Trần Văn Kỷ: Vị quân sư nhiều lần giúp nhà Tây Sơn hòa giải (P3)
Võ Văn Dũng bị triệu về triều, nghe lời Trần Văn Kỷ, mang binh vây chặt kinh thành, ra sức ép yêu cầu nộp Thái sư Bùi Đắc Tuyên...
Võ Văn Dũng bị triệu về triều, nghe lời Trần Văn Kỷ, cùng Thái úy Phạm Công Hưng cùng Thái bảo Nguyễn Văn Huấn mang binh vây chặt kinh thành, ra sức ép yêu cầu nộp Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Trước sức ép ngày càng mạnh, không còn cách nào khác, vua Cảnh Thịnh phải giao nộp Bùi Đắc Tuyên.
Bùi Đắc Tuyên bị diệt
Bắt được Bùi Đắc Tuyên, quân của 3 tướng liền cho bắt luôn Bùi Đắc Trụ, rồi giả chiếu chỉ ra Bắc hà bắt luôn Ngô Văn Sở. Cha con Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở bị xử tội mưu phản, bị nhốt cũi rồi dìm xuống sông Hương đến chết.
Diệt được Bùi Đắc Tuyên, Võ Văn Dũng cho mời Trần Văn Kỷ trở về kinh thành giữ chức Trung thư lệnh như trước.
Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân rút quân về
Trong lúc kinh thành Phú Xuân đang có biến động lớn thì Trần Quang Diệu đang cho quân vây chặt thành Diên Khánh (thuộc Khánh Hòa) của quân Nguyễn, đồng thời cho thủy quân chặn đứng quân cứu viện.
Thành Diên Khánh bị vây chặt và sắp rơi vào tay Trần Quang Diệu thì tin tức từ Phú Xuân truyền đến. Bùi Đắc Tuyên là cậu của Bùi Thị Xuân, mà nữ tướng này là vợ của Trần Quang Diệu. Vì thế dù sắp chiến thắng, Trần Quang Diệu cũng quyết định cùng vợ đem quân trở về kinh thành.
Bùi Thị Xuân lúc này đang ngăn quân Nguyễn ở Quảng Nam cũng quyết định về triều. Tuy nhiên đoán biết Nguyễn Phúc Ánh hay tin sẽ đưa quân vào Quảng Nam, nên khi lệnh rút quân rồi nữ tướng này lại cho quân bí mật tổ chức mai phục sẵn.
Nguyễn Phúc Ánh cho quân vào thành Quảng Nam và bị trúng mai phục, bị quân Tây Sơn đánh cho thảm bại và thiệt hại nặng. Sau đó Bùi Thị Xuân mới cho rút quân về.
Nỗ lực giảng hòa
Vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân cho quân đến đến sông Hương thì thấy quân Võ Văn Dũng ở bờ bắc đã bố trí để chặn lại, hai vợ chồng liền cho quân ở bờ nam sông Hương.
Hiểu rằng nếu để một cuộc chiến diễn ra, nhà Tây Sơn sẽ mất, Trần Văn Kỷ, Phạm Công Hưng cùng các quan trong triều nỗ lực dàn xếp giảng hòa đôi bên.
Vợ chồng Trần Quang Diệu cùng Bùi Thị Xuân và Võ Văn Dũng cũng hiểu rằng nếu giao chiến dù có thắng thì Tây Sơn cũng bị diệt. Vì thế mà dưới sự dàn xếp của triều đình, hai bên đồng ý giảng hòa.
Nhà Tây Sơn tạm thời ổn định lại
Sau khi giảng hòa, nhà Tây Sơn được tổ chức lại. Chức Thái sư bị bỏ trống, Phạm Công Hưng có vợ là em ruột của Hoàng hậu Phạm Thị Liên (vợ vua Quang Trung) vẫn giữ chức Thái úy như trước và là người có thực quyền lớn nhất.
Vua phong cho Trần Quang Diệu làm Thiếu phó, Võ Văn Dũng làm Đại Tư đồ, Nguyễn Văn Huấn là người của Dũng được phong làm Thiếu bảo, Nguyễn Văn Danh người của Diệu được phong làm Đại Tư mã.
Về cơ bản triều Tây Sơn chia làm 3 phe:
Phe Võ Văn Dũng có Hộ giá thượng tướng quân Nguyễn Văn Huấn, Đại đô đốc Vũ Văn Thành, Bùi Hữu Hiếu.
Phe Trần Quang Diệu có Đại tổng quản Lê Văn Thành, Tư lệ Lê Trung, cùng Đại đô đốc Lê Danh Phong, Trần Danh Tuấn, Đào Công Giản, Nguyễn Văn Xuân…
Phe trung lập chỉ phụng mệnh Vua như Nội hầu Nguyễn Thế Tử, Lê Văn Lợi, Kiểm điểm Trần Viết Kết, Thái phó Lê Văn Ứng, Thượng thư Hồ Công Diệu…
Trần Văn Kỷ dù là Phụ chính theo chỉ định của vua Quang Trung nhưng nay chỉ là hữu danh vô quyền. Phạm Công Hưng lúc này giữ chức Thái úy, dù đã già vẫn cố gắng dung hòa các bên nhằm bảo tồn nhà Tây Sơn, nhưng chẳng mấy chốc lại mất sớm.
Triều đình đã vậy, các quan Tây Sơn ở địa phương lại tự tung tự tác khiến dân chúng oán hận, một số tướng rời bỏ hàng ngũ Tây Sơn sang đầu quân cho Nguyễn Phúc Ánh đang được lòng dân ở nam bộ.
Lúc này vai trò trụ cột trong triều của Trần Văn Kỷ đã mất, thực quyền không có, những nỗ lực hòa giải của ông trong suốt thời kỳ từ Nguyễn Huệ cho tới nay chỉ giúp nhà Tây Sơn kéo dài thêm thời gian tồn tại, đến năm 1802 thì nhà Tây Sơn chính thức bị diệt.
Trần Hưng
Mời xem video :