Trải nghiệm 400 km cùng VinFast VF e34 - lái thế nào, khác biệt ra sao so với xe xăng?

Chia sẻ Facebook
14/04/2022 11:36:19

VinFast VF e34 có vẻ được thiết kế để người dùng ít bỡ ngỡ nhất khi chuyển từ xe xăng sang xe điện. Tuy nhiên, nó vẫn sở hữu những điểm thú vị chỉ có ở xe điện.

Xe điện là thứ gì đó còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam. Cũng do đó, mỗi ngày tôi đều bắt gặp những câu hỏi dạng như đi xe điện khác gì xe xăng? Đi xe điện cần lưu ý điều gì? Có nên mua xe điện thời điểm này hay chưa?

Rất may mắn là dịp đầu tháng 4, tôi có cơ hội tham dự một hành trình do VinFast tổ chức với tổng cộng 111 chiếc xe điện VF e34 trong một đoàn caravan di chuyển từ thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đến mũi Sa Vĩ (Móng Cái, Quảng Ninh - điểm cực Đông Bắc của Việt Nam) với tổng quãng đường đi và về là gần 400 km (gần 200 km mỗi chiều).

Thật ra trước đó, đây không phải là lần đầu tiên được trải nghiệm VF e34 bởi trước đó, tôi đã có cơ hội cầm lái chiếc xe này nhưng chỉ di chuyển trong khuôn viên nhà máy của VinFast tại Hải Phòng. Chỉ đến khi tham dự hành trình này, tôi mới có được trải nghiệm một cách cơ bản nhất về chiếc xe điện phổ thông của VinFast, trả lời những câu hỏi mà bản thân tôi và nhiều người khác thắc mắc về VF e34.

Một hành trình không quá dài, nhưng chiếc xe cũng kịp di chuyển qua nhiều dạng địa hình khác nhau: có những đoạn "vừa đi vừa bò" ở đô thị, di chuyển tốc độ khoảng 100 km/h trên đường cao tốc và cả những đoạn leo dốc, đổ đèo, ôm cua "nhè nhẹ" để thử độ ổn định của xe.

Lái VF e34 thế nào?

Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là trải nghiệm "lái VF e34 thế nào" chứ không phải "lái xe điện thế nào" bởi tôi có cảm giác rằng khi thiết kế chiếc VF e34, VinFast muốn tạo ra một chiếc xe điện nhưng mang lại sự thân thuộc nhất có thể với những người đang quen sử dụng xe xăng. Do đó, sự khác biệt sẽ ít đi. Nếu muốn đặt tiêu đề là "lái xe điện cảm giác thế nào", có lẽ tôi sẽ đợi đến lúc được trải nghiệm chiếc VF8 của VinFast. Tôi kỳ vọng đó mới chính là trải nghiệm lái xe điện thực sự - một chiếc xe ở tầm quốc tế, cạnh tranh với các đối thủ hàng đầu thị trường.

Quay lại với VF e34, trong hành trình của mình tôi đã thử sử dụng 2 chế độ lái trên mẫu xe này - Eco cho chiều đi và Comfort cho chiều về. Xe còn có thêm chế độ Sport nhưng tôi tin rằng đây cũng là 2 chế độ được ưu tiên sử dụng nhất.

Ở chế độ lái Eco, VinFast VF e34 có khả năng tự phục hồi dung lượng pin thông qua hệ thống thu hồi động năng. Cũng vì thế, xe có độ ghìm khá lớn mỗi khi nhả chân ga, tương đối khác so với xe xăng.

Tôi đã phải mất đến 40-50 km để quen với cữ chân khi lái ở chế độ này. Tuy nhiên, khi quen rồi thì việc lái xe cũng khá thú vị. Bạn nhả chân ga, xe ghìm nhanh gần giống như đã đạp nhẹ phanh với xe xăng – đồng nghĩa không cần phải đổi từ chân ga sang chân phanh quá nhiều trong khi di chuyển – trừ khi có các trường hợp cần phanh gấp hơn một chút. Tôi ít sử dụng phanh đến nỗi sau khi kết thúc "lượt đi", người điều khiển xe phía sau tôi phải hỏi rằng có phải đèn phanh của xe tôi có vấn đề không (vì ít nhấn phanh).

Trong khi đó với chế độ Comfort ở "lượt về", cảm giác lái quen thuộc của những chiếc xe xăng trở lại. Tôi gần như không thấy sự khác biệt lớn nào về cách lái chiếc VF e34 so với xe xăng trừ 1 điểm: chiếc xe tăng tốc rất ấn tượng.

Đây là điểm mà nhiều người đi xe điện đã nhắc đến. VF e34 được trang bị khối động cơ điện cho công suất 137 mã lực, mô men xoắn 242 mã lực. Tuy nhiên, với động cơ điện thì xe sẽ đạt được mô men xoắn gần như cực đại ngay ở nước ga đầu, không có độ trễ như xe xăng. Do đó, với các thao tác vượt ở đoạn ngắn, VF e34 hoàn thành cực xuất sắc. Tôi tin rằng không có bất cứ chiếc xe xăng nào cùng phân khúc có thể tăng tốc đoạn ngắn tốt như chiếc xe này.

Về cơ bản trong suốt đoạn đường, tôi di chuyển với tốc độ trung bình ở mức 50-60 km/h. Khi muốn vượt xe, tôi chỉ việc đẩy nhẹ chân ga để xe vọt lên mức 70-80 km/h rất nhẹ nhàng. Việc chiếc xe bứt lên nhanh, đánh lái tốt khiến cho bạn chủ động hơn, an toàn hơn khi vượt. Cũng với nguyên lý này, VF e34 có lẽ cũng là chiếc xe tốt nhất để di chuyển đường đèo.

Không phải riêng tôi, nhiều người đi cùng đều đánh giá VF e34 có một hệ thống khung gầm ổn. Việc đặt khối pin ở sàn xe cũng giúp chiếc xe duy trì trọng tâm thấp, vào cua mượt và chắc và không bị bồng bềnh khi chạy ở dải tốc độ cao (~100 km/h).

Một điểm khác khiến tôi đánh giá cao chiếc VF e34 chính là các tính năng hỗ trợ người lái của nó. Xe điện là công nghệ mới. Một công nghệ mới thì không thể không hỗ trợ người lái tốt hơn với các tính năng thông minh, hữu ích.

Thật ra những tính năng như camera 350, cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, cảnh báo chệch làn đường không mới – nhưng nó ít – hay nói chính xác là chưa xuất hiện trên các mẫu xe tầm giá 600-700 triệu như VF e34 tại Việt Nam. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu sự xuất hiện của VF e34 sẽ khiến các nhà sản xuất khác phải định giá lại những chiếc xe phổ thông của họ, trang bị nhiều công nghệ hơn cho xe ở thị trường Việt Nam.

Một tiện ích không thể bỏ qua trên VF e34 chính là trợ lý nhận diện giọng nói. Đừng nghĩ nó chỉ để làm "cảnh". Khi đã quen với việc sử dụng nó, bạn sẽ thấy nó thực sự tiện dụng cho các thao tác như bật/tắt/tăng/giảm điều hoà, mở nhạc/radio, tra cứu thông tin về pin hay trạm sạc.


Pin, sạc thế nào?

Nhân tiện nói về pin, tôi cho rằng đây chính là một trong những trải nghiệm "lạ" nhất khi bạn sử dụng một chiếc xe điện. Việc VinFast sắp xếp một hành trình dài khoảng 200 km cho mỗi chiều đi khiến cho những người tham gia có một sự hồi hộp "không hề nhẹ".

Về lý thuyết, VF e34 có thể chạy quãng đường 285 km cho một lần sạc. Tuy nhiên, ai cũng biết giữa lý thuyết và thực tế vẫn có khoảng cách nhất định. Theo thông tin tôi tìm hiểu được ban đầu, chiếc xe có thể di chuyển quãng đường thực tế hơn 200 km cho một lần sạc (không đầy). Điều này đồng nghĩa, vẫn có khả năng chúng tôi có thể gặp tình trạng DNF (do not finish) vì một lý do nào đó (lạc đường dẫn đến quãng đường di chuyển tăng lên, tắc đường trong đô thị, di chuyển theo đoàn nên hành trình kéo dài vv…)

Việc ban tổ chức liên tục hỏi về phần trăm pin trong suốt hành trình cũng khiến chúng tôi thêm phần hồi hộp. Rất may mắn, chiếc xe đã kết thúc hành trình (cả 2 lượt) đúng kế hoạch. Ở chiều Hạ Long – Móng Cái, xe còn khoảng xấp xỉ 20% sau khi kết thúc hành trình trong khi ở chiều về, lượng pin còn lại lên đến gần 30%.

Như vậy, có thể kết luận sơ sơ rằng chiếc VF e34 có thể di chuyển quãng đường gần 300 km cho một lần sạc, trên đường hỗn hợp, khá sát với công bố của nhà sản xuất.

Riêng việc sạc pin ở 2 đầu của hành trình do ban tổ chức tiến hành nên tôi không có nhiều trải nghiệm cụ thể.

Tuy nhiên, tôi có thể hình dung ra việc sử dụng VF e34 hàng ngày sẽ tương đối giống với sử dụng một chiếc smartphone. Bạn sẽ phải để ý đến pin của nó nhiều hơn mỗi ngày – điều mà bạn hoàn toàn không quen khi đi xe xăng.

Tuy nhiên với smartphone, bạn có thể cắm sạc ở nhiều nơi, hoặc đem theo một cục sạc dự phòng để giải toả nỗi lo về pin còn VF e34 thì không. Điều này đồng nghĩa khi di chuyển với chiếc xe này, bạn sẽ phải có một lộ trình hết sức rõ ràng. Bạn sẽ đi từ điểm A đến điểm B, quãng đường là bao nhiêu, tại điểm B hoặc giữa 2 điểm có trạm sạc không (có thể tra cứu trực tiếp trên xe). Nếu phát sinh thêm một điểm C nào đó, bạn sẽ tiếp tục phải tính toán – xe có đủ di chuyển không, quãng dừng nghỉ ở điểm B là bao lâu, đủ để sạc pin di chuyển đến điểm C hay không.

Tất nhiên, khi hệ thống trạm sạc của VinFast được phủ rộng hơn, nỗi lo này cũng sẽ vơi bớt. Tuy nhiên, với VF e34, tôi tin rằng đây là một chiếc xe phù hợp hơn cho việc di chuyển nhẹ nhàng trong đô thị hơn là lên lịch trình cho những chuyến đi dài, nhiều yếu tố phát sinh.

Chia sẻ Facebook