Trần Đại Định: Vị tướng quân bảo vệ người Việt mở đất ở Gia Định

Chia sẻ Facebook
06/04/2023 12:22:57

Trần Đại Định là võ tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chú, và là một trong số ít người đã góp phần đem vùng đất mà ngày nay là Mỹ Tho và Vĩnh Long sáp nhập vào Đại Việt.

Nguồn gốc

Khi người Mãn Châu đánh bại nhà Minh và thành lập triều đại nhà Thanh, Trần Thượng Xuyên là Tổng binh 3 Châu của nhà Minh gồm Cao châu, Lôi châu và Liêm châu. Không chịu quy phục, năm 1679, ông và tướng Dương Ngạn Địch cùng 3.000 người đến Đàng Trong nương nhờ chúa Nguyễn, xin được làm con dân Đại Việt.

Bấy giờ vùng đất phía nam nhiều nơi còn hoang sơ, chúa Nguyễn liền cho nhóm người Hoa này đến vùng đất thuộc Đồng Nai ngày nay để khai phá. Nhóm người Hoa đến Đồng Nai, sau đó phát hiện ra Cù Lao Phố – một bãi sa bồi hoang sơ nằm giữa sông Hương Phước (một đoạn của sông Đồng Nai). Nơi đây vô cùng thuận tiện giao thương đi lại, dễ dàng ngược lên phía bắc hay xuôi xuống phía nam, thuận tiện ra biển Cần Giờ hay sang tận Cao Miên. Trần Thượng Xuyên đã phát triển Cù Lao Phố thành trung thâm thương mại nổi tiếng bậc nhất thời đấy.

Bia ghi công Trần Thượng Xuyên trước đình Tân Lân. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, Public Domain)

Sau khi Cù Lao Phố sầm uất giàu có thì trở thành điểm ngắm của nhiều toán quân đến cướp bóc. Trần Thượng Xuyên được cử làm tướng nhiều lần đánh bại Cao Miên, bảo vệ vùng đất Gia Định và Nông Nại.

Trần Thượng Xuyên có người con trai là Trần Đại Định kết hôn với con gái Tổng trấn Hà Tiên Mạc Cửu.

Đánh đuổi quân Prea Sot ra khỏi Gia Định

Năm 1720, Trần Thượng Xuyên mất, Trần Đại Định nối nghiệp cha, được cử làm Tổng binh chỉ huy cả hai đạo binh Phiên Trấn và Long Môn, được phong tước Định Viễn hầu.

Năm 1729 có người Lào tên là Prea Sot đến Banam thuộc Cao Miên sinh sống rồi xúi giục người bản xứ nổi dậy giết chết người Việt ở Banam, tiến đến Gia Định cướp phá.

Thống suất Trương Phước Vĩnh cử Cai cơ Đạt Thành hầu đến đánh quân Prea Sot ở Bến Lức (thuộc Long An). Tuy nhiên quân Prea Sot đông, viện binh không thể tới kịp nên Đạt Thành hầu bị tử trận. Chiếm được Bến Lức, quân Prea Sot kéo cả qua Vườn Trầu (thuộc Hóc Môn) để cướp phá người Việt.

Trương Phước Vĩnh cử Giám quân Nguyễn Cửu Chiêm đến Bến Lức giao chiến với quân Prea Sot, đẩy được quân Prea Sot về Lũng Gù (Mỹ Tho).

Sau đấy Trần Đại Định đưa quân Long Môn đến đánh quân Prea Sot ở Vườn Trầu. Trần Đại Định thắng lớn, đẩy lui quân Prea Sot khỏi Gia Định.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Năm 1731, Trần Đại Định cho bồi đắp thêm lũy Tây Hoa để bảo vệ Gia Định, sau lại nối lũy Tây Hoa với lũy Hoa Phong khiến chiến lũy thêm dài và vững chắc, ngăn cản giặc từ Cao Miên.

Tiến sang Cao Miên đánh quân Prea Sot

Trương Phước Vĩnh đến nơi, cùng với Cửu Chiêm và Đại Định chia quân làm 3 đạo cùng tiến đánh. Quân Prea Sot không chống nổi phải rút chạy về Cao Miên.

Đại quân của Trần Đại Định tiến qua Cao Miên truy kích quân Prea Sot. Ở Kinh đô La Bích, vua Nặc Tha II lo sợ, gửi thư cho Trần Đại Định, thanh minh rằng mọi việc không phải do mình gây ra, xin dừng binh, rồi cam kết sẽ bắt các nhóm cầm đầu của Prea Sot. Trần Đại Định báo cho Trương Phước Vĩnh, nhưng Vĩnh vẫn cho truy nã đến cùng. Vua Nặc Than II sợ hãi bỏ trốn.

Đến tháng 7 có mưa to và nước lũ, việc tiến quân gặp khó khăn bất lợi, Trương Phước Vĩnh mới truyền cho Đại Định rút quân về Gia Định.

Quân Việt rút đi rồi, quân Prea Sot tập hợp lại rồi đi cướp phá của người Việt như trước, vua Nặc Tha II không chống nổi phải bỏ chạy.

Nhận được tin, tháng Giêng năm 1732, Trương Phước Vĩnh cùng Trần Đại Định đưa quân tiến sang Cao Miên nhằm bảo vệ người Việt ở đây. Quân Prea Sot thua trận phải bỏ trốn. Đến tháng 3 thì Trương Phước Vĩnh về lại Gia Định, còn Trần Đại Định thì ở lại Cao Miên đánh quân Prea Sot bảo vệ người Việt.

Chúa Nguyễn Phúc Thụ nhận thấy cần có một cơ sở điều khiển ở Sài Gòn để kịp thời giải quyết việc binh ở vùng đất mới nhằm bảo vệ người Việt khai phá đất đai, nên cử Trương Phước Vĩnh làm Điều khiển sự sở Gia Định, Nguyễn Cửu Chiêm làm Thống trấn dinh Trấn Biên (Biên Hòa).

Diệt được quân Prea Sot, bị oan khuất

Việc diệt quân Prea Sot có khó khăn, bởi khi thấy quân Việt đến thì quân Prea Sot chạy trốn, khi quân Việt rút thì quân Prea Sot lại tập hợp, vùng biên giới nhiều năm không yên. Nhận thấy quân đội bị thiệt hại mà nhiều năm vẫn chưa diệt được quân Prea Sot, chúa Nguyễn Phúc Thụ gửi thư trách Trương Phước Vĩnh với lời lẽ gay gắt, Trương Phước Vĩnh đã lập tức đổ hết mọi tội lỗi cho tướng quân Trần Đại Định, cho rằng Định chần chừ việc quân, lại thông đồng với vua Nặc Tha II.


Đại Nam Thực lục Tiền biên có chép rằng: “Trương Phước Vĩnh bí mật gởi tờ biểu về, tâu trình lý do tại sao quân không tiến được, và đổ hết mọi sự cho Đại Định”.

Trong lúc đó Trần Đại Định đến Kinh đô La Bích, phối hợp với vua Nặc Tha II vừa tấn công vừa dụ hàng, lại dùng kế diệt được hết nhóm quân cầm đầu. Vua Nặc Tha II cảm thấy có lỗi khi để quân Prea Sot hãm hại người Việt, nên nhờ Trần Đại Định dâng lên chúa Nguyễn hai vùng đất Pream Mesar (Mỹ Tho) và Longhôr (Vĩnh Long).

Trần Đại Định thắng lợi kéo quan về Gia Định thì hay tin Trương Phước Vĩnh họp các tướng để tra xét mình, liền lên thuyền đến dinh Quảng Nam nhờ các quan chuyển đạt ý mình lên Chúa.

Trương Phước Vĩnh liền cho phao tin Trần Đại Định đã trốn về quê nhà ở Quảng Đông, cho bắt cả nhà Đại Định. Tin bay về Triều đình, mọi người bàn nên xử ngay, nhưng Chúa không nỡ nên lệnh tạm giam Đại Định ở Quảng Nam, rồi cho người đến Gia Định điều tra.

Trần Đại Định ở trong lao, cảm thấy uất ức vì mình lập công mà thành có tội, gia đình thì bị bắt, nên bị ốm rồi mất trong tù.

Khi quan triều đình đến Gia Định, Trương Phước Vĩnh cùng đám tay chân cố thêu dệt tội trạng của Trần Đại Định, chỉ có Nguyễn Cửu Chiêm nói rõ sự tình, rằng Đại Định không hề chần chừ việc quân.

Khi xử xong, bản tấu dâng lên Chúa thì Đại Định đã mất trong ngục rồi, Chúa rất thương xót, giáng Trương Phước Vĩnh xuống làm Cai đội vì tội vu cáo; Nguyễn Cửu Chiêm được thăng chức làm Cai cơ; truy tặng Trần Đại Định chức Đô đốc Đồng tri, ban cho tên thụy là Tương Mẫn.


Trần Hưng


Tài liệu tham khảo :

Quốc sử quán triều Nguyễn Gia Định thành thông chí Việt sử giai thoại

Mời xem video “Chuyện 3 chàng bán táo: Người nhìn xa trông rộng sẽ được thành công lâu dài”:

Chia sẻ Facebook