Trái chiều chính sách tiền tệ Mỹ - Nhật khiến đồng Yên tụt giá xuống đáy 20 năm
Đồng Yên Nhật đang trải qua chuỗi phiên giảm giá dài nhất trong ít nhất nửa thế kỷ, khi các nhà giao dịch bỏ qua những lời cảnh báo của Chính phủ nhật Bản về tốc độ mất giá của đồng tiền này và thay vào đó tập trung vào khoảng cách ngày càng rộng giữa lãi suất ở Nhật Bản và ở Mỹ...
Trái chiều chính sách tiền tệ Mỹ - Nhật khiến đồng Yên tụt giá xuống đáy 20 năm
Theo hãng tin Bloomberg, tính đến ngày 19/4, đồng Yên đã giảm giá phiên thứ 13 liên tiếp so với USD . Đây là chuỗi phiên giảm giá dài nhất của Yên kể từ khi Bloomberg bắt đầu ghi lại dữ liệu này vào năm 1971. Phiên giảm thứ 13 của đồng Yên diễn ra sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh St. Louis, ông James Bullard nói rằng bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm là một lựa chọn đối với Fed.
Phiên giảm 1% này của đồng Yên diễn ra ngay cả khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki lên tiếng bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ. Giới giao dịch tiền tệ vẫn đang ngóng những dấu hiệu cụ thể hơn về một sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) hoặc Bộ Tài chính nước này để bảo vệ đồng Yên.
Bán Yên đang là một giao dịch được ưa chuộng. Các nhà quản lý tài sản bán khống (short) Yên nhiều chưa từng thấy, trên cơ sở là việc BOJ duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục trong khi Fed đã bắt đầu nâng lãi suất.
“Trừ phi chính sách của Nhật Bản, bao gồm cả chính sách tiền tệ và cácchính sách khác liên quan đến đồng tiền, được điều chỉnh, sự can thiệp bằng lời nói hay thậm chí can thiệp trực tiếp vào thị trường đều không có hiệu quả”, chiến lược gia trưởng về ngoại hối của Daiwa Asset Management, ông Yuji Kameoka, phát biểu.
Đồng Yên có lúc giảm giá còn 128,31 Yên đổi 1 USD trong phiên ngày 19/4, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2002. Trong chuỗi phiên giảm giá bắt đầu từ ngày 1/4 đến nay, Yên đã giảm giá 5% so với USD . Các nhà giao dịch ở Tokyo cho rằng trong vài tháng tới đây, yên sẽ tụt giá về 130 Yên đổi 1 USD .
“Chúng tôi đang theo dõi các diễn biến trên thị trường ngoại hối với một sự cảnh giác cao độ”, ông Suzuki phát biểu ngày 19/4. Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda ngày 18/4 cũng gia tăng cảnh báo về sự mất giá của đồng Yên, nhưng duy trì cam kết kích thích nền kinh tế còn đang trong trạng thái mong manh.
Lần gần đây nhất Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách bán USD và mua Yên diễn ra vào tháng 6/1998, ở giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Còn lại, Nhật Bản thường chỉ can thiệp để làm suy yếu tỷ giá đồng Yên bởi thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ của nước này thường gây áp lực tăng giá đồng Yên. Tuy nhiên, từ tháng 11/2011 đến nay, nhà chức trách nước này chưa có đợt can thiệp nào vào thị trường ngoại hối.
“Cho tới khi BOJ thay đổi lập trường siêu mềm mỏng của họ, sự trái chiều chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục khiến đồng Yên suy yếu và bất kỳ sự can thiệp nào cũng không thể có tác dụng lâu dài”, chiến lược gia Win Thin của Brown Brothers Harriman & Co. phát biểu.
Thống đốc BOJ Kuroda đang đứng trước một sự cân bằng khó khăn vì ông muốn đảm bảo không xuất hiện một vết rạn nứt nào giữa Chính phủ và BOJ xung quanh sự cần thiết phải tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích kinh tế. Đồng Yên yếu là một nhân tố tích cực đối với nền kinh tế Nhật Bản, vì giúp nước này thúc đẩy xuất khẩu, nhưng sự mất giá quá nhanh của đồng nội tệ có thể gây đảo lộn các kế hoạch của doanh nghiệp nước này và chỉ mang lại lợi ích cho các nhà bán khống Yên.
Vào tuần trước, các nhà quản lý tài sản đã nâng mức đặt cược vào sự mất giá của đồng Yên lên mức kỷ lục. Trạng thái ròng bán khống đồng Yên của các quỹ dùng đòn bẩy nợ cũng gần mức cao nhất 3 năm – theo dữ liệu từ Uỷ ban Giao dịch hàng hoá tương lai Mỹ (CFTC).
“Đối với thị trường, điều có ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là việc BOJ nâng lãi suất, nhưng để đến lúc BOJ nâng lãi suất thì còn một chặng đường dài để đi”, nhà kinh tế học Takeshi Minami thuộc Viện nghiên cứu Norinchukin phát biểu. “Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy họ sẽ không can thiệp để giữ cho tỷ giá đồng Yên khỏi giảm. Nên thị trường có thể nghĩ rằng trước mắt sẽ chẳng có sự can thiệp nào và họ cứ hành động theo đà mất giá của Yên thôi”.
An Huy
VnEconomy