Tranh cãi cảnh múa lân dùng đầu hổ "siêu to khổng lồ" dữ tợn đi phá cỗ

Chia sẻ Facebook
09/09/2022 18:32:00

Hình ảnh Tôn Ngộ Không cùng đoàn múa Trung thu đầu hổ siêu to khổng lồ xuất hiện ở khu vực đèo Hà Lan (thuộc thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) thu hút sự chú ý lớn của netizen.

Múa lân là một hoạt động thường thấy trong dịp Tết Trung thu. Nó không chỉ khuấy động không khí, tạo sự rộn ràng, náo nhiệt mà còn là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Đầu thú thường được sử dụng trong các màn múa này là đầu rồng. Mỗi dịp Trung thu khi nghe tiếng trống rộn rã của các đoàn múa lân là trẻ em lại náo nức chạy ra xem.

Múa lân là hình ảnh quen thuộc mỗi dịp Tết Trung thu. (Ảnh minh họa: VOV)

Những năm gần đây, múa lân ngoài sử dụng đầu rồng còn được sáng tạo ra nhiều hình thù khác nhau để tạo điểm nhấn. Mới đây, mạng xã hội rần rần chia sẻ một clip múa lân thu hút sự chú ý lớn của netizen. Theo clip ghi lại trong hình có sự xuất hiện của Tôn Ngộ Không cùng đoàn múa lân. Đáng chú ý là chiếc đầu thú được sử dụng không phải đầu lân hay đầu rồng như thông thường mà là hình đầu hổ siêu to khổng lồ với khuôn mặt khá dữ tợn.

Tôn Ngộ Không là hình ảnh quen thuộc với nhiều bạn nhỏ trong phim ảnh. (Ảnh: Cắt từ clip TikTok S.A)

Được biết, hình ảnh này được ghi lại tại khu vực đèo Hà Lan (thuộc thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk). Đây cũng không phải lần đầu tiên nơi đây xuất hiện những hình ảnh đầu lân siêu to khổng lồ như vậy. Trước đó, hình ảnh này cũng từng xuất hiện trong các mùa Trung thu khác với rất nhiều hình thù như: sư tử, gấu trúc, đầu rồng, đầu báo đang nhe răng và được dân tình đặt cho biệt danh "đội quân múa lân quái thú".

Hình ảnh chiếc đầu hổ siêu to khổng lồ xuất hiện trong đoàn múa Trung thu. (Ảnh: Cắt từ clip TikTok S.A)

Khuôn mặt của chiếc đầu hổ này khá dữ tợn khiến nhiều người cho rằng sẽ làm trẻ em sợ. (Ảnh: Cắt từ clip TikTok S.A)

Tuy nhiên, theo các bạn trẻ ở Buôn Hồ đây vốn dĩ là truyền thống của quê hương họ. Những chiếc đầu lân này được người dân tự tay làm. Cứ cách Trung thu tầm một tháng là người già, trẻ nhỏ đều tập trung lại ngồi chuốt từng cọng bì để làm lông cho lân. Họ còn chặt tre tạo hình tạo dáng để làm nên nhiều con vật khác nhau.

Sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội, clip này nhanh chóng gây bão. Nhiều người hài hước để lại bình luận lo lắng cho đội múa lân phải đội chiếc đầu lân siêu to khổng lồ như vậy chắc chắn sẽ rất mệt. Bên cạnh đó cũng có nhiều người dân địa phương vào bày tỏ sự thích thú cũng như giải thích thêm về truyền thống múa lân của quê mình.

Ở Buôn Hồ, Đắk Lắk cũng từng xuất hiện nhiều hình ảnh tương tự về những chiếc đầu thú dùng để múa trong dịp Trung thu. (Ảnh: FB D.Đ.T.N)

Một số bình luận của độc giả sau khi xem đoạn clip:


"Chỉ có những ai ở Hà Lan, Buôn Hồ thì mới cảm nhận được niềm vui mỗi khi Trung thu đến thôi. Đây là cả một đầu óc sáng tạo của họ. Khó khăn lắm, người dân mới làm ra được những con lân như vậy. Và con nít ở đây chúng nó rất thích thú chứ không hề sợ hãi. Muốn cảm nhận Trung thu ở đây ra sao, hãy một lần đến với Đắk Lắk. Chắc chắn suy nghĩ của mấy bạn sẽ thay đổi."


"Hà Lan mãi đỉnh, cả bầu trời tuổi thơ của chúng tôi, mời các bạn ghé 1 lần xem thử."


"Ở Đắk Lắk, thị xã Buôn Hồ, phường Thống Nhất vào buổi chiều lân đầu thú sẽ mang lại nhiều rực rỡ."

Nhiều người dân địa phương bày tỏ đó chính là phong tục truyền thống của quê hương mình. (Ảnh chụp màn hình TikTok S.A)

Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng, hình ảnh này có thể khiến trẻ em sợ hãi khi nhìn thấy, không thích hợp để sử dụng trong Tết thiếu nhi. Theo Tiến sĩ Dân tộc học Nguyễn Đệ múa lân là một hình thức múa lốt (tức là đội lốt một con gì đó để nhảy, múa). Với người Việt, 4 con vật thường được sử dụng phổ biến là lân, sư, rồng, hổ. Chúng tượng trưng cho điềm lành, đem lại sự may mắn và hạnh phúc.

Đây là hình ảnh quen thuộc mỗi dịp Trung thu ở Buôn Hồ. (Ảnh: Cắt từ clip TikTok S.A)

Những chiếc đầu thú này đều được người dân ở đây tự tay làm. (Ảnh: FB D.Đ.T.N)

Ở một số khu vực dân tộc thiểu số đôi khi người ta sẽ lựa chọn các con vật khác như: chuột, khỉ,... Nó thường gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà họ thường thấy khi đi làm rẫy, trên rừng. Về cơ bản đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian nên “đội lốt” con gì là quyền cũng như sở thích của mỗi người.


Theo bạn, việc sử dụng đầu hổ để múa lân trong dịp Tết Trung thu có phù hợp không? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé!

Mỗi mùa Trung thu, các bậc phụ huynh đều mong muốn có thể tổ chức cho con của mình một ngày lễ thật đáng nhớ. Nhiều địa phương còn chuẩn bị công phu, tập văn nghệ cả tháng trước khi ngày lễ chính thức diễn ra. Chính vì vậy, các hoạt động trong Trung thu đa phần đều mong muốn đem lại niềm vui, tiếng cười cho các bạn nhỏ. Tuy nhiên, ban tổ chức Trung thu cũng nên lưu ý tránh sử dụng các hình ảnh có thể gây hoảng sợ cho trẻ nhỏ.


Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook