Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài: Thu thừa gần 200 tỷ đồng, sao chưa dỡ trạm?

Chia sẻ Facebook
13/10/2022 17:07:22

Là trạm thu phí có nhiều bất cập, tuy nhiên trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài lại không nằm trong danh sách 8 trạm/dự án đầu tiên được Bộ GTVT đề xuất mua lại.


Điều đáng nói, đến nay chủ đầu tư trạm BOT này đã thu được số tiền vượt tổng mức đầu tư dự án đường tại Vĩnh Phúc nhưng vẫn chưa dỡ bỏ. Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, đã yêu cầu Cục Đường bộ đưa ra phương án xử lý.


Vượt 37% tổng mức đầu tư

Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài đã thu phí khoảng 13 năm


Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngoài 8 dự án đang có bất cập về vị trí đặt trạm thu phí và doanh thu bị âm vừa được Bộ GTVT đề xuất chi ngân sách mua lại, hiện trên cả nước vẫn còn 3 trạm đặt ngoài phạm vi dự án, đang bị người dân phản đối.

Cụ thể, các trạm nói trên gồm: trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (đặt trên tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài, nay là đường Võ Văn Kiệt); trạm thu phí Cai Lậy đặt trên QL1 (Tiền Giang) và trạm thu phí BOT đặt trên QL26 (Khánh Hòa).

Do tình trạng dự án một nơi, trạm thu phí một nẻo nên từ sau khi trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài đi vào hoạt động đến nay, nhiều người tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội cũng như đại biểu Quốc hội rất bức xúc, thường xuyên có ý kiến chất vấn. Ngay đại diện UBND thành phố Hà Nội cũng có nhiều văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị cần di dời trạm.

Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, đặt trên đường Võ Văn Kiệt, Hà Nội để thu phí cho dự án đường tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã hoạt động từ 13 năm nay.

Theo hợp đồng BOT được ký giữa đại diện Bộ GTVT là Tổng Cục đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ) và nhà đầu tư dự án là Tổng Cty Cổ phần Thương mại xây dựng, thuộc Bộ GTVT, tổng giá trị hợp đồng đầu tư dự án là 531 tỷ đồng. Để hoàn vốn tuyến đường, nhà đầu tư dự án được Tổng cục Đường bộ ký hợp đồng BOT đặt trạm thu phí trong vòng 16 năm 10 tháng kể từ 1/9/2009.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, đến hết năm 2021, nhà đầu tư tại trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài đã thu được tổng số tiền hơn 730 tỷ đồng. Trong khi tổng mức đầu tư dự án đường tránh chỉ là 531 tỷ đồng.

Như vậy số tiền nhà đầu tư thu được đã vượt 199 tỷ đồng - tương đương 37%. Con số này cũng đã được đại diện Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), Bộ GTVT xác nhận với PV Tiền Phong.


4 phương án cho trạm thu phí đặt “nhầm” chỗ

Trước các ý kiến của cử tri và UBND thành phố Hà Nội, đại diện Bộ GTVT cho biết, từ nhiều năm qua Bộ GTVT đã thống nhất việc di dời trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài từ Hà Nội về phạm vi dự án ở đường tránh thành phố Vĩnh Yên, tuy nhiên sau đó có phát sinh một số vướng mắc khác, trong đó có việc nhà đầu tư không đồng ý nên đến nay vẫn chưa di dời được trạm thu phí này. Bộ GTVT hiện đã giao cho Cục ĐBVN (cơ quan ký hợp đồng BOT) đưa ra giải pháp xử lý.

Trao đổi với VP Tiền Phong, đại diện Cục ĐBVN cho biết, Cục vừa xây dựng xong phương án xử lý trạm thu phí. Theo đó, Cục ĐBVN đưa ra 4 phương án trình Bộ GTVT lựa chọn, gồm: Phương án 1 - Giữ nguyên vị trí trạm, không tăng giá vé đến hết hợp đồng dự án; Phương án 2 - Di chuyển trạm về tuyến tránh Vĩnh Yên; Phương án 3 - Mua lại dự án; Phương án 4 - Mua lại dự án theo phương án tài chính của hợp đồng BOT.

“Hiện cả 4 phương án này đã được Cục ĐBVN xây dựng xong và trình Bộ GTVT lựạ chọn, quyết định phương án thực hiện”, đại diện Cục ĐBVN nói.

Đại diện Cục ĐBVN cho biết, Cục thiên về phương án di chuyển trạm về tuyến tránh Vĩnh Yên, sau đó kết hợp tổ chức lại giao thông cho phù hợp.

Chia sẻ Facebook