Tràn lan phim bạo lực học đường trên mạng

Chia sẻ Facebook
28/08/2023 00:16:15

Chính sự hạn chế trong khâu kiểm soát là nguyên nhân khiến những bộ phim kiểu này xuất hiện tràn lan trên không gian mạng.

Những pha đánh đấm, những câu nói tục, chửi thề phản cảm…, không khó để nhận ra trên các nền tảng mạng xã hội những bộ phim về đề tài giang hồ, bạo lực học đường. Những sản phẩm này thu hút số lượng người xem rất ấn tượng, trong đó có cả những em còn đang lứa tuổi học trò.

Còn với nhiều phụ huynh như anh Đinh Kim Anh (Quận Long Biên, Hà Nội) thì lại tỏ ra rất lo lắng khi xem những bộ phim kiểu này.

Ông Phạm Mạnh Hà - chuyên gia tâm lý - cho rằng, phim bạo lực học đường chỉ có tác dụng đáp ứng nhu cầu hiếu kỳ, mong muốn thể hiện bản thân một cách thái quá, nhiều khi đến mức coi thường những chuẩn mực đạo đức của một bộ phận giới trẻ. Và hệ lụy chính là sự gia tăng các vụ bạo lực học đường. Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy mỗi năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình cứ 5200 học sinh lại có 1 học sinh đánh nhau.

Dù chỉ có 2,63% học sinh sinh viên trong tổng số thanh niên phạm tội nhưng con số này lại có xu hướng tăng. Đây là lưu ý của lãnh đạo Bộ Công an tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 diễn ra hồi trung tuần tháng 8 vừa qua. Một phần xuất phát từ việc là thanh thiếu niên hành động theo những trò chơi điện tử hay những bộ phim đã từng xem, rồi ngấm vào đầu, coi đó là anh hùng, coi đó là thể hiện sức mạnh. Cần có những biện pháp vừa mạnh tay về chế tài xử phạt, vừa mềm dẻo trong cách giáo dục để có thể kiểm soát được sự xuất hiện của những bộ phim có nội dung bạo lực học đường trên không gian mạng.


Giảm tác động tiêu cực từ phim bạo lực học đường

Đối với nhà trường, cần chú trọng việc giảng dạy một số môn học như kỹ năng sống, giáo dục công dân, trang bị nhận thức đúng đắn cho học sinh về những cái hay cái đẹp trong cuộc sống, để giúp các em nói không với thể loại phim giang hồ, bạo lực học đường.

Đối với các phụ huynh, cũng cần quan tâm, hướng dẫn sát sao con em mình, giúp các em nhận thức được cái tốt, cái xấu để tránh những nội dung xấu độc trên không gian mạng.

Đối với các cơ quan quản lý cần ra soát lại những sản phẩm này, yêu cầu cắt bỏ những tình tiết chưa đúng chuẩn mực.

Luật điện ảnh sửa đổi được Quốc hội thông qua hồi giữa năm ngoái đã có nhiều tiến bộ. Theo đó, tiền kiểm (các nhà sản xuất phim chịu trách nhiệm kiểm tra tác phẩm của mình trước khi phát hành) kết hợp với hậu kiểm (các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra để sàng lọc sau khi phim được phát hành trên mạng) được xem là biện pháp quản lý phim chiều mạng đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam hiện nay và xu thế chung của thế giới.

Chia sẻ Facebook