Trần Văn Kỷ: Vị quân sư nhiều lần giúp nhà Tây Sơn hòa giải (P2)
Năm 1788, Trần Văn Kỷ ra bắc lần thứ hai cùng Nguyễn Huệ, ông tiếp xúc với nhiều nhân sĩ lúc đó như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Võ Văn Ước, Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Tấn, Trần Bá Lãm…
Tiếp theo phần 1
Đánh quân Thanh
Cuối năm 1788, Nguyễn Huệ cùng Trần Văn Kỷ ra bắc đánh quân Thanh. Đến núi Bân ở Huế, Nguyễn Huệ lên ngôi Vua, hiệu là Quang Trung. Trần Văn Kỷ được phong là Nội tán, rồi thăng lên làm Trung thư Phụng chính.
Khi quân Tây Sơn đến Nghệ An, Trần Văn Kỷ khuyên Nguyễn Huệ mời Nguyễn Thiếp đến hội kiến. Khi Vua hỏi về trận đánh quân Thanh lần này, Nguyễn Thiếp nói rằng: “Người Thanh ở xa tới mệt nhọc không biết tình hình khó dễ thế nào. Nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được”.
La Sơn Phu Tử
Diễn biến trận đánh quân Thanh đúng như nhận định của Nguyễn Thiếp. Mùa xuân năm 1789 khi đánh thắng quân Thanh trở về, qua Nghệ An, vua Quang Trung lại một lần nữa mời Nguyễn Thiếp. La Sơn Phu Tử biết rằng Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn không được lòng dân nên không đồng ý giúp về triều chính, mà chỉ giúp đỡ về việc giáo dục.
Ông giúp nhà Tây Sơn làm chủ khảo khoa thi năm 1789, rồi sau đó lại trở về núi Thiên Nhẫn mà không ở Phú Xuân giúp vua Quang Trung. Có lẽ do lần xuống núi này La Sơn Phu Tử chứng kiến được rõ ràng hơn thái độ không tốt của dân chúng đối với nhà Tây Sơn nên ông lại trở về núi.
Thời gian này Trần Văn Kỷ luôn ở bên cạnh giúp vua Quang Trung hoạch định mọi việc, kể cả các kế sách tận diệt Nguyễn Ánh ở phương nam. Ngoài ra ông vẫn tha thiết đề xuất vua Quang Trung cầu hiền.
Năm 1791, vua Quang Trung lại mời Nguyễn Thiếp đến Phú Xuân. Nguyễn Thiếp cũng có điều suy ngẫm, bản thân ông cũng 68 tuổi nhưng không tìm được người tài đức để theo, lại đã 3 lần từ chối mà vẫn nhận được thái độ chân thành. Cuối cùng, Nguyễn Thiếp đồng ý ở lại giúp vua Quang Trung với điều kiện nêu trong bản tấu của mình.
Trong bản tấu ông yêu cầu vua Quang Trung phải theo đạo Thánh hiền trị quốc; nhà Vua phải thay đổi, dùng tâm ngay chính để thu phục lòng người; đồng thời phải chăm lo giáo dục để có được nhiều hiền tài phụng sự Xã Tắc.
Mâu thuẫn nội bộ
Năm 1792, vua Quang Trung bệnh nặng, trước lúc mất chỉ có 2 người bên cạnh, đó chính là Trần Quang Diệu và Trần Văn Kỷ. Hai người được tin tưởng cử làm phụ chính cho Quang Toản còn nhỏ, trong đó Trần Văn Kỷ phụ trách quan văn lo hết việc nội chính, Trần Quang Diệu là tướng võ nắm giữ quân đội.
Sau khi vua Quang Trung mất, Quang Toản mới 9 tuổi lên ngôi, hiệu là Cảnh Thịnh. Cậu của Vua là Bùi Đắc Tuyên vốn hay chơi đùa với Vua từ nhỏ, nên được lòng Vua, lợi dụng cơ hội này lên làm Thái sư, nắm hết mọi quyền hành, lũng đoạn triều đình.
Trần Văn Kỷ nắm giữ nội chính liền can gián. Bùi Đắc Tuyên không những không nghe mà còn đày ông ra làm lính đến trạm Hoàng Giang (tức sông Mỹ Chánh ngày nay).
Những ai không theo Bùi Đắc Tuyên đều bị hạ cấp hay điều chuyển, còn ai nghe theo Bùi Đắc Tuyên thì được trọng dụng. Triều Tây Sơn xảy ra mâu thuẫn, chia phe phái. Nhiều người có chí khí không chịu được Bùi Đắc Tuyên thì chọn cách gia nhập quân của Nguyễn vương Nguyễn Phúc Ánh ở Nam bộ.
Tướng sĩ bao vây kinh thành
Tình hình triều chính nhà Tây Sơn ngày càng xuống dốc. Lúc này Bùi Đắc Tuyên lo Võ Văn Dũng là người không theo phe cánh mình đang ở Thăng Long lâu ngày sẽ thành thế lực chống đối, nên cho gọi Dũng về Phú Xuân, để người của mình là Ngô Văn Sở ra thay.
Võ Văn Dũng về Phú Xuân, trên đường đi ngang qua Hoàng Giang thì gặp Trần Văn Kỷ. Sau khi nói rõ tình hình Triều đình, Kỷ nói với Dũng rằng cần diệt trừ Bùi Đắc Tuyên. Sự kiện này cuốn “Hoàng Việt hưng long chí” của sử gia Ngô Giáp Đậu thời vua Thành Thái có chép rằng:
Tây Sơn Nguyễn Quang Toản giao việc nước cho Tuyên nắm giữ, quyền sinh sát nằm cả trong tay Tuyên. Phụng chính Trần Văn Kỷ có tội bị bắt đày ra trạm Mỹ Xuyên. Khi ấy Văn Dũng làm Trấn thủ Bắc thành. Sợ Dũng cậy quân ngoài, rồi ra sẽ là cái gai cho mình, Đắc Tuyên bèn sai người cùng phe cánh là Ngô Văn Sở thay Dũng làm Trấn thủ Bắc Thành, gọi Dũng về Phú Xuân. Dũng về tới Mỹ Xuyên gặp Kỷ. Kỷ nói: “Thái sư chuyên quyền tác oai tác phúc, sẽ là điều bất lợi cho xã tắc; nếu không sớm trừ đi, sau này hối cũng không kịp”.
Võ Văn Dũng vốn rất tin Trần Văn Kỷ nên nghe theo. Đến Phú Xuân, Dũng không vào triều ngay mà nhờ Thái úy Phạm Công Hưng cùng Thái bảo Nguyễn Văn Huấn đến bàn cách diệt Đắc Tuyên và nhận được sư đồng ý của hai người này.
Ngay đêm hôm đó, 3 người thống lĩnh binh đến vây chặt dinh Thái sư Bùi Đắc Tuyên, lúc đó mới biết Thái sư không ở dinh của mình mà ở trong trong kinh thành. Lập tức binh lính đến vây chặt kinh thành đòi vua phải giao Thái sư ra. Nội bộ rối ren khiến tình hình ở kinh thành vô cùng hỗn loạn.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Câu chuyện trung nghĩa đằng sau cuộc chiến tại thành Bình Định
Mời xem video :