Trải lòng của 'quản gia nhà giàu': Thu nhập cao nhưng công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ tới từng chi tiết
Stanley (không phải tên thật) là người quản lý nhà cửa và quản gia cho các gia đình giàu có ở thành phố New York, Mỹ.
Giống như nhiều người làm việc trong lĩnh vực khách sạn hoặc dịch vụ tư nhân, anh khởi nghiệp với tư cách là một diễn viên. Và giống như nhiều diễn viên khác, Stanley đã lựa chọn ngừng đóng phim vì điều đó khiến anh cảm thấy như muốn "phát điên".
Sau khi rời khỏi công việc diễn xuất, anh bắt đầu tham gia vào tổ chức các sự kiện và phục vụ ăn uống. Trong khi quản lý một sự kiện từ thiện lớn vào năm 2009, anh đã gặp một người quản lý dự án, người này sau đó đã giới thiệu anh với một gia đình giàu có. Người chồng làm trong lĩnh vực tài chính, người vợ từng là một nhân viên pha chế rượu, và họ có một cặp sinh đôi 4 tuổi, một con chó cưng, một con lợn cưng và một căn nhà phố rộng hơn 1.800 mét vuông. Họ đã thuê anh làm quản gia và trợ lý cá nhân, công việc đầu tiên của Stanley trong ngành này.
Bạn có thể bị đuổi việc bất cứ khi nào
Tuy nhiên, chỉ khi chính thức bước chân vào vị trí mới, anh mới nhận ra những tin đồn và thực tế về công việc này khác xa nhau tới mức nào.
Người vợ của gia đình nói trên dường như luôn có vấn đề với cách anh xử lý việc gì đó, và cô ấy sẽ sa thải Stanley ngay lập tức. Nhưng sau đó, khi anh đi bộ đến tàu điện ngầm hoặc trong chuyến đi taxi về nhà, cô ấy sẽ gọi điện xin lỗi và nói rằng mong muốn sẽ gặp anh vào ngày hôm sau. Và điều đó đã xảy ra bốn lần trong vòng chưa đầy sáu tháng.
Lần cuối cùng khi Stanley bị sa thải, anh đã đảm bảo mọi thứ đều ổn thỏa trước khi mình rời khỏi căn hộ, đặt cặp hồ sơ với lịch làm việc cho ngày hôm sau của cô chủ của mình lên bàn làm việc như thường lệ, rồi lặng lẽ nắm lấy áo khoác và rời đi. Giống như mọi lần trước, anh nhanh chóng nhận được cuộc gọi xin lỗi. Nhưng khi cô ấy nói "Gặp lại bạn vào thứ Hai" , anh đã từ chối và đáp rằng: "Tại sao chúng ta không để chuyện này chấm dứt tại đây?".
Thứ hai sau đó, anh vẫn nhận được một vài cuộc gọi và tin nhắn từ cô chủ, nhưng không bắt máy.
Làm việc cho sáu gia đình khác nhau trong hơn 10 năm
Stanley cho biết 2 trong số 6 gia đình này cho anh trải nghiệm "như đi trên tàu lượn siêu tốc", và đó là những hợp đồng ngắn hạn. Hai gia đình còn lại chỉ là thời gian thử việc, vì sau đó anh đã từ chối lời mời làm việc cho họ. Và hai gia đình còn lại là những trải nghiệm công việc lâu dài.
Ở gia đình "tàu lượn siêu tốc", anh phải đối mặt với một lịch trình làm việc cực kỳ bận rộn và dày đặc. Người chủ gia đình luôn gọi tên anh mỗi khi cần thứ gì đó, đối khi bằng cách búng tay hoặc la hét. Có một lần, ông ta đã kéo hết áo khoác trong tủ xuống và bắt anh xếp lại mọi thứ theo mùa.
Nhưng Stanley cho biết bên cạnh những khách hàng khó chiều, vẫn có nhiều nhà tuyển dụng tốt tính mà anh cảm thấy rất tuyệt vời khi được làm việc cùng. Stanley cũng luôn giữ liên lạc với các nhân viên cũ và một số người trong số họ đã đưa tới cho anh các công việc tiếp theo.
Hiện tại, anh đang làm việc cho một hộ gia đình mà anh đã ký hợp đồng từ tháng Giêng năm 2020. Công việc của anh là từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Trước đại dịch, thời gian làm việc sẽ dài hơn vào những ngày chủ nhà tiếp đãi khách. Anh thường mặc trang phục công sở bình thường và có thêm một chiếc áo khoác thể thao hoặc áo blazer bên ngoài trang phục của mình để phục vụ khách. Còn bình thường, anh chỉ mặc quần jean và áo len hoặc áo sơ mi có cổ.
"Kể từ tháng 3/2020, chủ nhà đã tới ở căn hộ khác tại Hamptons trong khi để tôi tiếp tục chăm sóc ngôi nhà phố ở Manhattan của họ. Hiện tại, nhân viên tại ngôi nhà trên phố Manhattan của chủ nhân gồm tôi, ba giúp việc và một tài xế. Tôi ký hợp đồng với các nhà cung cấp bên ngoài về CNTT, âm thanh, làm vườn và nhiều loại hình bảo trì cụ thể cho đồ đạc và đồ cổ trong nhà. Chúng tôi cũng có hợp đồng bảo trì với một công ty chăm sóc nhà, nhưng tôi vẫn sẽ tự tay khắc phục các sự cố nhỏ như tay nắm cửa bị lỏng và bóng đèn hỏng, hay cập nhật iPad và phần mềm máy in",
Một công việc khó gọi tên
Khi mô tả mình là một người quản lý nhà cửa, nhiều người thường nghĩ Stanley làm các công việc chăm sóc và bảo trì cho ngôi nhà, thậm chí cả việc cắt cỏ. Nhưng khi nhận mình là quản gia, Stanley cho biết mọi người có xu hướng lãng mạn hóa những gì anh làm giống như trong các bộ phim hoặc tiểu thuyết.
Tất nhiên, anh cho biết mình từng tiếp khách trong một chiếc áo khoác dạ màu đen hoặc một bộ lễ phục. Nhưng đôi khi anh cũng phải xắn tay dọn dẹp nhà vệ sinh, và điều này không lãng mạn chút nào.
Còn đối với những người trong ngành, thậm chí các nhà tuyển dụng, công việc mà anh làm được gọi chung là "principal", tạm hiểu là người quản lý căn nhà.
Stanley từng làm việc ở những gia đình lớn với đội ngũ nhân viên lên tới 38 người. Do đó, anh không thể tiếp xúc và giao việc tới cho từng cá nhân mà chỉ làm việc chặt chẽ với người phụ trách các phòng, người phụ trách khách khứa, hỗ trợ quản lý đồ đạc, tham gia liên lạc, sắp xếp và phục vụ bữa ăn cũng như điều hành các sự kiện trong nhà.
Đặt mình vào trải nghiệm của chủ nhân
"Với tư cách là người quản lý căn nhà, tôi có trách nhiệm quản lý cả những kỳ vọng của chủ nhân về những gì diễn ra trong nhà của họ", Stanley cho biết.
Anh cho biết công việc của mình đòi hỏi phải luôn chủ động suy nghĩ về những gì mà chủ nhân sẽ cần và tránh để ngỏ bất cứ điều gì có thể khiến họ phàn nàn. Ví dụ, nếu họ đang nói chuyện với anh về việc muốn dùng gì cho bữa tối, thì tức là anh đang không làm đúng trách nhiệm của mình. Nếu iPad của họ không kết nối được với WiFi hoặc TV trong phòng tập thể dục không hoạt động, đó cũng có nghĩa là anh đã không hoàn thành công việc của mình.
"Tôi phải kiểm tra mọi thứ nhiều lần để đảm bảo chúng đều ở trong tình trạng hoạt động. Tôi bật và tắt TV ít nhất một lần và đôi khi hai lần một ngày. Tôi cũng kiểm tra tất cả đèn, thiết bị phát nhạc, các loại thiết bị công nghệ và đồ dùng. Tôi ngồi xuống ghế dài, nhìn xung quanh và nghĩ: Liệu mọi thứ có giống như cách nó phải thế không? Mọi thứ có mang lại cảm nhận theo cách mà nó đúng ra phải thế không? Chiếc TV này có hoạt động theo cách mà nó phải hoạt động không? Có dấu vân tay trên bàn không? Có phải nhân viên dọn phòng đã phủi bụi và di chuyển điều khiển quá xa khỏi ghế dài không?",
Tất nhiên, anh không lên giường dọn dẹp hay thử trải ga giường, nhưng anh phải cố đặt mình vào trải nghiệm của ông chủ. Đó là điều anh đã họ được khi làm trong lĩnh vực phục vụ ăn uống, bằng cách tự đặt mình vào vị trí của khách.
"Người đàn ông mà tôi hiện đang làm việc yêu thích rượu vang và có một kho chứa khiêm tốn, với khoảng 300 chai ở trong nhà và nhiều hơn trong hầm bảo quản. Vì vậy tôi theo dõi lượng khách đến, lượng tiêu thụ và kiểm kê những gì đến và đi giữa các ngôi nhà ở Manhattan và Hamptons của họ",
Anh cũng sử dụng bảng tính để thanh toán hóa đơn, lập hóa đơn và chứng từ, cũng như theo dõi mọi thứ, từ đơn đặt hàng và chuyến hàng đến kiểm kê các vật dụng nhà cửa khác nhau, cho đến cả những món quà được cho và nhận.
Công việc của sự tỉ mẩn
Stanley cho biết anh thường kiểm tra tất cả các khu vực xem mọi thứ có bị hao mòn, có đồ vật gì cần sửa chữa, có nơi nào đang tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ... để phát hiện bất kỳ vấn đề nào trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn.
"Để kiểm tra độ sạch, tôi soi đường trong bóng tối bằng đèn pin để dò tìm hơi ẩm và bụi ẩn. Tôi cũng có đèn LED quét bụi để phát hiện những thứ không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chẳng hạn như dấu vân tay hoặc lông chó trên cầu thang", anh cho biết.
Sau đó, anh chụp ảnh những gì tìm được để gửi cho người giúp việc. Đôi khi, anh tặng họ đèn pin LED, sau đó viết giấy với nội dung "xin chào" rồi gắn vào chỗ có bụi, rồi nhắn họ rằng: "Hãy tìm "xin chào" của tôi trên bàn" . Anh cho biết những người giúp việc mà anh làm việc cùng rất tuyệt vời và nếu cho họ xem hình ảnh của một thứ gì đó, họ sẽ biết chính xác vị trí cần làm sạch.
Đôi khi, anh cũng giúp bà chủ của mình chọn đồ, hỗ trợ treo xếp các tác phẩm nghệ thuật trong phòng làm việc hoặc sắp xếp đồ đạc lại với nhau. Anh cũng hái hoa trong nhà, chạy đến các cửa hàng văn phòng phẩm và đến ngân hàng để xử lý những khoản tiền lặt vặt trong nhà, và thường xuyên vận chuyển và nhận các gói hàng.
"Tất cả những điều này nghe có vẻ căng thẳng, nhưng chúng không làm chủ tôi. Tôi là người đứng đầu",
Thu nhập sáu con số hàng năm cùng nhiều tiền thưởng và lợi ích
Kể từ công việc đầu tiên vào năm 2009, lương của Stanley không tăng nhiều trong những năm qua, nhưng số giờ làm việc đã giảm xuống. Ban đầu, anh làm việc từ 60 đến 70 giờ mỗi tuần. Còn hiện tại chỉ khoảng 45 đến 50 giờ, và điều đó là một sự khác biệt rất lớn, ảnh hưởng một cách tích cực đến chất lượng cuộc sống của anh.
"Khi tôi mới bắt đầu ở mức 100.000 USD vào năm 2009, mức lương theo giờ của tôi đôi khi là 9 USD, đặc biệt là trong những ngày lễ. Hồi đó, tôi chỉ về nhà và nhìn thấy vợ vào ban đêm. Bây giờ, tôi dành nhiều thời gian cho các con hơn bao giờ hết",
Stanley nói rằng anh đã sớm học được từ công việc này, rằng phải giỏi thiết lập các ranh giới. Nó có nghĩa là không nên tham gia quá nhiều vào cuộc sống của chủ nhân. Có một số tình huống, bạn sẽ phải nói: "Tôi xin lỗi, tôi không thể tham gia."
"Một số việc tôi rất sẵn lòng làm, còn những việc khác thì không. Ví dụ, tôi chưa bao giờ ở lại qua đêm tại nhà của chủ nhân. Tôi đã được yêu cầu làm điều đó một lần, và chỉ để đảm bảo an ninh, khi chủ nhân muốn tôi ở đó thay cô ấy. Tôi đã nói: 'Tôi không nghĩ vợ tôi sẽ thực sự đánh giá cao điều đó."
Đôi khi ngày hài lòng nhất cũng có thể là ngày tồi tệ nhất
Theo Stanley, công việc này luôn đặt ra cho bạn những thách thức mới mỗi ngày. Chẳng hạn , có một lần một con chim sà vào giếng trời bằng kính khi mọi người đang chuẩn bị cho bữa ăn trưa và tất cả đã phải mất khá nhiều thời gian dùng thang để bắt và thả nó ra. Những trải nghiệm bất ngờ đó đôi khi xuất hiện trong mỗi ngày làm việc.
"Cách tôi nghĩ về công việc của mình cũng giống như bất kỳ công việc nào khác, chỉ có điều đó là khi tôi đang đứng trong phòng khách riêng của ông chủ, hay là khi tôi đang đứng trong bếp nhìn họ ăn. Tuy nhiên, hầu hết những người này đã quen với việc có ai đó đứng đó nhìn họ, vì vậy điều đó không kỳ lạ đối với họ, và bây giờ nó cũng không còn kỳ lạ đối với tôi."
Nhưng Stanley khẳng định công việc quản lý những ngôi nhà giàu có dù là một công việc tuyệt vời, nhưng nó không dành cho tất cả mọi người
"Lời khuyên của tôi cho bất kỳ ai đang nghĩ đến việc tham gia vào lĩnh vực này là hãy truy cập vào LinkedIn và xem liệu bạn có thể nói chuyện với những người quản lý các công ty trong ngành này hay không. Đặt câu hỏi về lịch trình, ưu nhược điểm của công việc, đồng thời tìm hiểu xem liệu lối sống này có dành cho bạn không."
Tại Mỹ và một số quốc gia hiện có cả các trường đào tạo có chuyên ngành quản gia và cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, Stanley nói rằng hãy cẩn thận với các lời mời gọi cho một công việc với lương hậu hĩnh nhưng đòi hỏi phí môi giới cao, bởi một số nơi có thể đòi tới 40% lương hàng năm của bạn.
"Đối với công việc này, bạn cần có khả năng quản lý kỳ vọng và giao tiếp tốt, đôi khi tế nhị với chủ nhân, nhân viên và bất kỳ ai khác làm việc trong nhà. Nhưng đó là một công việc tuyệt vời, và một khi bạn được tuyển dụng, bạn phần nào bị ràng buộc với người chủ của mình và trở thành một phần trong cuộc sống riêng tư của họ. Bạn sẽ biết được một số bí mật và được trao quyền để tạo ra các ranh giới mà bạn cần."
Tham khảo BI