Trận Austerlitz nổi tiếng: Napoleon đánh bại liên minh Nga – Áo (P1)

Chia sẻ Facebook
03/11/2022 09:33:44

Trong những trận chiến chinh phục châu Âu của mình, Napoleon nổi tiếng là một thiên tài quân sự. Cách điều binh của ông thoạt nhìn tưởng là sai lầm căn bản nhưng trong đó lại có những cái bẫy chết người. Trận Austerlitz nổi tiếng có thể được xem là điển hình cho cách dùng binh của Napoleon, với số quân và pháo binh ít hơn nhưng vẫn đánh bại quân Nga – Áo, làm tan rã liên minh thứ ba của châu Âu chống Pháp.

Bối cảnh

Những năm đầu tiên của thế kỷ 19, châu Âu đứng trước nguy cơ bị chinh phục bởi một thiên tài quân sự người Pháp là Napoleon Bonaparte. Nước Anh đứng trước nguy cơ bị tấn công đã thuyết phục được Nga, Áo, Thụy Điển, Bồ Đào Nha cùng mình thành lập liên minh thứ ba chống Pháp.

Tuy nhiên quân Pháp tấn công quân Anh, rồi đánh bại quân Áo trong chiến dịch Ulm. Tháng 11/1805, Viên bị thất thủ, người Áo phải tránh đụng độ quân Pháp và chờ quân Nga đến giúp.

Napoléon tiếp nhận quân Áo đầu hàng ở Ulm. (Tranh: Charles Thévenin, Wikipedia, Public Domain)

Napoleon muốn giành chiến thắng trước khi Phổ tham gia vào Liên minh thứ 3 chống Pháp, liền cho quân vượt sông Danube tiến đánh quân Nga đang ở phía tả ngạn sông Danube. Ý định của Napoleon là muốn chặn quân Nga đang hối hả rút về phía bắc, buộc quân Nga phải giao chiến nhằm tiêu diệt chủ lực quân Nga, sớm kết thúc chiến tranh.

Chỉ huy liên minh Nga – Áo là tướng Kutuzov nhận thấy quân Pháp còn rất mạnh, trong khi đó 75 ngàn quân Nga đã trở nên mệt mỏi, nên chủ trương cho một cánh quân đánh chặn để cản đường quân Pháp, còn lại rút lui về hướng bắc, chờ quân Pháp vào sâu, lúc đó sẽ dễ đánh.

Kutuzov dù gặp khó khăn nhưng với tài năng đã thực hiện kế hoạch của mình rất trôi chảy. 75 ngàn quân rút lui đến Onmát, sau đó 15 ngàn quân Áo cũng chạy đến đây. Cánh quân 600 người do Bagration chỉ huy cản đường quân Pháp cũng đạt được thành công khiến quân Pháp không thể đuổi sát theo quân Nga được.

Nhưng kế hoạch rút lui này của Kutuzov lại khiến Nga Hoàng Aleksandr I hết sức giận dữ và không còn tin tưởng vào Kutuzov nữa.

Mưu kế của Napoleon

Thấy quân liên minh Nga – Áo rút xa, Napoleon nghĩ rằng muốn tiêu diệt được chủ lực quân Nga cần phải tỏ ra mình đã yếu, như thế mới dụ được quân Nga quay lại để tiêu diệt. Napoleon liền cho quân rút lui.

Quân Pháp lúc này có 53 ngàn quân liền dàn mỏng ra, làm mọi cách để liên minh nghĩa rằng quân Pháp sau một loạt cuộc chiến đã trở nên yếu.

Liên minh cho người đến gặp Napoleon đồng thời cử quân đến thám thính thì thấy quân Pháp rất mỏng không đáng ngại. Hoàng đế nước Áo là Franz II thử đưa ra đề xuất ngưng bắn thì Napoleon cũng mừng rỡ muốn hưu chiến ngay.

Napoleon cũng cho quân rút khỏi các cao điểm, trong đó có cả cao điểm chiến lược quan trọng nhất là Pratzen (ở gần Austerlitz) và Austerlitz. Đồng thời hàng ngũ quân Pháp cũng tỏ ra rối loạn khi rút lui, khiến cho quân liên minh dễ dàng lấy lại các cao điểm này.

Việc quân Pháp rút khỏi các cao điểm bị coi là ngớ ngẩn không tin được, nhưng tất nhiên Napoleon không phải là kẻ ngớ ngẩn. Vì thế phe liên minh chỉ có thể lý giải rằng quân Pháp đã thực sự đuối sau một loạt các cuộc hành quân.

Các sĩ quan quân Nga – Áo cũng tâu lên Hoàng đế của họ về tình hình quân Pháp, và cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để tấn công. Nga hoàng Aleksandr I đắc chí cho rằng quân Pháp đã suy yếu.

Dù quân Pháp lúc này chỉ có 53 ngàn quân, nhưng Napoleon đã lệnh cho các tướng Bernadotte, Mortier và Davout bí mật hành quân thần tốc lần lượt từ Iglau và thành Viên đến. Như vậy quân Pháp sẽ có được 72 ngàn quân cùng 157 khẩu pháo, sẵn sàng đấu với 85 ngàn quân Nga – Áo với 318 khẩu pháo.

Như vậy xét về lực lượng, quân Pháp ít hơn, đặc biệt là pháo binh chỉ bằng một nửa so với quân liên minh.

Hình mẫu đời thật ít biết của D’Artagnan trong Ba chàng lính ngự lâm

Thế trận của Napoleon trong trận Austerlitz

Sau khi rút lui khỏi Austerlitz cùng các cao điểm, Napoleon chọn địa điểm trận đánh ở khu vực giữa Brno và Austerlitz (ngày nay đều thuộc cộng hòa Séc), giữa chiến trường là cao điểm Pratzen.

Napoléon tại trận Austerlitz. (Tranh: François Gérard, Wikipedia, Public Domain)

Napoléon cùng các binh sĩ trước trận đánh. (Tranh: Louis-François, Baron Lejeune, Wikipedia, Public Domain)

Napolen chuẩn bị cho cả thế kìm, thế công và thế chặn trong trận Austerlitz này. Thể hiện trên bản đồ của thế trận như sau:

Thế kìm: Cánh quân của Lannes, Murat và Bécnađốt. Thế công: Cánh quân của của Sout và Ney. Thế chặn: Cánh quân của Davout.

Bản đồ bố trí quân lực của hai bên trước trận Austerlitz. Quân Pháp ở phía tây và liên quân ở phía đông. (Tranh: United States Military Academy, Wikipedia, Public Domain)

Quân liên minh họp bàn quyết định tấn công


Một hội đồng được tổ chức tại làng làng Krzenowitz vào chiều ngày 1 tháng 12 để thảo luận về trận chiến. Trong khi Nga hoàng háo hức tin vào chiến thắng, thì vua Áo là Franz lại rất dè chừng do đã phải nhận nhiều thất bại nặng nề. Chỉ huy quân liên minh là đại tướng Kutuzov vẫn bảo vệ kế hoạch của mình là dụ quân Pháp vào sâu trong hậu phương, khiến Pháp càng yếu hơn do ở xa nguồn tiếp tế. Khi đó quân Phổ tham gia vào liên minh thì sẽ đánh tan Pháp, ông khẳng định rằng “tại xứ Galicia, tôi sẽ chôn xương quân Pháp.”

Cuối cùng cuộc họp này ra quyết định là tấn công quân Pháp theo kế hoạch của viên tướng Áo là Weyrother. Nga hoàng quyết định để Weyrother chỉ huy quân liên minh. Dù Kutuzov vẫn giữ quyền tư lệnh, nhưng thực tế ông chỉ chỉ huy binh đoàn thứ 4 của Nga.

Cuộc họp kết thúc với niềm tin chiến thắng cao độ của phía liên minh.


(Còn nữa)


Trần Hưng

Thiên tài cứu châu Âu thoát khỏi Napoleon (P1)


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook