Trái cau xuất khẩu khó đầu ra, nhà vườn cần thận trọng mở rộng diện tích
Sau thời gian giá ở mức kỉ lục, trái cau thương phẩm ở khu vực ĐBSCL đang bị dội hàng, rớt giá nên nhà nông cần cân nhắc khi nhân rộng diện tích.
Gần đây, mô hình trồng cau lấy trái bán tươi và bán giống phát triển mạnh ở nhiều địa phương của vùng ĐBSCL như Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng…
Vào các tháng đầu năm nay, giá trái cau ở vùng ĐBSCL ở mức trên 30.000 đồng/kg, có thời điểm cau Vú Bò giá 40.000 đồng/kg. Thế nhưng gần đây, trái cau xuất khẩu sang Trung Quốc bị dội hàng , rớt giá. Hiện tại, trái cau loại 1 giảm khá sâu, chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Trái cau xuất khẩu chỉ duy nhất phục vụ thị trường Trung Quốc, nên khi thị trường này ngừng thu mua giá cau giảm mạnh, thậm chí ít người thu mua. Do đó, nhà vườn cần cẩn khi mở rộng diện tích trồng cây này để không gặp cảnh "cung vượt cầu".
Cái khó "ló" cái khôn, trước tình hình này, nhiều vườn cau đã tìm ra hướng đi mới, đó là trồng xen với các loại cây trồng khác. Cách làm này vừa không ảnh hưởng đến năng suất, đồng thời lại có nguồn thu nhập cộng hưởng từ nhiều loại cây, trong đó có cây cau.
Ông Nguyễn Ngọc Tầng, nông dân có 6.000 m2 đất trồng cau tại xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, giá cau năm trước thấp nhất vẫn được 23.000 đồng/kg, còn hiện nay giá 8.000 đồng/kg khi phía Trung Quốc thông báo cho các lò sấy ngưng sấy và thu mua.
“Lúc này trái cau đang dội hàng, trái cau từ Nam ra Bắc đều có nhưng vào tháng 11 bắt đầu giá lên. Nếu tính ra giá cau xuống 3.000 đồng/kg người trồng cũng chưa lỗ, nhưng để tiếp tục sinh lời với cây cau, bà con nên trồng xen thêm cây khác, vì cau không cạnh tranh đất, phân bón, thuốc trừ sâu và ánh sáng”, ông Tầng khuyến cáo./.