Tranh cãi đằng sau phát minh điện thoại đầu tiên trên thế giới
Ai đã phát minh ra điện thoại? Câu trả lời phổ biến được dạy ở trường học đương nhiên là Alexander Graham Bell. Nhưng liệu sự thật có phải như vậy?
Được sinh ra vào ngày 3/3/1847 tại Edinburgh, Scotland, Alexander Graham Bell lớn lên xung quanh một môi trường được bao bọc bởi gia đình cùng những người quen bị khiếm thính hoặc gặp vấn đề về thính giác. Cha của ông là Alexander Melville Bell, một giáo viên dạy diễn thuyết trước công chúng, và mẹ của ông là Eliza Grace Symonds Bell, một nghệ sĩ piano tài năng.
Ông là con thứ hai trong một gia đình có ba anh em trai. Khoảng thời gian sau đó, ông đã kết hôn với một người phụ nữ bị điếc. Chính vì vậy, Bell rất quan tâm đến việc tạo ra công nghệ có thể tái phát minh giao tiếp.
Bell đã tạo ra một chiếc máy phát âm bằng ánh sáng (photophone), giúp biến đổi âm thanh bằng cách sử dụng một chùm ánh sáng, cũng như điện thoại ‘graphophone’, có thể ghi lại năm phút cuộc trò chuyện, theo thông tin từ Viện Franklin. Nhưng phát minh nổi tiếng nhất trong lịch sử của ông vẫn là điện thoại.
Năm 1875, với sự giúp đỡ của Thomas A. Watson, một nhân viên cửa hàng cơ khí ở Boston, Graham Bell đã phát triển nguyên mẫu của chiếc điện thoại đầu tiên. Vào ngày 10/3/1876, Bell đã thử nghiệm nguyên mẫu điện thoại của mình với trợ lý Watson. Ông gọi điện cho Wastson và nói, "Anh Watson, hãy đến đây. Tôi muốn gặp anh".
Tháng 2/1876, Bell đã xin cấp bằng sáng chế điện thoại và được phê duyệt không lâu sau đó. Với cuộc gọi đầu tiên, chiếc điện thoại đã hoạt động hoàn hảo và vào tháng 6 cùng năm, Bell đã trưng bày thiết bị mới tại Triển lãm Thế giới năm 1876.
Đến năm 1877, Bell đã cải tiến mẫu điện thoại của mình và thành lập Công ty Điện thoại Bell. Và chỉ trong vòng 10 năm, hơn 100.000 người dân Mỹ sở hữu điện thoại.
Bell có thực sự là nhà phát minh?
Nhà phát minh Alexander Graham Bell đã đi vào sử sách với tư cách là người phát minh ra điện thoại. Nhưng dường như mọi chuyện không thực sự đơn giản, và cuộc tranh cãi xung quanh việc ai là người phát minh ra chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới đã kéo dài trong suốt hơn một thế kỷ.
Theo các nhà khoa học nổi tiếng, một nhân vật khác đã được nhắc đến. Đó chính là nhà phát minh Antonio Meucci, người đã chuyển từ Italy đến Cuba và cuối cùng định cư tại Đảo Staten, New York. Ông điều hành một nhà máy sản xuất nến và một nhà máy bia, nhưng cả hai đều không khiến Meucci ‘rủng rỉnh tiền’.
Vào những lúc rảnh rỗi, Meucci thường xuống một phòng thí nghiệm dưới tầng hầm, nơi ông làm việc trên ít nhất 30 loại nguyên mẫu điện thoại từ những năm 1850 đến 1870. Ông thường đem các mẫu điện thoại của mình từ tầng hầm lên đến phòng ngủ ở tầng trên để có thể dễ dàng gọi cho vợ, người bị bệnh viêm khớp làm hạn chế khả năng vận động.
Nhưng sự thành công từ ‘điện báo biết nói’ của Meucci, như ông đặt tên, đã gặp trở ngại vào năm 1871. Thời điểm đó, nhà máy sản xuất nến của Meucci đã phải ngừng hoạt động. Cùng năm, ông đã gặp một trận hỏa hoạn kinh hoàng trong một vụ cháy tàu hơi nước. Bất chấp những trở ngại, Meucci vẫn luôn cố gắng khẳng định phát minh là ý tưởng của riêng mình.
Vấn đề bằng sáng chế
Theo Thư viện Quốc hội Mỹ, Meucci đã không đưa ra bất cứ yêu cầu hợp pháp nào về phát minh của mình cho đến năm 1871, khi ông gửi đơn cảnh báo, tuyên bố rằng đã có một ý tưởng tương tự tồn tại, nhưng không có quyền lực pháp lý giống như bằng sáng chế.
Làm việc với một số người đàn ông khác, Meucci đã thành lập Công ty Telettrofono, dựa trên phát minh "máy điện báo âm thanh" của bản thân. Các nhà sử học cũng lưu ý rằng, mặc dù Meucci đã thực sự gửi lời cảnh báo trước Alexander Graham Bell, nhưng ông đã không đề cập đến việc ‘truyền âm thanh điện từ’ như trong bằng sáng chế của Bell.
Lời báo trước của Meucci đã hết hạn vào năm 1874, và ông không làm mới lại cũng như không được cấp bằng sáng chế cho ý tưởng này của mình. Trên trang thông tin của Quốc hội Mỹ, Meucci từng phải sống bằng quỹ hỗ trợ công và không đủ khả năng chi trả phí cấp bằng sáng chế. Nếu như Meucci có đủ tiền, Bell có thể đã không bao giờ được cấp bằng sáng chế cho ý tưởng tương tự.
Cuộc tranh cãi càng trở nên phức tạp hơn từ đây. Rõ ràng, Bell đã làm việc trong các thí nghiệm của riêng mình tại cùng một phòng thí nghiệm với Meucci trong những năm trước, nơi ông sẽ đương nhiên có quyền tiếp cận và nắm bắt công việc của Meucci.
Nhà phát minh điện thoại thứ ba
Trong một loạt các sự kiện không may, Meucci đã gửi hai nguyên mẫu điện thoại đang hoạt động cho Western Union, nhưng họ đã làm mất các mẫu một cách bí ẩn và chúng không bao giờ được trả lại cho ông. Meucci đã kiện Bell, và vụ kiện được đưa lên Tòa án Tối cao.
Ông cáo buộc Bell có hành vi gian lận và vụ việc có vẻ vẫn chưa dừng lại. Nhưng nhà phát minh người Italy đã qua đời vào năm 1889, chấm dứt khoảng thời gian xung đột pháp lý giữa ông và Bell.
Theo Quốc hội, những đóng góp của Meucci cho điện thoại đã bị lãng quên cho đến khoảng năm 2002, khi Hạ viện Mỹ đưa ra một nghị quyết để tôn vinh vai trò của ông trong quá trình phát minh. Và Meucci thậm chí không phải là người duy nhất được cho là có ý tưởng về điện thoại.
Tại Trung tâm Lịch sử Ohio, Elisha Grey là một nhà phát minh khác có ý tưởng về điện thoại thực sự giống với ý tưởng của Alexander Graham Bell. Grey đã tạo ra 70 phát minh trong suốt cuộc đời của mình, và một trong số đó là ‘máy điện báo âm nhạc’, một trong những nhạc cụ điện tử đầu tiên từng được tạo ra trêm thế giới.
Xung đột tại văn phòng cấp bằng sáng chế
Theo lịch sử, Bell và Grey không chỉ có những ý tưởng giống nhau mà họ đã cùng nộp bằng sáng chế vào đúng ngày 14/2/1876. Cả Grey và Bell đều cử đại diện hợp pháp của mình đến văn phòng cấp bằng sáng chế để nộp hồ sơ (theo Thư viện Quốc hội).
Các luật sư của Bell đã đứng thứ năm trong hàng ngày hôm đó, trong khi đội pháp lý của Grey xếp sau nhiều hơn, ở vị trí thứ 39. Vì vậy, Bell đã được trao bằng sáng chế trước, đồng nghĩa với việc Grey không phải là người may mắn.
Thông tin từ Trung tâm Lịch sử Ohio cho biết, Grey và Bell đã chiến đấu với bằng sáng chế trong phòng xử án suốt nhiều năm. Các luật sư đã chỉ ra rằng, cả hai người đàn ông này đều đã vẽ những bản phác thảo rất giống nhau về chiếc điện thoại.
Nhóm pháp lý của Gray tuyên bố rằng, Bell đã nhìn thấy thông số kỹ thuật về ý tưởng của Gray và về cơ bản đã đánh cắp chúng, cáo buộc Bell gian lận. Thư viện Quốc hội Mỹ nhấn mạnh rằng, các luật sư của Gray thậm chí đã cố gắng khẳng định chính văn phòng cấp bằng sáng chế là người có lỗi.
Những tiết lộ từ bức thư trong quá khứ
Nhưng có thể những bộ óc vĩ đại đã thực sự nghĩ giống nhau. Bell đã vẽ ra một sơ đồ cho thấy mọi người sẽ có thể sử dụng điện thoại như thế nào ít nhất 44 ngày trước bản phác thảo điện thoại đầu tiên của Gray.
Một bằng chứng khác là một bức thư từ vị hôn phu của Bell, Mabel Hubbard, trong đó bà đã đề cập đến việc Bell đang làm việc điên cuồng để thêm ý tưởng máy phát chất lỏng vào bằng sáng chế của ông những phút cuối. Mabel đã viết bức thư khoảng một tháng trước khi Gray trình bày ý tưởng phát minh của riêng mình.
Những lá thư của Hubbard đã xóa bỏ những cáo buộc gian lận của chồng bà. Không hề có một chút xích mích giữa hai nhà phát minh. Bell từng viết rằng ông rất coi trọng Grey và nghĩ rằng họ có thể là bạn nếu không vì những rắc rối pháp lý khó chịu này. Giống như Meucci, những đóng góp của Grey trong việc phát minh ra điện thoại cuối cùng cũng đã được công nhận vào năm 2002, nhiều năm sau khi ông qua đời, trên tờ báo Italy "La Repubblica".