Trận lụt lịch sử 40 năm có một: Nước tràn vào nhà, thiết bị ngập úng xử lý thế nào?
EVN (Tập đoàn Điện Lực Việt Nam) đã đưa ra một số lưu ý về cách xử lý đồ điện tử, gia dụng bị ngập nước.
Chiều 29/5, cơn mưa lớn kèm theo dông, gió mạnh xảy ra trên diện rộng địa bàn thành phố Hà Nội trong khoảng 2h đồng hồ đã tạo nên một trận ngập lụt lịch sử.
Theo thông tin trên Zing.vn, khu vực mưa lớn nhất là Cầu Giấy với vũ lượng lên tới 180 mm. Ở trạm Láng, mực nước được ghi nhận là 140mm, ghi nhận kỷ lục về lượng mưa tích lũy theo ngày trong vòng 36 năm qua kể từ năm 1986 (132mm).
Trên các trang mạng xã hội, người dân đồng loạt chia sẻ những hình ảnh dở khóc dở cười khi đường phố lúc này bỗng hóa thành… sông. Và không chỉ là đường phố, ở một số khu vực, nước còn tràn vào nhà, gây ngập úng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống sinh hoạt của các gia đình.
Hình ảnh dở khóc dở cười phố biến thành sông, nước tràn từ đường vào đến nhà tại Hà Nội sau trận mưa chiều 29/5. (Ảnh Phúc Nguyễn, Hoàng Hải)
Mưa lớn khiến nước tràn vào nhà, nhiều thiết bị điện tử bị ngập úng. (Video Thu Giang)
Đồ gia dụng, thiết bị điện tử xử lý ra sao?
Có thể thấy, khi nước tràn vào nhà, thứ nhiều người dân lo ngại không chỉ là xe cộ, bàn ghế mà còn là các thiết bị đồ gia dụng, đồ điện tử.
Trên một hội nhóm Facebook về đồ gia dụng, một người dùng đã chia sẻ về trường hợp về chiếc máy rửa bát nhà mình gặp phải vấn đề sau trận lụt lịch sử. Theo đó, máy rửa bát nhà cô bị ngập 1/4, hiện tại tuy nước đã rút hết nhưng cô cũng chưa dám cắm điện để máy chạy lại và cũng không biết hướng xử lý tiếp theo như thế nào.
Máy rửa bát bị ngập đến 1/4 thân máy khiến người dùng bối rối không biết nên tiếp tục xử lý như thế nào. (Ảnh Nguyễn Hương - Hội dùng máy rửa bát và đồ gia dụng tiện ích)
Bên dưới phần bình luận của bài viết, nhiều người cho rằng mọi sự “lành ít dữ nhiều” với chiếc máy rửa bát nhà khổ chủ. Bởi lẽ, bo mạch chính của máy rửa bát nằm ở vị trí sát gầm máy. Theo như hình ảnh bên trên, rất có thể bo mạch đã bị ngập toàn bộ trong nước.
Ngoài bo mạch chính, động cơ máy và một loạt các cảm biến khác của máy rửa bát cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, dẫn đến việc máy rửa bát không thể hoạt động như cũ hoặc tệ hơn là hỏng hóc hoàn toàn.
Trong gia đình, không chỉ có máy rửa bát mà nhiều thiết bị, đồ dùng điện tử khác như tivi, tủ lạnh, máy giặt… có thể trở thành đồ bỏ đi nếu không xử lý kịp thời khi xảy ra trường hợp bị thấm nước, ngập úng.
Dưới đây là một số lưu ý được EVN (Tập đoàn Điện Lực Việt Nam) đưa ra để xử lý các thiết bị, đồ dùng điện tử sau khi xảy ra tình trạng ngập nước. Việc tuân thủ các lưu ý có thể hạn chế xảy ra hỏng hóc cho thiết bị cũng như gây mất an toàn cho người sử dụng
1. Kiểm tra và làm sạch thiết bị
Nước tràn vào nhà, gây ngập thiết bị mang theo bùn, đất, các chất bẩn và có thể có cả những vi sinh vật gây hại.
Vì vậy, bạn nên kiểm tra và làm sạch thiết bị ngay khi tình trạng ngập đã được giải quyết xong. Cần tháo vỏ, kiểm tra các bộ phận quan trọng bên trong của thiết bị như dây dẫn, bản mạch, bộ cảm biến hay các chi tiết khác như cầu cầu chì, công tắc, ổ cắm…
Kiểm tra các chi tiết quan trọng của thiết bị và làm sạch chúng sau khi xảy ra ngập nước. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, với các thiết bị bị dính bùn, bạn cần làm sạch để loại bỏ toàn bộ bùn ngay lập tức. Bởi lẽ khi bùn dư còn đọng lại, chúng sẽ hút ẩm và gây hỏng hóc cho thiết bị.
Sau khi làm sạch bằng nước sạch hoặc khăn khô, hãy sấy khô cho các bộ phận của thiết bị.
- Bước 1: Dùng quạt máy thổi luồng gió mạnh vào thiết bị đang bị ẩm để nước bốc hơi.
- Bước 2: Khi thiết bị đã tương đối khô, dùng máy sấy để sấy khô. Lưu ý: Linh kiện điện tử chỉ chịu được nhiệt độ 50 - 60 độ C, nên để máy sấy ở nhiệt độ thấp nhất và cứ 2-3 phút nên nghỉ 1 lần rồi lại sấy tiếp, cho đến khi thiết bị khô hẳn.
Có thể dùng máy sấy với mức nhiệt 50 - 60 độ C để làm khô thiết bị điện tử sau khi bị ngập nước. (Ảnh minh họa)
Nếu không dùng máy sấy, có thể làm theo cách sau: Đóng hộp gỗ hoặc bìa cứng, cho thiết bị điện, điện tử vào trong, bật sáng khoảng 2 - 3 bóng đèn sợi đốt (bóng đèn tròn) đặt vào hộp và để khoảng 8 giờ. Nhiệt độ bóng đèn tỏa ra khoảng 50 - 60 độ C có thể giúp làm khô thiết bị từ sâu bên trong.
2. Không cắm điện và sử dụng thiết bị ngay
Sau khi làm khô thiết bị điện, không nên cắm điện chạy thử hay sử dụng ngay. Bởi nếu cắm điện vội vàng, thiết bị sẽ có nguy cơ bốc khói, cháy, nổ do có thể giữa các chi tiết máy vẫn còn ẩm.
Không nên cắm điện và sử dụng thiết bị ngay sau khi làm sạch và sấy khô xong. (Ảnh minh họa)
Tốt hơn hết, hãy để cho thiết bị được ráo nước và nghỉ ngơi hoàn toàn trong vòng 24h. Để chắc chắn hơn trước khi đưa vào sử dụng, bạn cũng có thể sử dụng đồng hồ đo vạn năng để đo điện trở cách điện, đảm bảo độ cách điện tốt.
Những công việc kiểm tra các thiết bị, đồ điện tử của gia đình bạn có thể thực hiện tại nhà nếu có đủ kiến thức, kỹ năng cũng như dụng cụ. Tuy nhiên, nếu các thiết bị xảy ra ngập nước quá nghiêm trọng, tốt hơn hết hãy gọi thợ sửa chữa có chuyên môn hoặc mang tới những cơ sở uy tín.
Ngoài ra, khi phát hiện mưa lớn và có dấu hiệu ngập nước, việc đầu tiên cần làm nhất đó là di chuyển thiết bị đến những vị trí cao hơn đồng thời rút điện càng nhanh càng tốt để tránh khỏi những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Ảnh: NVCC
Theo Thu Phương