Trái cây trở thành xa xỉ phẩm giữa lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ
"Không có chính phủ nào không thể bị hạ bệ bởi một nồi cơm trống rỗng" - báo Financial Times dẫn lại một câu nói nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh nước này chuẩn bị bước vào bầu cử giữa khủng hoảng kinh tế.
Trong bối cảnh chuẩn bị bước vào cuộc tái tranh cử trong vòng một năm nữa, người ta cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có thể sẽ chú ý đến lời cảnh báo của người tiền nhiệm, bằng cách sẽ bắt tay giải quyết lạm phát vốn đã đạt tỉ lệ chính thức gần 80%.
Tuy nhiên, thay vào đó, ông Erdogan đã tiếp tục theo đuổi các chính sách mà giới chuyên gia mô tả là một "cuộc thử nghiệm kinh tế khổng lồ".
Ông Erdogan đã sa thải 3 thống đốc ngân hàng trung ương trong ba năm qua và ra lệnh cắt giảm lãi suất liên tiếp. Cách tiếp cận của ông đã gây ra lạm phát mạnh đến mức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tốc độ tăng giá ở quốc gia G20 này trong năm nay sẽ chỉ bị Venezuela, Sudan và Zimbabwe vượt mặt.
Theo báo Financial Times , nhiều gia đình tại Thổ Nhĩ Kỳ đang phải gồng mình chống chọi giữa cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua.
"Trái cây từng là nhu cầu cơ bản, cung cấp vitamin cho trẻ em. Nhưng bây giờ đó là một thứ xa xỉ", một công chức 52 tuổi - đang mua sắm tại chợ thực phẩm ngoài trời ở Keçiören, Ankara - chia sẻ.
Câu hỏi thường trực trong đầu của nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ và giới quan sát nước ngoài là liệu sự khó khăn ngày càng lan rộng có báo trước ông Erdogan sẽ "ra đi" sau gần 2 thập niên thống trị nền chính trị nước này hay không.
"Mọi người đều muốn biết điều gì sẽ xảy ra: Ông ấy sẽ ở lại hay sẽ ra đi? Tôi nghĩ lần này có thể rất khác" - Elif, nữ phục vụ bàn 17 tuổi đến từ Keçiören và dự kiến sẽ là cử tri lần đầu, cho biết.
Các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 6-2023. Tuy nhiên, cuộc bầu cử có thể diễn ra sớm hơn nếu ông Erdogan nhận thấy cơ hội của ông sẽ được cải thiện, bằng cách kêu gọi tổ chức một cuộc bỏ phiếu nhanh.
Một số trường học ở phía đông thủ đô Tokyo (Nhật Bản) phải thay thế các món trái cây tráng miệng trong khẩu phần ăn của học sinh bằng thạch rau câu, hay các loại bánh làm thủ công do áp lực lạm phát.