Tranh cãi chuyện quyên góp đồ cũ cho vùng lũ miền Trung
Thương bà con miền Trung gặp lũ, mọi người kêu gọi từ thiện quần áo cũ. Thế nhưng, có những người gửi đồ bị vấy bẩn, rách nát hay quá mỏng manh gây ra tranh cãi lớn.
Thời gian vừa qua, các tỉnh miền Trung phải gánh chịu cơn bão Noru và những hệ lụy do nó gây ra. Nhiều mạnh thường quân đã đứng ra kêu gọi quyên góp hỗ trợ cho bà con không chỉ tiền bạc, lương thực mà cả đồ dùng, quần áo. Tuy nhiên, cũng từ đây câu chuyện từ thiện một lần nữa trở thành chủ đề bàn tán.
Cụ thể, mạng xã hội đã chia sẻ rầm rộ hình ảnh những chiếc quần, áo được bà con khắp cả nước gửi về quyên góp cho miền Trung. Quần áo được cho rất nhiều, đủ loại phù hợp cho bà con mặc thời tiết nóng hay lạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những bộ đồ được cho là chưa phù hợp khi bị rách hay vấy bẩn trầm trọng.
Trong số đồ từ thiện, xuất hiện một số bộ váy, quần xẻ tà, váy 2 dây hay quần ngắn… Nhiều người cho rằng, bà con vùng cao vừa trải qua lũ lụt nên những trang phục này không phù hợp. Cái họ cần nhất đó là sạch và giữ đủ ấm. Ngoài ra, trang phục cũng cần đơn giản, dễ di chuyển, lao động vì bà con khó mặc đồ cầu kỳ. Nếu quần áo quá sặc sỡ hay hở hang, họ sẽ không thể mặc trong điều kiện hiện tại, đến cơm còn chẳng đủ ăn.
Ngoài ra, dân tình cũng thương bà con khi phải lặn lội đường xa, núi đèo đi nhận đồ từ thiện. Chính vì vậy hãy cho có tâm, để bà con mang đồ về mà không dùng được thì quả thật rất xót xa. Hơn nữa, đồ từ thiện cũng mất công sức, tiền bạc để vận chuyển lên núi nên nó phải mang lại lợi ích thật sự. Không ít bình luận khuyên rằng, mọi người khi tặng đồ từ thiện hãy lựa chọn thật kỹ những trang phục phù hợp. Mọi thứ cần được giặt sạch sẽ, phẳng phiu rồi gấp gọn cho bà con vùng cao dễ lựa chọn.
Bên cạnh những ý kiến chê trách việc cho đồ quá bừa bãi thì cũng có không ít người lên tiếng bênh vực. Họ cho rằng, có thể đây là những bộ đồ bị lẫn vào mà người cho không biết. Khi nhận đồ từ thiện, nhóm chịu trách nhiệm kêu gọi cần kiểm tra trước, không nên quá khắt khe với người tặng.
“Quê mình đây trong vùng núi hoang sơ, toàn cây rừng cũng được nhận quần áo từ thiện. Ngày xưa thì chưa làm đường, lội đất lội rừng chân đất phải lên nhà văn hoá nhận đồ từ thiện. Quần áo thì nhiều cái không phù hợp, người lớn tuổi người ta nhìn còn không nổi nữa. Mình không đánh đồng tất cả mọi nơi đều như thế, cũng chỗ này chỗ kia, nhưng nhiều túi chất cả đống, không có mặc được rất là mất thời gian luôn”.
“Nói thật hồi còn sinh viên mình cũng hay tham gia mấy phong trào thiện nguyện cũng có kêu gọi mọi người, tiền và lương thực mình không nói. Hồi đó là có vụ hay cho đồ cũ, mình cũng đến tận nơi lấy xong đem về trạm cho các bạn khác lọc ra đồ nào cho được thì mới đem đi. Thề luôn có 1 lần đi nhận đồ của mạnh thường quân, mấy bạn ở trạm nói xấu sau lưng kêu mình đem rác về này nọ. Sau này không tham gia chỗ đó nữa có đứa nói lại mới biết”.
“Có mấy cái có thể nó bị lẫn trong đó, người ta không biết ấy, chứ cũng không đến nỗi. Nói chung là đừng trách người ta quá nếu chỉ lẫn một vài cái. Chỉ trừ trường hợp cho cả bịch mà không cái nào ổn thì mới chê trách thôi” - ý kiến từ bạn đọc.
Từ thiện là hành động đáng khen và cần được lan tỏa rộng rãi. Thế nhưng, mọi người cũng cần phải cân nhắc từ thiện hợp lý để không gây ra “gánh nặng” cho người khác.
Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN !
Bà con miền Trung vừa trải qua giai đoạn khó khăn nhất khi nhà cửa, của cải đều bị trôi sạch chỉ trong một đêm. Chính vì vậy, lương thực, quần áo và vật dụng là những thứ bức thiết. Trong hoàn cảnh khó khăn, ai cũng vui và biết ơn những mạnh thường quân đã gửi quà tới tận nơi. Tuy nhiên, mọi người cũng cần phải cân nhắc thật kỹ, làm sao để gửi quà đúng chỗ, phù hợp. Chỉ khi món quà mình gửi tặng phát huy được tác dụng, có ích cho người nhận thì lúc đó mới được gọi là thành công.
Theo dõi thêm bài viết TẠI ĐÂY.