Trầm cảm, stress vì mất việc làm, công ty điêu đứng

Chia sẻ Facebook
23/02/2023 02:07:37

Từng là chủ doanh nghiệp, nhưng sau đại dịch Covid-19 ông Vũ phải thu nhỏ thị phần, các cổ đông lần lượt rời đi… khiến ông rơi vào trạng thái chán trường.

Mất việc làm nhưng luôn phải nói dối

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê (Bộ Lao động-Thương binh và xã hội), tình hình dịch Covid-19 kéo dài và phức tạp đã khiến hàng triệu người mất việc. Đột ngột mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến không ít người rơi vào trạng thái trầm cảm, căng thẳng.


Chia sẻ với Người Đưa Tin , bà Hoàng Thị Thu Nhiên - chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy (Thuộc Trung tâm hỗ trợ cộng đồng tại Hà Nội) cho biết, trong năm 2022 trung tâm tiếp nhận nhiều người mất việc làm do cắt giảm nhân sự, công ty phá sản...Và những người kinh doanh tự do nhưng gặp khó khăn vì dịch Covid và suy thoái kinh tế.


Bà Nhiên kể, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, có một bạn nữ tìm đến trung tâm trong trạng thái chán nản .


Năm 2021, N.T.N (nữ, 24 tuổi, Hà Nội ) đi làm cho một công ty, nhưng thời điểm đó công ty phá sản, phải đóng cửa. Vì không muốn gia đình lo lắng, nên hàng ngày N.T.N vẫn nói dối mình đi làm, ra khỏi nhà và lang thang các quán café đến 5h30 chiều mới trở về nhà.

Việc này lặp đi lặp lại gần một năm trời khiến N.T.N rơi vào cảm xúc dằn vặt, lo âu, chán nản, mất phương hướng sống. Sức khỏe của N.T.N cũng ảnh hưởng, sụt cân, mất ngủ thường xuyên.

“Hàng ngày bạn nữ ấy cứ đi lang thang khắp các quán, ngồi làm công việc kinh doanh online ngoài và không dám về nhà trước giờ hành chính vì sợ người thân lo lắng, mặc cảm tội lỗi vì nói dối đã khiến bạn ấy trầm cảm”, bà Nhiên kể.

Nhiều người mất việc làm do cắt giảm nhân sự, công ty phá sản... tìm đến trung tâm.

Ngoài câu chuyện của N.T.N, gần Tết năm 2023 ông Vũ (chủ một doanh nghiệp) đã tìm đến trung tâm với lý do là doanh nghiệp đổ vỡ, không còn hoạt động được như bình thường.

“Gần 8 năm gây dựng doanh nghiệp nhưng sau những năm Covid-19 thì mọi thứ đều dừng lại, chủ doanh nghiệp đó phải thu hẹp phạm vi kinh doanh, cổ đông lần lượt rời đi… người chủ doanh nghiệp này vừa mất mát về mặt kinh tế lại vừa mất mát về mối quan hệ. Khiến cho ông ấy cực kỳ mệt mỏi, đau đầu, căng thẳng, điều này cũng làm cho chất lượng cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng theo”, bà Nhiên kể.

Tìm đến trung tâm, người chủ doanh nghiệp này đã nói ra câu chuyện của mình, họ mong muốn tìm cách kéo lại mối quan hệ cũ là các cổ đông đã từng cùng nhau “trên bến dưới thuyền” … Sau những câu hỏi liên tục từ chuyên gia trong buổi trị liệu tâm lý 1:1, người chủ doanh nghiệp này đã thoát khỏi những cảm xúc tồi tệ nhất.

“Đến nay, chủ doanh nghiệp này không phải quay lại gặp tôi nữa, ông ấy cũng đã lấy lại được bản lĩnh, sự tự tin của mình trong kinh doanh”, bà Nhiên nói.

Rất cần được hỗ trợ, giải quyết kịp thời

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng- Giám Đốc Công ty TNHH Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý Dr.Psy, những tình trạng kể trên cần được tháo gỡ kịp thời.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng đưa ra các lời khuyên cho những người làm kinh doanh có khó khăn về tinh thần.


Ngoài những lời khuyên như dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục, chú ý chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng đưa ra 3 lời khuyên dành riêng cho những người làm kinh doanh có khó khăn về tinh thần (đặc biệt là trầm cảm) đó là:

Dành một khoảng thời gian vài ngày đến cả tuần để nghỉ ngơi ở một nơi với không gian mình yêu thích, sau đó viết ra những khó khăn, thuận lợi mà mình đang có kể cả về môi trường sống lẫn điều kiện sức khỏe, trí tuệ... của chính bản thân mình;

Tập trung vào một số hoạt động mà bản thân yêu thích đơn giản nhất, dễ thực hiện nhất nhằm nuôi dưỡng các sở thích và tăng năng lượng một cách hợp lý và khoa học (khi bạn nuôi dưỡng các sở thích thì các chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến hứng thú, vui vẻ và hạnh phúc sẽ được sản sinh ra, mà đặc trưng là dopamin);

Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, chuyên gia trong lĩnh vực mình đang kinh doanh hoặc tìm đến các chuyên gia tâm lý, các bác sĩ tâm thần khi bản thân đã cố gắng nỗ lực mà không thể thay đổi tình trạng công việc cũng như sức khỏe của bản thân.

Chuyên gia Hoàng Thị Thu Nhiên cho biết, nhiều người tìm tới Trung tâm hỗ trợ cộng đồng do áp lực công việc mang lại.

Còn theo chuyên gia Hoàng Thị Thu Nhiên, hiện nay, rất nhiều người gặp phải các vấn đề cần được hỗ trợ tâm lý xuất phát bởi stress căng thẳng trong học tập công việc, áp lực tài chính, kinh tế tác động. Những vấn đề cần được tháo gỡ, hỗ trợ cũng có thể chỉ là vướng mắc giữa bố mẹ và con cái, do bố mẹ chưa tìm được cách truyền đạt ngôn từ hiệu quả với con để tìm được tư tưởng chung.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, những người này lại không biết tìm tới đâu để được tháo gỡ. Trong nước hiện chưa có bất cứ một tổ chức xã hội nào được định danh cụ thể để hỗ trợ tâm lý giúp tháo gỡ cho những người này.

Đáng quan tâm, nếu các vấn đề tâm lý không được tháo gỡ kịp thời thì nhiều nạn nhân bị stress kéo dài và diễn tiến thành bệnh tâm thần, ảnh hưởng trực tiếp tới bản thân nạn nhân cũng như tới xã hội.

Để giải quyết các vấn đề tâm lý, mỗi người phải mất thời gian khác nhau. Bà Nhiên cho biết, có những người cần hỗ trợ chỉ một vài buổi nhưng cũng có những người cần sự hỗ trợ kéo dài tới cả năm.

Hơn 4,4 triệu người mất việc, giảm giờ làm… vì Covid-19


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dù Covid-19 đã được kiểm soát tuy nhiên trong quý III/2022, cả nước vẫn ghi nhận 4,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, giảm gần một nửa (3,6 triệu người) so với quý trước.


Trong tổng số hơn 4,4 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, có 0,3 triệu người bị mất việc; 1,3 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, 1,2 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 3,6 triệu lao động bị giảm thu nhập .


*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi


Thanh Lam

Chia sẻ Facebook