Trái ngược với giao dịch "heo hút" trên thị trường cơ sở, thanh khoản phái sinh lại suýt phá kỷ lục
Trong phiên 13/10, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (VN30F1M) tháng 10 đạt xấp xỉ 500.000 hợp đồng, cao thứ 2 trong lịch sử chỉ kém đôi chút so với phiên kỷ lục 21/6.
Trong bối cảnh thanh khoản thị trường cơ sở gần như mất hút, thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục thu hút dòng tiền mạnh mẽ. Trong phiên giao dịch 13/10, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (VN30F1M) tháng 10 đạt xấp xỉ 500.000 hợp đồng, tương ứng giá trị vượt hơn 50.000 tỷ đồng (~2,2 tỷ USD). Đây là mức thanh khoản cao thứ 2 trong lịch sử chỉ xếp sau mức kỷ lục từng ghi nhận vào phiên ngày 21/6.
Phiên hôm nay (13/10) chứng kiến thị trường phái sinh liên tục biến động mạnh, tạo ra không ít cơ hội lướt sóng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nhiều rủi ro. Kết phiên, VN30F2210 (Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 10) đóng cửa tăng 14,5 điểm lên 1.039,6 điểm, độ lệch kéo dãn tới âm 11,6 điểm. Tuần sau, hợp đồng tương lai này sẽ đáo hạn.
Thực tế, giao dịch phái sinh đã liên tục tăng mạnh từ giữa tháng 9, thời điểm thị trường cơ sở bắt đầu biến động không thuận lợi. Theo số liệu từ HNX, khối lượng giao dịch bình quân VN30F1M trong tháng 9 đạt 253.723 hợp đồng/phiên, tăng 29,5% so với tháng trước. Giá trị giao dịch bình quân cũng tăng 24,5% lên đạt 31.143 tỷ đồng. Khối lượng mở (OI) hợp đồng tương lai VN30 tăng 17,13% so với tháng trước, đạt 49.476 hợp đồng tại phiên giao dịch cuối tháng 9/2022. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh cũng không ngừng tăng lên và vượt hơn 1,1 triệu tài khoản vào cuối tháng 9.
Có thể thấy, ngoài một phần rút khỏi thị trường quay về sản xuất kinh doanh, và các kênh đầu tư khác như bảo hiểm, gửi tiết kiệm ngân hàng, không loại trừ khả năng một phần dòng tiền từ cơ sở đã chuyển sang phái sinh để tìm kiếm khả năng sinh lời hoặc phòng ngừa rủi ro trong giai đoạn khó khăn. Dòng tiền sôi động trên thị trường chứng khoán phái sinh giai đoạn này có thể lý giải như sau:
Thứ nhất , nhiều nhà đầu tư đã bán cổ phiếu cơ sở trong nhịp giảm điểm vừa qua của thị trường. Sau đó thị trường bật hồi trở lại khiến nhà đầu tư không còn vị thế, việc mua mới nhiều rủi ro do đó nhiều nhà đầu tư tìm đến thị trường chứng khoán phái sinh để giao dịch ngắn hạn trong lúc chờ đợi cơ hội ở thị trường chứng khoán cơ sở với điểm mua vào hấp dẫn hơn.
Thứ hai , một số nhà đầu tư dùng chứng phái sinh để phòng hộ cho danh mục chứng khoán cơ sở. Đây cũng là ý nghĩa của thị trường chứng khoán phái sinh giúp nhà đầu tư phòng hộ rủi ro (Hedging). Nghiệp vụ Hedging của chứng khoán phái sinh sẽ giúp nhà đầu tư bảo vệ danh mục đầu tư liên quan đến biến động giá của tài sản. Thông thường nhà đầu tư nắm giữ nhiều hàng cơ sở thường chọn vị thế Short để phòng hộ danh mục và ngược lại.
Thứ ba , tỷ lệ đòn bẩy cao cũng là một yếu tố thúc đẩy giao dịch phái sinh sôi động. Theo quy định của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), tỷ lệ ký quỹ giao dịch chứng khoán phái sinh là 13% giá trị hợp đồng. Mặc dù các công ty chứng khoán thường quy định mức cao hơn, từ 15-20% để phòng ngừa rủi ro nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường cơ sở ngay cả khi sử dụng margin.
Về cơ bản, nhu cầu kiếm lời từ phái sinh để bù lỗ cho thị trường cơ sở là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng khi quyết định mở vị thế long/short để tránh tình trạng “cháy nhà 2 đầu” và tốt nhất chỉ nên dùng chứng khoán phái sinh như một sản phẩm phòng hộ cho danh mục cơ sở.