Trận Austerlitz nổi tiếng: Napoleon đánh bại liên minh Nga – Áo (P2)

Chia sẻ Facebook
04/11/2022 11:05:51

Quân Nga bị đuổi khỏi Trung Âu, phải rút về nước. Chiến thắng này cũng giúp Napoleon thành lập liên bang Rhein gồm các nước chư hầu của mình, giúp Pháp thống trị châu Âu suốt 7 năm liền.


Trong những trận chiến chinh phục châu Âu của mình, Napoleon nổi tiếng là một thiên tài quân sự. Cách điều binh của ông thoạt nhìn tưởng là sai lầm căn bản nhưng trong đó lại có những cái bẫy chết người. Trận Austerlitz nổi tiếng có thể được xem là điển hình cho cách dùng binh của Napoleon, với số quân và pháo binh ít hơn nhưng vẫn đánh bại quân Nga – Áo, làm tan rã liên minh thứ ba của châu Âu chống Pháp.

Tiếp theo phần 1

Napoleon dụ quân Liên minh bỏ cao điểm Pratzen

5 giờ sáng ngày 2/12, đội quân của Thống chế Davout đã đến nơi sau một cuộc hành quân thần tốc, quân Pháp vững tâm hơn khi bước vào cuộc chiến với quân Liên minh. 8 giờ sáng, quân Liên minh tấn công.

Bản đồ bố trí quân lực của hai bên trước trận chiến. Quân Pháp ở phía tây và liên quân ở phía đông. (Tranh: United States Military Academy, Wikipedia, Public Domain)

Tại làng Telnitz, trận đánh khá ác liệt, các đợt tấn công liên tục của quân Liên minh khiến quân Pháp phải rút lui qua bờ kia sông Goldbach.

Lúc này Thống chế Davout đem quân ra trận và đẩy lui quân Liên minh ra khởi làng Telnitz. Liên minh cho kỵ binh tấn công, Davout được lệnh đánh cầm chừng rồi rút khỏi làng Telnitz. Quân của Davout được lệnh chỉ đành cầm chừng để thu hút thêm quân Liên minh.

Hai cánh quân Liên minh tiến đánh làng Sokolnitz và tòa lâu đài ở làng này. Cuộc chiến ở ngôi làng này cam go nhất, hai bên thay phiên nhau làm chủ ngôi làng. Quân Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Friant giao chiến ác liệt tại nơi đây với mục đích chính là để quân Liên minh tập trung toàn bộ quân sang cánh phải, khiến trung tâm bị hở.

Quân Liên minh dồn sức tấn công vào cánh phải quân Pháp. Các cánh quân Nga tại cao điểm Pratzen cũng rời khỏi để tấn công vào cánh phải quân Pháp. Tuy nhiên quân đoàn 4 dưới sự chỉ huy của Kutuzov vẫn ở đây, Kutuzov hiểu rõ tầm quan trọng của cao điểm này.

Trước sự phòng thủ ngoan cường của quân Pháp ở cánh phải, Nga Hoàng lệnh cho Kutuzov phải đưa quân đoàn 4 vào chiến trận. Kutuzov bất đắc dĩ đành phải đưa quân rời khỏi cao điểm Pratzen bước vào cuộc chiến. Đó chính là điều mà Napoleon mong đợi, ông ta đã nói: “Xem chúng tiến công, một khi chúng tự coi mình là những kẻ tiến công, chúng sẽ phải ngước lên mà thấy chúng đã phần nào bại trận.” (“The Age of Napoleon”, J. Christopher Herold ).

Trận đánh đặc sắc thời chiến quốc Nhật: Oda Nobunaga lấy 1 địch 10

Làm tan rã quân Liên minh

Dồn quân tấn công cánh phải, quân Liên minh bị hở trung tâm trên cao điểm Pratzen. Lúc này Napoleon cho Hilaire và Vandamme đưa quân tiến lên cao điểm Pratzen. Quân Nga chỉ còn lại một ít trên cao điểm này nên nhanh chóng bị tiêu diệt bởi quân tinh nhuệ Pháp.

Cánh quân của Bernadotte cùng pháo binh của Pháp được đưa lên cao điểm Pratzen và bắn dồn dập vào quân Liên minh. Hàng ngũ quân Liên minh rối loạn, các cánh quân Liên minh bị cắt đứt không còn hỗ trợ được nhau.

Quân Pháp tiến đánh trung tâm, Hilaire chiếm cao điểm Pratzen. (Tranh: United States Military Academy, Wikipedia, Public Domain)

Lúc này quân Liên minh vội vàng quay về giành lại cao điểm Pratzen, nhưng tất cả đã muộn, hỏa lực quân Pháp từ trên cao đánh bật tất cả những nỗ lực của quân Liên minh.

Khi thấy quân Liên minh rối loạn bởi những trận pháo kích, quân Pháp chuyển sang tấn công. Quân từ phía bắc đánh ra, quân từ trên cao điểm đánh xuống, từ hướng nam đánh lên.

Khi quân Liên minh rối loạn và bị chia cắt, Napoleon mới cho quân tấn công. (Tranh: United States Military Academy, Wikipedia, Public Domain)

Quân Liên minh bị rối loạn, các cánh quân không hỗ trợ được cho nhau, đội kỵ binh cận vệ thiện chiến của Nga cũng bị tiêu diệt, số còn lại phải tháo lui. Quân Pháp xông vào chia cắt quân Liên minh mà tiêu diệt.

Quân Liên minh thua to, bị chia cắt làm 3 cánh, bỏ cả vũ khí mà tháo chạy.

Một cánh quân Nga tháo chạy về phía nam qua hồ Satschan đang đóng băng. Khi quân Nga đến giữa mặt hồ đóng băng thì quân Pháp nã pháo khiến lớp băng bị vỡ ra, quân Nga bị chết đuối dưới mặt hồ lạnh cóng cùng hàng chục khẩu pháo.

Các cánh quân Liên minh khác rút vào Austerlitz dưới sự truy đuổi của quân Pháp. Tuy nhiên một cơn mưa tuyết rơi xuống ngăn quân Pháp truy kích tiếp, lúc này cũng đã là 4 giờ chiều.

Kỵ binh Pháp tấn công quân Nga. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Nga Hoàng chạy thoát nhưng run lên cầm cập và khóc. Tướng chỉ huy quân Liên minh là Weyrother bị thương nặng, vài tháng sau thì mất.

Pháp thống trị châu Âu một thời gian ngắn

Toàn châu Âu bị sốc khi hay tin quân Liên minh thất bại ở Austerlitz. Liên minh thứ ba chống Pháp tan vỡ. Áo phải ký hòa ước Pressburg với nhiều điều khoản có lợi cho Pháp. Áo cũng phải nhượng lại một số vùng đất ở Ý, Đức và giao nộp 40 triệu franc chiến phí cho Pháp.

Trận Austerlitz đưa Napoleon trở thành thiên tài quân sự trong lịch sử thế giới.

Napoleon.  (Tranh: Jacques-Louis David, 1812, Wikipedia, Public Domain)

Sau trận đánh này, Kutuzov bị quy kết trách nhiệm để thua trận, ông bị cách chức và làm Thống đốc quân sự tỉnh Kiev, sau đó là chỉ huy lực lượng dân quân ở Petersburg và Moskva.

Tuy nhiên năm 1812, Napoleon thống lĩnh 64 vạn quân Pháp cùng chư hầu dồn dập tiến đánh nước Nga. Quân Nga phải rút lui trên toàn mặt trận, nguy cơ mất nước cận kề, lúc này các tướng lĩnh Nga đều đồng lòng muốn đưa Kutuzov làm Tổng chỉ huy quân đội.

Nga Hoàng dù không ưa Kutuzov, nhưng đứng trước sức ép của quân đội cùng người dân, nguy cơ mất nước cận kề, cuối cùng cũng phải đồng ý để Kutuzon làm Tổng chỉ huy quân đội chống Pháp.

Kutuzov bằng tài năng của mình đã giúp Nga đánh bại Pháp và trở thành người anh hùng của nước Nga.


Trần Hưng

Thiên tài cứu châu Âu thoát khỏi Napoleon (P2)


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook