Trái phiếu doanh nghiệp cần sự ổn định

Chia sẻ Facebook
14/11/2022 14:07:50

Khi lượng trái phiếu khổng lồ bắt đầu đáo hạn, các doanh nghiệp lẽ ra cần phải có điều kiện huy động vốn nhiều hơn để tái tài trợ cho nguồn vốn đến hạn này, nhưng các cơ chế kiểm soát lại đang thắt chặt quá mức, làm cho doanh nghiệp gần như không còn đường xoay xở. Khi niềm tin dành cho kênh đầu tư này đang xuống mức thấp nhất, không chỉ việc phát hành ngày càng khó khăn trong việc đáp ứng các quy định, ngay cả nếu đáp ứng được cũng chưa chắc thành công vì người sẵn sàng mua đã không còn dễ dãi như trước.

Trái phiếu doanh nghiệp cần sự ổn định

Những khó khăn

Dù đã được dự báo trước những khó khăn đang đối mặt, nhưng thông tin chỉ có 1 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trong tháng 10 thành công khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Diễn biến này cho thấy kênh đầu tư từng nóng sốt một thời đang trở nên nguội lạnh trước những nỗi e ngại lớn hơn bao giờ hết trong thời điểm hiện nay.

Cụ thể, theo báo cáo tháng 10/2022 của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng vừa qua chỉ có đúng 1 doanh nghiệp là Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo phát hành thành công 210 tỷ đồng trái phiếu. Lượng phát hành giảm đến 99% so với tháng trước và giảm gần 100% so với cùng kỳ tháng 10/2021.

Tính lũy kế 10 tháng, giá trị TPDN đã phát hành cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là gần 10,600 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước; còn giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ hơn 240.7 tỷ đồng, cũng giảm đến 51% so với cùng kỳ năm trước.

Thật ra, hoạt động của thị trường TPDN đã bắt đầu phát sinh vấn đề và những khó khăn từ đầu tháng 4 năm nay, sau khi những vi phạm về các lô phát hành trái phiếu liên quan đến tập đoàn Tân Hoàng Minh bị công bố. Gần đây hơn là tập đoàn Vạn Thịnh Phát với các lô phát hành trái phiếu liên quan đến CTCP Tập đoàn đầu tư An Đông. Thực tế, theo diễn biến phát hành TPDN từ đầu năm đến nay, mỗi khi có những sự cố liên quan đến các doanh nghiệp phát hành trái phiếu là ngay sau đó thị trường rơi vào trầm lắng.

Ngoài ra, với Nghị định 65/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 16/9/2022, với những thay đổi, bổ sung quan trọng về mục đích, nguyên tắc phát hành trái phiếu, dẫn đến các doanh nghiệp cần thời gian thích nghi và đáp ứng các điều kiện mới này. Đơn cử như quy định mới đã bỏ hẳn mục đích phát hành để tăng quy mô vốn hoạt động mà chỉ còn các mục đích như để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Với lượng vốn huy động trước đây có thể đã đổ vào các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh, để có tiền tất toán các trái phiếu khi đáo hạn, các doanh nghiệp thông thường sẽ phát hành lượng trái phiếu mới để cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những khó khăn hiện nay, trong đó không ít doanh nghiệp còn phải xoay tiền để mua lại trái phiếu trước hạn, do đó, việc phát hành thêm trái phiếu mới là không dễ dàng, mà diễn biết TPDN phát hành trong tháng 10 vừa qua là minh chứng rõ nhất.

Đáng lưu ý là Nghị định 65 cũng bổ sung những điều khoản quan trọng về việc mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu. Trong đó nội dung đáng chú ý là doanh nghiệp bắt buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn khi doanh nghiệp có những vi phạm pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, phương án phát hành trái phiếu, mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.

Nói cách khác, những doanh nghiệp nào thời gian qua đã phát hành trái phiếu nhưng sử dụng vốn không đúng với mục đích, phương án phát hành theo thông tin đã công bố cho nhà đầu tư, giờ đây buộc phải nhanh chóng mua lại trái phiếu trước hạn nếu không muốn bị thanh tra và phát hiện những sai phạm, đối mặt với các rủi ro về pháp luật. Vì vậy, không có gì lạ khi tính từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã mua lại gần 147.5 ngàn tỷ đồng TPDN, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021.

Quan trọng là sự ổn định

Ngoài lượng trái phiếu mua lại trước hạn, các thống kê cũng cho thấy lượng TPDN riêng lẻ đến hạn thanh toán trong quý 4/2022 và năm 2023 vào khoảng 60.000 tỷ đồng và 260.000 tỷ đồng; trong đó các tháng có số lượng đáo hạn lớn nhất là tháng 12/2022 với gần 47.6 ngàn tỷ đồng, tháng 9/2022 hơn 42 ngàn tỷ đồng và tháng 12/2023 gần 50 ngàn tỷ đồng.

Với lượng vốn huy động trước đây có thể đã đổ vào các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh; để có tiền tất toán các trái phiếu khi đáo hạn, các doanh nghiệp thông thường sẽ phát hành thêm trái phiếu để cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những khó khăn hiện nay, trong đó không ít doanh nghiệp còn phải xoay tiền để mua lại trái phiếu trước hạn, cho nên việc phát hành thêm trái phiếu mới là không dễ dàng, mà diễn biết TPDN phát hành trong tháng 10 vừa qua là minh chứng rõ nhất.

Điều quan trọng hơn là với niềm tin dành cho thị trường này đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay, không chỉ xuất phát từ những vi phạm của các doanh nghiệp phát hành, mà ngay cả các tổ chức trung gian bảo lãnh, tư vấn phát hành và phân phối cho các nhà đầu tư trước đây, cũng đang tìm cách thoái thác những mối quan hệ, vai trò liên quan, khiến các nhà đầu tư càng thêm e ngại và do đó khó lòng tiếp tục tham gia vào kênh đầu tư từng rất thu hút này.

Trong khi đó, kênh tiếp cận vốn tín dụng cũng đang có những hạn chế nhất định do mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành nói chung và dư địa, chính sách phát triển tín dụng nói riêng của từng ngân hàng cũng đang được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhằm tránh gây áp lực thêm lạm phát, tỷ giá và lãi suất, hạn chế các bất ổn vĩ mô và phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn.

Một giải pháp khác mà các doanh nghiệp có thể sử dụng là tăng vốn điều lệ để xoay sở nguồn tiền chi trả cho các trái phiếu đến hạn. Nhưng nhìn vào diễn biến của thị trường chứng khoán trong hơn 6 tháng qua, không chỉ các cổ phiếu penny, đầu cơ lao dốc mạnh, ngay cả những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, hoạt động kinh doanh vẫn tăng trưởng ổn định, cũng chịu chung số phận theo xu hướng thị trường chung. Có thể thấy việc tăng vốn của các công ty hiện nay cũng không hề dễ dàng.

Những diễn biến trên cho thấy khả năng huy động vốn, sự ổn định  dòng tiền của các doanh nghiệp đang đối mặt với những thách thức lớn đến thế nào. Đơn cử như trường hợp TPDN, những năm trước phát triển quá mạnh mẽ, dù vẫn có những lời cảnh báo từ phía các cơ quan quản lý và các chuyên gia, nhưng rõ ràng các cơ chế, hành động giám sát, ngăn chặn còn ít nhiều hạn chế và chưa phát huy hết hiệu quả.

Và giờ đây, khi lượng trái phiếu khổng lồ này bắt đầu đáo hạn, doanh nghiệp gần như không còn đường xoay xở, trong khi niềm tin của nhà đầu tư rơi xuống mức thấp nhất. Chưa kể các tổ chức trung gian tư vấn, bảo lãnh phát hành hay tích cực phân phối, tìm người mua trong giai đoạn trước đây giờ cũng đã chùn tay.

Nhung Võ

Chia sẻ Facebook