Tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội Trung Quốc vì quy định tiếp viên không được phép thừa cân
VietTimes – Tranh cãi nổ ra khi truyền thông Trung Quốc đưa tin hãng hàng không Hainan Airlines có chính sách đuổi việc các tiếp viên nữ nếu cân nặng của họ vượt quá "giới hạn tiêu chuẩn".
Sự việc bắt đầu từ khi tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) đưa tin rằng Hãng hàng không Hải Nam (Hainan Airlines) đã đưa ra một chính sách mới vào đầu tháng 6, đe dọa sẽ đuổi việc các tiếp viên nữ nếu cân nặng của họ vượt quá "giới hạn tiêu chuẩn".
Quy tắc này được ban hành bổ sung cho các quy định trước đây của hãng về ngoại hình của các thành viên phi hành đoàn, với cân nặng tiêu chuẩn được tính tỷ lệ với chiều cao.
Chẳng hạn một nữ tiếp viên có chiều cao 158 cm - chiều cao trung bình của một phụ nữ trưởng thành Trung Quốc - sẽ được yêu cầu giữ cân nặng trong phạm vi 48 kg.
Tiếp viên nữ nào vượt quá 5% so với tiêu chuẩn sẽ bị theo dõi cân nặng hàng tháng và trải qua một cuộc kiểm tra, trong khi những người có cân nặng vượt quá 10% so với tiêu chuẩn sẽ ngay lập tức bị đình chỉ bay và đưa vào “kế hoạch giảm cân” do công ty giám sát - theo Thời báo Hoàn Cầu.
Thông tin trên được chia sẻ trên mạng xã hội Weibo đã tạo ra những tranh cãi nảy lửa. Đa phần tỏ ra phẫn nộ trước quy định của Hàng không Hải Nam. Họ cho rằng quy định này là sự phản ánh các chuẩn mực giới tính sai lệch ở Trung Quốc.
“Tôi chỉ cần tiếp viên có đầy đủ kiến thức chuyên môn, thành thạo các quy trình an toàn, mang giày và trang phục phù hợp nhất cho các trường hợp khẩn cấp. Cân nặng của cô ấy không quan trọng", một bình luận trên Weibo.
Một số người dùng chỉ ra rằng tiếp viên hàng không là một công việc đòi hỏi thể chất nên ưu tiên sức mạnh và khả năng chịu đựng của nhân viên thay vì có vóc dáng đẹp, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp khi tiếp viên chịu trách nhiệm giữ an toàn cho hành khách.
Những người khác lập luận rằng trong những năm gần đây các hãng hàng không ở nhiều nước phương Tây đã bỏ yêu cầu tiếp viên nữ phải đi giày cao gót và mặc váy.
Trong khi đó, một số người lại bênh vực chính sách của Hàng không Hải Nam, họ cho rằng quy định này giúp tiếp viên có lối sống lành mạnh và một vóc dáng khỏe mạnh.
Phản hồi với các chỉ trích, Hàng không Hải Nam vẫn bảo vệ chính sách của mình. Đại diện của hãng cho biết biện pháp này "không nên hiểu là một tiêu chí để đình chỉ tiếp viên hàng không như một số phương tiện truyền thông đã đăng”.
Hàng không Hải Nam cho biết tiêu chuẩn này “dựa trên tham chiếu trọng lượng cơ thể người tiêu chuẩn và phù hợp với phép đo phạm vi cân nặng phù hợp với sức khỏe của phi hành đoàn”, đồng thời cho biết thêm rằng các quy tắc được sử dụng để đánh giá và quản lý “sức khỏe, hình dáng và tư thế” của phi hành đoàn.
“Điều này nhằm ủng hộ thói quen sống lành mạnh và duy trì hình ảnh chuyên nghiệp tốt cũng như vóc dáng khỏe mạnh bằng cách đặt mục tiêu tham chiếu, thay vì thụ động chờ đợi vóc dáng của từng thành viên phi hành đoàn thay đổi đáng kể và sau đó ảnh hưởng đến công việc của dịch vụ an toàn”, người phát ngôn của hãng cho biết.
Đa phần các hãng hàng không châu Á rất coi trọng hình thức của các tiếp viên, đặc biệt là tiếp viên nữ.
Chẳng hạn năm 2015, Air India đã yêu cầu 125 tiếp viên giảm cân, trong khi hãng hàng không quốc gia Pakistan yêu cầu phi hành đoàn tuân thủ cân nặng nếu không sẽ bị cấm bay vào năm 2019. Tại Việt Nam, tiêu chuẩn tuyển tiếp viên nữ của Vietjet Air cũng yêu cầu họ phải có chỉ số BMI từ 18,5 đến 22 (chỉ số BMI bình thường là từ 18,5 đến 24,9).
Trong khi đó, các hãng hàng không châu Âu lại chú ý đến sự thuận tiện của tiếp viên khi phục vụ hành khách. Hãng hàng không Úc Qantas mới đây đã đưa ra các quy định mới cho tiếp viên, bỏ các quy định nghiêm ngặt trước đây đối với tiếp viên nam và nữ – nghĩa là tiếp viên thuộc bất kỳ giới tính nào giờ đây có thể để tóc dài, trang điểm hoặc không trang điểm nếu họ chọn, và đi giày bệt.
Alaska Airlines cũng đã đưa ra các hướng dẫn về đồng phục trung tính cho các tiếp viên hàng không vào năm ngoái; Virgin Atlantic và British Airways cũng áp dụng các chính sách tương tự.