Trang Liệt: Ngôi làng cổ kính nhất xứ Kinh Bắc
Hiện nay những gì cổ kính được lưu lại là những thứ quý báu nhất của làng, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử khi đến đây đều công nhận làng Trang Liệt là một trong số ít những ngôi làng vẫn giữ được nét cổ kính quý giá xưa.
Đất Kinh Bắc xưa kia là trung tâm của Luy Lâu. Nằm ở nơi giao nhau giữa sông Lô và sông Đuống, Luy Lâu là chiếc nôi Đạo giáo, Phật giáo, là trung tâm văn hóa, thương mại, kinh tế của Giao Châu từ thời nhà Hán khi Sĩ Nhiếp chọn đóng đô ở đây. Nếu Hà Nội có làng cổ nổi tiếng như Đường Lâm, Cự Đà, thì vùng Kinh Bắc có Trang Liệt là ngôi làng cổ nhất với cây đề đã hàng nghìn năm tuổi.
Một trong những chiếc nôi của người Việt cổ
Không rõ tên “Trang Liệt” có từ khi nào bởi không thấy có tài liệu nào chính thức nói về thời gian lập làng. Theo gia phả của các dòng họ thì tên “Trang Liệt” có từ thời Tiền Lê, tức khoảng 1.000 năm về trước, nhưng vị trí ban đầu là ở khu đồng Mang. Đến thời nhà Lý thì làng chuyển dời đến cạnh khu rừng Sặt như ngày nay, nằm bên quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn, cách thủ đô Hà Nội 18km về phía đông bắc.
Theo gia phả dòng họ thì ban đầu làng do 12 họ lập nên gọi là “Thập nhị tiên gia” (tức 12 gia đình đầu tiên) gồm các họ Nguyễn, Phan, Ngô, Lê, Dương, Đỗ, Lâm, Hoàng, Tân, Vũ, Trần, Lương.
Ngoài ra làng còn có tên khác là Kẻ Sặt vì nằm cạnh rừng Sặt; còn có tên là Sặt Đồng, vì ngày xưa làng có nghề lọc đồng, chì, thau thiếc và nghề thu mua đồ đồng nát.
Trang Liệt là một trong những chiếc nôi của người Việt cổ. Từ các di chỉ ở Từ Sơn như làng Trang Liệt, Bãi Tự (Tương Giang), Phù Lưu, Bãi Phủ (Đồng Nguyên), nhất là di chỉ xóm Thượng (Bính Hạ), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích của xưởng chế tác đá và hàng trăm di vật bằng gốm, đá, đồ đồng gồm các loại công cụ tinh xảo thuộc thời đại sơ kỳ đồng thau cuối Phùng Nguyên, đầu Đồng Đậu.
Từ đó các nhà khảo cổ học cho rằng “ít nhất trên 3.500 năm về trước đã có những nhóm cư dân người Việt cổ sinh sống bằng nghề nông, nghề chăn nuôi cũng đã khá phát triển. Hàng trăm loại đồ đựng khác nhau đã chứng minh cho sự phồn thịnh của kinh tế, những dọi xe chỉ và chì lưới cũng như mũi tên là biểu hiện của nghề làm đồ gốm (có bàn xoay), nghề dệt vải, đánh cá, săn bắn chứng tỏ sự phong phú, đa dạng trong cuộc sống của những cư dân ở đây.” (Theo “Địa danh văn hóa Việt Nam” của Bùi Thiết).
Dấu tích văn hóa xưa
Những công trình đáng chú ý nhất ở Trang Liệt là Đình làng và các nhà thờ họ to lớn và cổ kính. Nhiều người làng đi xa lập nghiệp, lúc về không bao giờ quên ghé nhà thờ họ chắp tay trước tổ tiên.
Các làng ngày xưa thường có 4 cổng ở 4 hướng đông – nam – tây – bắc. Làng cũng có 4 cổng đẹp nhất nhì xứ Kinh Bắc và được đặt tên là cổng Bông, cổng Lé, cổng Đá và cổng Tây. Trong 4 cổng này thì 3 cổng vẫn giữ được nép đẹp cổ kính xưa kia.
Cổng Lé trước đây là đẹp nhất với giếng nước trong và ngọt khiến dân làng bên thường ghé xin nước, tiếc rằng cổng này đã mất vào thời cải cách ruộng đất. Cổng Bông vẫn còn đó cây Bồ Đề nghìn năm tuổi, đây được xem là chứng tích cổ xưa nhất của làng được lưu lại. Ba chiếc cổng cổ kính của làng cùng cây Bồ Đề ngày nay được xem là báu vật vô giá của làng
Ngày nay Trang Liệt là một trong số ít làng còn giữ được hồn của nét văn hóa xưa như đấu cờ người, có câu lạc bộ thư pháp, tục cho chữ của cụ đồ. Vào dịp lễ hội, trên ao hồ các liền anh liền chị trong trang phục cổ với nón quai thao cùng hát những giai điệu quan họ Bắc Ninh.
Vào sâu phía trong, ngoài những ngôi nhà cao tầng vẫn còn những mái đình cong vút, đền, chùa, miếu, nhà truyền thống cùng các nhà thờ họ đều đậm kiến trúc cổ.
Ấp Bà Liệt
Làng Trang Liệt thời nhà Trần còn có tên gọi là ấp Bà Liệt. Khi Trần Thừa còn làm phụ chính cho nhà Lý từng lấy người con gái ở thôn Bà Liệt (thuộc Hà Nam), nhưng khi người này có mang thì bị Trần Thừa ruồng bỏ. Người phụ nữ phải dời đến Đông Ngàn, Từ Sơn, trấn Kinh Bắc rồi sinh con ở đây, lấy tên quê cũ đặt cho con là Trần Bà Liệt.
Năm 1225, con trai của Trần Thừa là Trần Cảnh kết hôn với Lý Chiêu Hoàng. Tháng 1/1226, Vua cuối cùng của nhà Lý là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, nhà Lý mất, nhà Trần lên thay. Nhưng Trần Cảnh mới chỉ 8 tuổi nên để cha là Thượng Hoàng Trần Thừa làm nhiếp chính.
Trần Bà Liệt lớn lên thì giỏi võ nghệ, nổi tiếng đô vật vùng Kinh Bắc và được gia nhập đội đánh vật. Thế rồi trong một cơ duyên khiến Trần Thừa phải nhận con trai. Sự kiện này “Đại Việt Sử ký Toàn thư” mô tả rằng:
“Xưa Thượng Hoàng còn hàn vi, lấy người con gái thôn Bà Liệt (thuộc huyện Tây Chân). Người đó có mang thì bị ( Thượng hoàng) ruồng bỏ. Đến khi Bà Liệt ra đời, Thượng hoàng không nhận con. Lớn lên Bà Liệt khôi ngô, giỏi võ nghệ, xin sung vào đội đánh vật. Một hôm, bà Liệt đánh cầu với người trong đội, người kia vật ngã Bà Liệt, bóp cổ Liệt đến suýt tắt thở. Thượng hoàng thét lên: “Con ta đấy” . Người ấy sợ hãi lạy tạ. Ngay hôm đó, Thượng hoàng nhận Bà Liệt làm con.”
Năm 1232, Trần Thừa phong cho con là Trần Bà Liệt làm Hoài Đức Vương, và lấy huyện Đông Ngàn là thực ấp cho Trần Bà Liệt. Đến thực ấp của mình, Hoài Đức Vương đặt dinh thực của mình ở làng Trang Liệt, cho mời thầy phong thủy đến xem địa thế của làng
Làng nằm cạnh rừng Sặt với nhiều gỗ quý. Khu rừng này rộng khoảng 180.000 mét vuông có địa thế hình con rồng đang ấp trứng, mà làng Trang Liệt là một bọc trứng đang được rồng ấp, hàm rồng đang ngậm ngọc, bãi Mả Ngò và bãi Mả Mục là hai tai rồng, rừng Con (Mả Bé) là đuôi rồng. Làng có 7 cái ao hình thành tự nhiên được gọi là thất tinh. Hoài Đức Vương cho thầy phong thủy điểm mắt rồng, hàm rồng, đuôi rồng. Ông giúp dân xây dựng làng quê của mình, từ đó làng còn có tên gọi là ấp Bà Liệt.
Năm 1258, quân Mông Cổ tiến đánh Đại Việt, Hoài Đức Vương mộ quân chống giặc và lập nhiều công lớn.
Đến khi Hoài Đức Vương mất, dân làng thương nhớ lập đền thờ, đồng thời phong ông làm Thành Hoàng của làng. Ngôi đền được thiết kế theo lối chữ tam (三), ở thế Hậu Huyền Vũ, tiền Chu Tước. Các Triều đại nối tiếp nhau đến có sắc phong cho ông, đến nay vẫn còn lưu giữ được 21 đạo sắc phong.
Đến thời nhà Lê, làng Trang Liệt phát triển mạnh, có 8 người thi đỗ tiến sĩ được ghi danh trên bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, để lại truyền thống hiếu học cho hậu nhân sau này.
Đến thời nhà Nguyễn làng phát triển mạnh, nhất là về văn hóa. Năm 1871 vua Tự Đức ban cho làng bức đại tự có 4 chữ “Mỹ tục khả phong”, nghĩa là làng có phong tục văn hóa đẹp.
Trần Hưng
Mời xem video “Vẻ đẹp của Trung và Hòa trong lý niệm truyền thống”