chứng Đặng Duy Hùng, vợ chồng ông T. và bà Hà Thị H. đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ nhà và đất trên cho người khác.
Căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, hành vi chuyển nhượng nhà và đất của ông T. là tẩu tán tài sản, giao dịch chuyển nhượng nhà và đất là trái pháp luật, trốn tránh nghĩa vụ thực hiện tại bản án" - bà L. nói.
Chiều 25-5, TAND TP Đà Nẵng tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bồi thường hợp đồng, liên quan khu đất vàng ven biển Đà Nẵng trị giá gần 1.810 tỉ đồng.