Trái phiếu doanh nghiệp được gỡ khó: Doanh nghiệp mong trái chủ đồng hành
Mấy tháng trở lại đây, nhiều chủ doanh nghiệp bất động sản tất bật chạy ngược xuôi tìm mối bán rẻ dự án, vay nóng - vay nguội với lãi suất cao để có tiền mặt thanh toán các lô trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, thậm chí chưa tới hạn. Nghị định 08 đã mở ra cho họ một lối đi dù còn nhiều gập ghềnh...
Trái phiếu doanh nghiệp được gỡ khó: Doanh nghiệp mong trái chủ đồng hành
Mấy tháng trở lại đây, nhiều chủ doanh nghiệp bất động sản tất bật chạy ngược xuôi tìm mối bán rẻ dự án, vay nóng - vay nguội với lãi suất cao để có tiền mặt thanh toán các lô trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, thậm chí chưa tới hạn. Nghị định 08 đã mở ra cho họ một lối đi dù còn nhiều gập ghềnh...
Thanh toán bằng BĐS hình thành trong tương lai?
Chủ một tập đoàn bất động sản (BĐS) đang có một lượng trái phiếu phát hành khá lớn ở TP.HCM cho biết quy định của Nghị định 08 đã mở ra một cơ hội cho doanh nghiệp (DN) trong việc thương lượng với các trái chủ. Bởi trước khi nghị định ra đời, các chủ DN bị nhà đầu tư ép "ra bã", kể cả với các trái phiếu DN chưa đến hạn thanh toán. "Họ đòi thanh lý, nếu không sẽ tố cáo. Đó là lý do một số DN phải cố gắng xoay xở tiền để thanh toán trái phiếu trước hạn. Chứ tầm này, tiền mặt hiếm như mò trăng đáy bể", vị này than và giải thích lý do khan tiền vì hàng bán không được, ngân hàng không cho vay, thậm chí bán rẻ dự án cũng không ai mua vì thị trường đang ở giai đoạn tất cả đều khó khăn như nhau.
"Vì thế, Nghị định 08 quy định việc đàm phán là dân sự và được kéo dài trong 2 năm nên dễ thở hơn rất nhiều cho DN. Quy định mới cũng giúp tạo thời gian, hành lang pháp lý cho các DN xoay xở, đàm phán với trái chủ thay vì DN phải đứng trước bờ vực phá sản, tuyên bố vỡ nợ". Dù vậy, ông cũng thừa nhận, những cái "dễ thở hơn một chút" này chủ yếu là về mặt tâm lý. Còn đàm phán như thế nào vẫn phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư, những người sẽ quyết định phương thức thanh toán. "Việc huy động một lượng tiền lớn trong lúc thị trường đóng băng, ngân hàng không cho vay như một cơn ác mộng vô cùng khủng khiếp", ông nói.
Tiền mặt không có, thanh toán bằng các BĐS hình thành trong tương lai là giải pháp gần như khả quan nhất đối với nhiều DN. Lãnh đạo một công ty nói, ông đang họp lại với các chuyên gia của mình để lên phương án cụ thể như trả bằng BĐS nào, phương thức ra sao. "Chúng tôi chỉ mong các nhà đầu tư đồng hành để DN có thể "sống", tạo dòng tiền, sản phẩm BĐS tốt thanh toán cho họ. Nếu các nhà đầu tư vẫn kiên quyết lấy gốc và lãi bằng tiền mặt thì chúng tôi cũng không có cách nào khác vì những cái gì bán được để lấy tiền mặt chúng tôi đã bán". Theo phương án mà DN dự kiến, giá trị BĐS thường lớn nên có thể chia nhỏ để trả cho các nhà đầu tư cùng đứng tên trên một sản phẩm. Giá các BĐS hoán đổi cũng sẽ được giảm mạnh. "Chúng tôi chấp nhận chịu thiệt để tiến trình thanh toán được dễ dàng hơn", vị này cho biết thêm.
Đa số DN BĐS phát hành trái phiếu cho rằng, Nghị định 08 giúp giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn rất nhiều, dễ thở hơn. Nhưng áp lực mới là tổ chức phát hành phải lo phương án đàm phán với trái chủ để gia hạn hoặc hoán đổi tài sản. Việc đàm phán với các trái chủ là tổ chức sẽ dễ dàng hơn đàm phán với các cá nhân. Trong trường hợp đàm phán không thành thì việc đưa nhau ra tòa là phương án cuối cùng. Như vậy, nếu không khéo léo, có thể nổ ra các cuộc khiếu kiện giữa DN và trái chủ, làm phức tạp thêm tình hình.
Cơ hội cho cả hai bên
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS VN, nhận xét: Quy định tại Nghị định 08 mở ra cơ hội đàm phán, đi đến thống nhất phương án thanh toán nợ phù hợp với tình hình tài chính của nhiều DN hiện nay. Đồng thời, nghị định cũng tận dụng được tài sản sẵn có của các DN vào quá trình thanh toán nợ cho trái chủ. Việc các trái chủ có thể nhận tài sản khác, ví dụ là BĐS cũng là lựa chọn tốt có thể tham khảo khi không chấp nhận các điều kiện gia hạn nợ của tổ chức phát hành. Dù là giải pháp tạm thời nhưng cũng có tác động tích cực đến thị trường trái phiếu DN. Nếu các bên có thể đi đến thống nhất được theo một trong các phương án là gia hạn nợ hoặc hoán đổi tài sản thì sẽ giảm đáng kể nguy cơ vỡ nợ trái phiếu của nhiều tổ chức phát hành hiện tại.
Ông Đính khuyến cáo, với các quy định này, DN phải nâng cao tính chủ động, trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền lợi cho trái chủ. Ngược lại, các trái chủ cũng cần xem xét kỹ lưỡng các điều khoản, thông tin sát thực về hoạt động sản xuất của DN để tránh bị thiệt hại về sau. Ví dụ như DN tạo áp lực buộc trái chủ phải chấp nhận gia hạn nợ với nhiều điều kiện bất lợi cho họ. Điều này có nghĩa là trái chủ có thể phải chấp nhận thực tế vì không có lựa chọn nào khác. Rủi ro trước mắt có thể giảm bớt, nhưng rủi ro đó chưa được xử lý dứt điểm mà lại được đẩy lùi về tương lai trong 1 - 2 năm tới khi gặp phải trường hợp DN không thể tái cấu trúc tài chính thành công và việc không thể thu nguồn lực trả nợ. Do vậy, để tạo ra được chuyển biến tích cực thì sau Nghị định 08, các DN phải thực sự có thiện chí trong việc đàm phán với trái chủ để có được phương án gia hạn nợ hợp lý hoặc hoán đổi tài sản với giá thị trường.
"Nghị định 08 sẽ cứu nhiều DN giảm được nguy cơ vỡ nợ trong thời gian ngắn, có thời gian để tái cấu trúc. Về lâu dài, các DN phát hành trái phiếu nhiều phải tự tìm ra giải pháp cứu mình. Cơ quan quản lý cũng cần có thêm nhiều chính sách khác vực dậy niềm tin cho nhà đầu tư", ông Đính nhấn mạnh.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nhận định: "Quy định cho phép đổi trái phiếu (cả gốc và lãi) lấy tài sản khác như: căn hộ, nhà phố, biệt thự, đất, cổ phần, cổ phiếu, giấy tờ có giá… đã mở ra cánh cửa cho cả DN và nhà đầu tư. Việc đàm phán sẽ tốn nhiều thời gian để hai bên đạt được thỏa thuận dù vẫn có thể có trường hợp không đạt được thỏa thuận với một số ít trái chủ. Nhưng dù sao đây vẫn là cơ hội cho cả hai, đặc biệt là cho DN trong lúc cạn kiệt tiền mặt hiện nay". |
Nhận định về khả năng đàm phán giữa tổ chức phát hành với trái chủ, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, cho rằng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện đưa ra, sự thiện chí của tổ chức phát hành trái phiếu và trái chủ. Trong bối cảnh nhiều tổ chức phát hành lâm vào cảnh cùng quẫn thì cả hai bên chỉ còn cách đưa ra lựa chọn hướng giải quyết ít rủi ro, bất lợi nhất có thể, khó tránh khỏi thiệt hại. Yếu tố may mắn trở nên quan trọng chứ chưa thể nói trước được điều gì. Về trường hợp xẻ nhỏ tài sản BĐS thành nhiều cổ phần, rồi chi trả cho các trái chủ đứng tên là một cách giải quyết nhưng theo ông Đức, cách này cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến hình thức sở hữu, phức tạp khi giao dịch.
"Ví dụ, trường hợp tập thể sở hữu đó có thể ủy quyền ngay từ đầu cho một hoặc một số người đại diện giao dịch. Nhưng trường hợp có chủ sở hữu bị chết đi thì cũng lại phức tạp, khó giải quyết", ông Đức đặt ra tình huống.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM , đánh giá: Nghị định cho phép DN có thể đàm phán thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện, tuân thủ quy định của pháp luật dân sự. Nhưng để hiệu quả, đòi hỏi sự thiện chí, chân thành và tinh thần hợp tác của cả hai bên, vì sự tồn tại của DN và vì quyền lợi của trái chủ. Làm sao để DN có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh, tiếp tục làm ra tiền để trả nợ. Đồng thời trái chủ cũng thể hiện sự đồng hành với DN trên tinh thần thấu hiểu và chia sẻ trong lúc khó khăn này bởi nhiều trường hợp có "đánh chết", DN cũng không có tiền mặt mà trả.
Đình Sơn - Lê Quân
Thanh niên