Trần giá dầu Nga: Châu Âu sẽ phải “trả giá”?
Khi trần giá dầu Nga bắt đầu có hiệu lực, câu hỏi đặt ra là biện pháp này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến châu Âu, nơi vẫn đang vật lộn với khủng hoảng năng lượng.
Châu Âu sẽ phải tìm kiếm các sản phẩm thay thế cho dầu Nga và trả giá cao hơn sau khi đưa ra mức giá trần, ông Cui Heng, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Nga của Đại học Sư phạm Hoa Đông, nói với tờ Global Times (Trung Quốc) hôm 6/12.
Theo tờ báo, vị chuyên gia này tin rằng chính châu Âu sẽ phải trả giá vì các nước ở “lục địa già” sẽ phải tìm nguồn thay thế cho dầu thô Nga và trả giá cao hơn để mua khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Anh và Mỹ.
“Moscow sẽ cảm thấy khó khăn vì nó (mức giá trần) sẽ hạn chế khả năng xuất khẩu dầu của Nga sang phương Tây, nhưng nó sẽ không phải là một tác động lớn”, ông Cui Heng lưu ý.
Nga “có thể tìm những người mua như Trung Quốc và Ấn Độ để lấp đầy khoảng trống, hoặc, họ có thể lấp đầy khoảng trống đó bằng cách xuất dầu sang các nước Trung Đông và từ đó dầu lại chảy về châu Âu”, vị chuyên gia người Trung Quốc bổ sung.
Các nước G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia trước đó đã đồng ý hạn chế giá dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố rằng Moscow sẽ không chấp nhận mức giá trần. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov lưu ý rằng động thái đưa ra giới hạn giá chỉ có thể dẫn đến tăng giá năng lượng ở các nước phương Tây.
Moscow có kế hoạch tạo và khởi động một cơ chế cấm các công ty Nga bán dầu cho các quốc gia tuân theo giá trần của phương Tây vào cuối năm 2022, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói với các phóng viên hôm 7/12.
“Tôi tin rằng nó sẽ được thực hiện”, ông nói, trả lời một câu hỏi về chủ đề này. “Chúng tôi hiện đang cân nhắc và điều chỉnh quyết định cũng như thảo luận với các công ty”, ông Novak bổ sung.
Tuy nhiên, hôm 5/12 – khi biện pháp về giá cả này có hiệu lực, các bộ trưởng EU nói với Đài CNBC rằng giá trần đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga sẽ có tác dụng, bất chấp những nỗ lực từ Điện Kremlin nhằm thoát khỏi các lệnh trừng phạt và sự hoài nghi rộng rãi của thị trường đối với biện pháp này.
Khi được hỏi liệu giới hạn dầu có thể làm giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga hay không, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe nói: “Có, nó có thể”. Đó là “thông điệp phù hợp vào thời điểm phù hợp”, ông Donohoe bổ sung.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói với CNBC rằng đây là một biện pháp “đáng để thử”. Ông nói thêm: “Sau đó, chúng tôi sẽ đánh giá tác động của việc thực hiện giới hạn giá này” .
Minh Đức (Theo TASS, CNBC)