Trái phiếu doanh nghiệp ''vàng thau lẫn lộn'': Ai bảo vệ nhà đầu tư?

Chia sẻ Facebook
12/10/2022 10:29:00

Là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế nhưng thời gian qua do phát triển “nóng” nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) dần bộc lộ khoảng tối. Trong khi chờ quy định bảo vệ nhà đầu tư từ cơ quan quản lý, mỗi nhà đầu tư cần tự nâng cao hiểu biết để tránh nguy cơ “tiền mất tật mang”.

Trái phiếu doanh nghiệp ''vàng thau lẫn lộn'': Ai bảo vệ nhà đầu tư?


Mua theo phong trào, nhận trái đắng

Do trái phiếu có độ rủi ro cao, trong văn bản quy định về phát hành TPDN riêng lẻ, Bộ Tài chính nêu rõ, đối tượng mua là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế chạy theo lãi suất cao, nhiều cá nhân tìm cách “lách” để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, hoặc thông qua hợp đồng như hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư để bằng mọi cách mua TPDN. Đặc biệt, một trong những kênh đưa cá nhân không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp mua TPDN qua sự môi giới, giới thiệu của nhân viên phòng giao dịch ngân hàng và sự môi giới của công ty chứng khoán.

Nhiều người mua TPDN qua môi giới của công ty chứng khoán mà chưa tìm hiểu kỹ thông tin về trái phiếu (Ảnh minh hoạ).

Sau một thời gian phát triển nóng, những khoảng tối trên thị trường TPDN bắt đầu bộc lộ. Trong vụ lãnh đạo công ty A.Đ bị khởi tố do sai phạm trong phát hành TPDN, nhiều nhà đầu tư tìm đến phòng giao dịch ngân hàng - nơi tư vấn chào mời mua TPDN của công ty A.Đ đã thất vọng vì nhân viên tư vấn “chối bỏ” trách nhiệm.

Chị Đặng Thu Phương (Hà Nội) một trong những nhà đầu tư mua trái phiếu này chia sẻ: “Lúc đầu, tôi sơ suất không tìm hiểu về TPDN, nghe nhân viên ngân hàng tư vấn lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm, có ngân hàng bảo lãnh nên ký mua TPDN. Đến nay, tôi ngồi trên đống lửa không biết khi nào mới tất toán được TPDN. Khi DN xảy ra vấn đề, tôi đọc kỹ thì TPDN của DN không niêm yết, không có tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm. Chúng tôi chỉ biết chờ đợi”, chị Phương chia sẻ.

Tâm trạng của chị Phương cũng giống như hàng trăm nhà đầu tư mua TPDN của những doanh nghiệp phát hành mà không có tài sản đảm bảo, không niêm yết. Ngoài chờ tất toán TPDN, nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ chỉ biết “thở dài” vì trót mua TPDN theo phong trào nhiều nhất qua “kênh” môi giới là công ty chứng khoán. Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm 2022, trên thị trường sơ cấp, tổ chức tín dụng mua 46,1% TPDN, công ty chứng khoán mua 22,4%, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 10,1%. Tuy nhiên, trên thị trường thứ cấp, sau khi mua trái phiếu, công ty chứng khoán chủ yếu bán lại cho nhà đầu tư cá nhân khiến lượng nắm giữ của cá nhân tăng lên 32,6%.

Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, tổng khối lượng phát hành TPDN trong nước năm 2021 đạt 658.000 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu phát hành ra công chúng (vốn được đánh giá là có chất lượng cao) chỉ đạt 5%, tỉ lệ phát hành riêng lẻ (với chất lượng lẫn lộn) hơn 95%. Đặc biệt, có tới hơn 49% khối lượng TPDN phát hành trong năm 2021 không có tài sản bảo đảm.

“Mặc dù tỉ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường”, Bộ Tài chính từng cảnh báo.


TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam ( BIDV ) cho rằng, trái chủ cần bình tĩnh chờ đợi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, kiểm tra. Cơ quan chức năng sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân và nhà đầu tư. Trách nhiệm đơn vị môi giới, tư vấn với trường hợp TPDN xảy ra vấn đề cần chờ kết luận của cơ quan điều tra. Vì đơn vị tư vấn môi giới nhưng quyết định cuối cùng mua TPDN vẫn do cá nhân nhà đầu tư. Trong thời gian tới, trách nhiệm của đơn vị môi giới, tư vấn phát hành được quy định rõ ở Nghị định 65/2022.


Sau buông lỏng phải mạnh tay

Theo TS Phan Phương Nam, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, rủi ro của thị trường TPDN đã được cảnh báo từ lâu. Sau thời gian phát triển nóng, giờ là thời điểm Nhà nước cần mạnh tay sau thời gian buông lỏng quản lý. Trong trường hợp TPDN An Đông, cơ quan quản lý nhà nước nên có giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán tài sản để có khoản tiền trả nợ cho trái chủ.

“Trường hợp TPDN không có tài sản bảo đảm nên DN thu xếp được số tiền bao nhiêu sẽ trả bấy nhiêu cho trái chủ. Đây là bài học lớn cảnh báo cho nhà đầu tư cần nghiêm túc hơn khi mua TPDN. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nhầm lẫn giữa bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán nghĩa vụ trả nợ trái phiếu. Nhà đầu tư cũng cần đọc kỹ hơn hồ sơ phát hành của DN. Bộ Tài chính cần giám sát quá trình xử lý tài sản của DN để mang lại quyền lợi tốt nhất cho nhà đầu tư, chứ không thể đảm bảo quyền lợi cho tất cả nhà đầu tư”, TS Nam đánh giá.

Theo ông Nam, với các đợt DN phát hành TPDN, những đơn vị tư vấn, đại lý phát hành cần có thêm quy định phải mua bảo hiểm tài chính. Gói bảo hiểm này nhằm một phần bù đắp cho nhà đầu tư khi sự cố xảy ra. Tuy nhiên, DN bảo hiểm của Việt Nam chưa mặn mà với lĩnh vực này. Đó là cơ chế bảo vệ nhà đầu tư đang bị bỏ ngỏ.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá, Nghị định 65 về TPDN vừa được ban hành là bước tiến dài về phương diện phát triển thị trường trái phiếu nhưng không giải quyết được vấn đề ngắn hạn. Về dài hạn, Nghị định 65 giúp hoàn thiện quy định về phát hành TPDN riêng lẻ.

Điều này mở ra con đường cho doanh nghiệp phát hành nhỏ lẻ (phát hành trái phiếu vay dưới 500 tỷ đồng và dưới 50% vốn chủ sở hữu) không cần xếp hạng. Đây là tiến bộ lớn nhưng không giúp giải quyết vấn đề ngắn hạn đáo nợ cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Theo ông Nghĩa, nếu có cách xử lý không phải hình sự hóa thì có thể bán tài sản của doanh nghiệp để trả cho nhà đầu tư.

Ngọc Linh


Tiền phong

Chia sẻ Facebook