Trải nghiệm ngắm và săn ảnh chim di cư ở Cần Giờ
Trong hai ngày cuối tháng 3, nhóm nhiếp ảnh gia gồm các tay máy nổi tiếng về chụp chim hoang dã đã về Cần Giờ (TP.HCM) để cùng tham gia vào một sự kiện đặc biệt: Chào tạm biệt chim di cư.
Đây là sự kiện do Bird Life (Hiệp hội các tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng chim và môi trường sống của chúng) và Wild Tours phối hợp tổ chức.
Cần Giờ có khu dự trữ sinh quyển với rừng ngập mặn, bờ biển, ruộng muối vốn là địa điểm dừng chân kiếm ăn quen thuộc với các loài chim nước di cư. Tháng 3 là thời điểm chúng trở lại nghỉ ngơi, trước khi tiếp tục hành trình về nơi chúng xuất phát ban đầu.
Các tay máy Tăng A Pẩu, Sâm Thương, Thuần Võ... và các nhà khoa học như TS Trần Triết (giám đốc Chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á), TS Nguyễn Hoài Bảo (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) tham gia sự kiện này. Là những người yêu thiên nhiên, họ đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ chim và động vật hoang dã trong nhiều năm qua.
Ngoài các nhiếp ảnh gia, khá nhiều học sinh cũng được phụ huynh đưa đến để cùng hòa vào các hoạt động của chương trình. Các em được các nhà điểu học cung cấp thông tin về các loài chim và việc cần thiết phải bảo vệ chúng, được hướng dẫn ngắm những chú chim đang sinh hoạt, được các tay máy hướng dẫn và hỗ trợ chụp ảnh chim tại các bãi ăn của các loài chim nước ở đây.
Theo chị Trâm Lê - một phụ huynh có con tham gia, đây là một hoạt động vô cùng bổ ích, vừa giúp trẻ có thêm kiến thức và tình yêu thiên nhiên vừa giúp các em có tâm lý thoải mái để giảm bớt sự mệt mỏi trong học tập.
Ở khu lấn biển TP Rạch Giá (Kiên Giang) những ngày qua, hải âu về nhiều khiến du khách mê đắm, tập trung ra đây ngắm chim sải cánh chao liệng.