Tranh cãi chuyện làm dâu, ở rể: Rốt cuộc bao giờ mới bình đẳng giới
Dù đã dần bình đẳng giới nhưng chuyện ở rể vẫn khó được chấp nhận. Nhiều người cho rằng đó là bám váy nhà vợ, không có tiếng nói của người đàn ông. Thế nhưng, con gái có thể về làm dâu nhà chồng thì chẳng có lý do gì con trai lại không thể ở rể.
Thông thường, khi kết hôn, các cô gái sẽ về làm dâu bên nhà trai. Việc phải rời xa ngôi nhà mình sống hàng chục năm, đến làm dâu ở một nhà khác là một điều không hề dễ dàng. Nếu không khéo léo trong việc cư xử thậm chí có thể dẫn đến mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu. Làm dâu đã khó vậy làm rể thì sao? Nhiều người cho rằng đây là chuyện không thể chấp nhận, là “chui gầm chạn”. Thế nhưng, nếu đang đòi bình đẳng giới thì việc làm dâu hay ở rể có gì khác nhau?
Làm dâu vô vàn khó khăn, áp lực
Khi về làm dâu, các cô gái phải thích nghi với gia đình chồng cũng như các thói quen khác nhau. Do đó, mỗi cô gái đều phải điều chỉnh chính bản thân mình để có thể phù hợp với nề nếp sinh hoạt, thói quen trong gia đình nhà chồng. Đôi khi, điều này sẽ hơi khó khăn và bất tiện bởi lẽ không phải ai cũng có thể nhanh chóng hòa nhập với một môi trường mới, một nếp sống mới mà đôi khi khác xa hoàn toàn so với trước kia.
Kết hôn, về nhà chồng vốn là chuyện bình thường từ xưa tới nay. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Bên cạnh đó, các nàng dâu đôi khi còn phải đối mặt với những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình. Nếu bố mẹ chồng tâm lý, thoải mái, chồng yêu chiều thì đó là sự may mắn, hạnh phúc. Thế nhưng, nếu chẳng may trong gia đình có xích mích gì, các cô gái sẽ phải thực sự rất khéo léo mới có thể ngăn chặn những xung đột lớn hơn trong gia đình.
Các cô dâu rất áp lực khi phải xa gia đình, về làm dâu trong một ngôi nhà xa lạ. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Ngoài ra, khi về làm dâu, các cô gái còn phải đối mặt với nhiều áp lực, từ việc làm con, làm vợ cho tới làm mẹ. Mỗi vai trò đều đi kèm với rất nhiều trách nhiệm khác nhau và đều có những áp lực nhất định. Đặc biệt là khi sống chung với cùng cả gia đình có nhiều thế hệ, các nàng dâu không thể thoải mái như khi ở nhà mình được.
Chị Mai (30 tuổi, Hải Phòng) đã lấy chồng được 5 năm nhưng đôi lúc vẫn cảm thấy mệt mỏi, áp lực với chuyện làm dâu. Chị chia sẻ: “Thời gian đầu về nhà chồng, mình cứ cảm thấy không thoải mái cũng không quen thuộc vì tự dưng phải rời khỏi ngôi nhà mà mình đã sống hơn 20 năm. Nhưng mà xã hội vốn là vậy mà, lấy chồng về làm dâu là chuyện mà cô gái nào cũng trải qua nên vẫn phải chấp nhận. Lắm lúc mệt mỏi chỉ muốn về nhà mẹ đẻ nhưng lại bận rộn với con cái, việc công ty, việc nhà nên chẳng thể về được”.
Đôi lúc không thể tránh khỏi những bất hòa trong gia đình. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Ở rể - không phải ai cũng làm được
Ở rể dường như là câu chuyện hiếm hoi xảy ra. Bởi lẽ vốn dĩ văn hóa Việt là câu dâu sẽ lấy chồng và theo chồng về nhà. Thế nhưng, vì một vài lý do đặc biệt, chuyện ở rể vẫn xảy ra, dù hiếm hoi. Tưởng chừng như đây là câu chuyện rất bình thường bởi lẽ các cô gái có thể về nhà chồng làm dâu thì việc chàng trai về nhà vợ làm rể cũng chẳng có gì khó hiểu hay không thể chấp nhận được. Tuy vậy, một số người lại dùng những từ ngữ khó nghe để nói về việc ở rể, chẳng hạn như “chạn vương”, “nằm gầm chạn”, “bám váy vợ”,...
Hầu hết đều là các cô gái về làm dâu nhà chồng, ít chàng trai nào lại ở rể nhà vợ. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Chính vì những câu nói khó nghe đó mà nhiều người thà chấp nhận đi thuê nhà, sống ở nơi chật hẹp, lụp xụp cũng quyết không chịu ở nhà vợ. Anh Minh (35 tuổi, Nam Định) cho biết bản thân đã từng ở nhà vợ trong 3 năm đầu khi mới lấy nhau. Thời điểm đó, anh vào Nam lập nghiệp, nhà cửa không, bố mẹ lại ở quá xa, không thể bỏ sự nghiệp để về lấy vợ, ở cùng cha mẹ. Ngoài ra, tại thời điểm đó, điều kiện kinh tế của anh cũng không có nhiều, nhà vợ lại chỉ có duy nhất cô con gái. Do đó, anh đã quyết định ở nhà vợ, chờ tích đủ tiền mua nhà ra ở riêng.
Việc ở rể đôi khi cũng dẫn tới những tranh cãi giữa 2 vợ chồng. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Thế nhưng, thật bất ngờ, anh Minh lại chịu nhiều điều tiếng, nói ra nói vào là đàn ông mà không có chí, sống dựa vào gia đình nhà vợ. Dù bản thân không hề có ý gì nhưng anh cũng không thể chịu được những lời nói không hay đó. Do vậy, sau 3 năm ở nhà vợ, anh đã quyết tâm vay tiền để thuê chung cư, hai vợ chồng dọn ra ở riêng. Không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình vợ trong việc chăm sóc cháu, vợ chồng anh cũng mất một thời gian chật vật mới có thể quen được nếp sinh hoạt mới.
Nhìn chung, dù xã hội đã bình đẳng hơn nhưng nhiều người vẫn không thể chấp nhận được việc ở rể. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng ở rể nhưng cũng không thể chịu nổi những lời khó nghe từ người ngoài, giống như anh Minh. Do đó, việc ở rể dường như vẫn còn là điều gì đó khá xa vời trong xã hội hiện nay. Nó có tồn tại nhưng hiếm.
Nhiều chàng trai vẫn cảm thấy khó xử khi đối mặt với bố mẹ vợ. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Đã đến lúc bình đẳng trong việc làm dâu, ở rể
Trên thực tế, quan điểm coi thường những người đàn ông ở rể bắt nguồn từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” xưa kia vào thời phong kiến. Bởi lẽ, nhiều gia đình cho rằng phải có con trai thì mới có thể nối dõi tông đường, lo toàn chu tất cho bố mẹ, ông bà khi đã khuất. Do đó, việc một chàng trai vốn được xem trọng hơn lại đi ở rể thì là điều mà khó ai có thể chấp nhận. Như nhiều người đã nói "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (một con trai cũng là có, dẫu đẻ mười con gái vẫn là không). Việc một người đàn ông đi ở rể bị ví như là kẻ ăn nhờ, ở đậu, không có tiếng nói, ai cũng có thể bắt nạt được.
Các cô gái rất buồn nhưng vẫn sẵn sàng về làm dâu, vậy tại sao con trai lại không. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Tuy vậy, chúng ta phải nhớ rằng hiện tại đã không còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, mọi người đều bình đẳng như nhau trên mọi phương diện. Vậy thì tại sao con gái có thể về làm dâu nhà khác còn con trai lại không thể ở rể nhà vợ? Không có bất kỳ lý do nào thuyết phục cho vấn đề này. Nếu nhà ai cũng lo có con trai "chống gậy" khi về già, có người chăm sóc thì những nhà chỉ có con gái phải làm sao? Chẳng lẽ phải đẻ đến khi có con trai mới thôi?
Nhiều chàng rể rất được gia đình nhà vợ yêu thương, trân trọng. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Xã hội hiện nay đã hiện đại hơn rất nhiều, chúng ta nên bình thường hóa vấn đề theo vợ hay theo chồng. Chỉ cần người trong cuộc thỏa thuận, thống nhất được với nhau thì ở đâu cũng không quan trọng. Hiện tại, có một số người sẵn sàng ở rể và được bố mẹ vợ yêu thương, tôn trọng như con ruột.
Tóm lại, việc làm dâu hay ở rể còn xét trên nhiều yếu tố, phương diện khác nhau. Và dù là ở đâu thì cũng chẳng có gì đáng phải xấu hổ hay chịu những lời đàm tiếu của mọi người xung quanh. Nếu cứ khăng khăng con gái phải làm dâu còn con trai tuyệt đối không thể ở rể thì đừng mong về sự bình đẳng giới.
Cùng cập nhật những tin tức khác tại YAN !
Làm rể không phải là chuyện thường xuyên xảy ra nhưng lại chẳng phải hiếm có. Xã hội đã hiện đại hơn, dần tiến đến sự bình đẳng giới. Vậy thì lý do gì làm dâu là chuyện thường tình nhưng ở rể nhà vợ lại nhận về những lời khó nghe? Dù ở đâu, nhà vợ, nhà chồng hay ở riêng thì đó đều là quyết định của mỗi cặp đôi, không cái nào thấp kém hơn cái nào. Chúng ta nên dần nhận thức về sự bình đẳng giữa nam và nữ, cái gì con gái có thể làm được thì con trai cũng có thể và ngược lại.
Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !