TQ: Thấy gì từ “lợi nhuận khủng” của 10 công ty xét nghiệm axit nucleic?

Chia sẻ Facebook
10/09/2022 10:50:05

Báo cáo tài chính nửa đầu năm của các công ty Trung Quốc cho thấy, 10 công ty liên quan đến việc triển khai xét nghiệm axit nucleic đạt “lợi nhuận khủng”, trong khi lợi nhuận của hơn một nửa 4800 công ty khác bị sụt giảm nghiêm trọng.

Xét nghiệm axit nucleic tại Thượng Hải ngày 25/3/2022. (Ảnh minh họa: Robert Way / Shutterstock)


Theo trang tài chính kinh tế Yijian Caijing, 10 công ty niêm yết xét nghiệm axit nucleic ở Trung Quốc Đại Lục gần đây đã công bố báo cáo nửa đầu năm 2022 cho thấy, tổng doanh thu của các công ty này là 48,518 tỷ RMB (6,964 tỷ USD), tổng lợi nhuận ròng đạt 16,297 tỷ RMB (2,34 tỷ USD). Các công ty bao gồm như Shanghai Lanwei, Dian Diagnostics, Guangdong Hybribio, Shanghai Lanwei, Shanghai Lanwei, Daan Gene, Getein Biotech…


Về tốc độ tăng trưởng, 10 công ty này đã đạt mức tăng trưởng đáng kể cả về doanh thu và lợi nhuận ròng, công ty Wuhan Easy Diagnosis có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng nhanh nhất đạt 376,29%, trong khi Shanghai Lanwei có tốc độ tăng trưởng ít nhất cũng đạt 55,11%. Lợi nhuận cao nhất là Daan Gene với doanh thu 6,676 tỷ RMB (958,234 triệu USD) trong đó lợi nhuận ròng 4,313 tỷ RMB (619,1 triệu USD), tỷ suất lợi nhuận 64,6%. Công ty có quy mô doanh thu lớn nhất là Dean Diagnostics đã ghi nhận tổng doanh thu 6,952 tỷ RMB (998 triệu USD) từ hoạt động kinh doanh dịch vụ chẩn đoán trong nửa đầu năm, tăng 154,10% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty có trụ sở tại Thượng Hải là Shanghai Lanwei kiếm bộn tiền do đợt bùng phát dịch bệnh ở tại đây vào quý I năm nay, cả doanh thu và lợi nhuận ròng đều đạt mức tăng trưởng lớn.


Dẫn đầu ngành trong lĩnh vực dược phẩm là Sinovac Biotech đã công bố báo cáo tài chính năm 2021 vào tháng Năm năm nay, cho thấy doanh thu năm ngoái là 19,375 tỷ USD, trong đó lợi nhuận ròng thuộc công ty mẹ là 14,5 tỷ USD, đã trở thành “cỗ máy siêu kiếm tiền”.


Chiều ngược lại, các doanh nghiệp bình thường khó có thể hoạt động trong thời gian dịch bệnh hoành hành. Lợi nhuận nửa đầu năm 2022 do hơn 4.800 công ty niêm yết ở Trung Quốc công bố cho thấy 53% công ty báo cáo lợi nhuận ròng sụt giảm, số công ty niêm yết báo lỗ đạt mức cao mới với 900 công ty thua lỗ trong nửa đầu năm nay. Tình hình này tương tự như trong nửa đầu năm 2020 – thời điểm mới bùng phát COVID-19.

Doanh nghiệp lao dốc trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh


Ông Hoàng Kim Thu (Huang Jinqiu) khởi nghiệp tại Thượng Hải, không may ngay dịp dịch bệnh đã bị thua lỗ nặng do thành phố này phong tỏa. Ông nói với Epoch Times, “Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền để phát triển một ứng dụng trong thời kỳ dịch bệnh, ứng dụng đổi mới này là độc quyền của chúng tôi, thậm chí cả trong phạm vi toàn cầu”; “Tôi không chỉ có được bản quyền phần mềm mà còn đăng ký bằng sáng chế phát minh kỹ thuật đã được phê duyệt trong vòng kiểm tra sơ bộ. Trong tương lai sẽ có nhiều phiên bản ngôn ngữ trên thế giới giống như Tiktok”.


Nhưng dịch bệnh đã mang lại hệ quả gì? Ông nói: “Một là chúng tôi mất nhân lực nghiên cứu phát triển. Thời gian dịch bệnh, nhiều kỹ sư không thể đi làm. Đến khi bỏ phong tỏa giúp tôi được trở về Thượng Hải thì nhiều người đã đi làm ở các công ty khác, khiến tôi thua lỗ nặng vì đã trả lương cũng như mua an sinh xã hội… cho họ”; “Thứ hai là một số người rời Thượng Hải mà không trở lại cũng khiến tôi mất nguồn lực gồm những người tài năng”…


Quan trọng hơn, ông Hoàng Kim Thu nói, “Trước khi xảy ra dịch bệnh, vào tháng Ba tôi đã ký hợp đồng với một cơ quan đầu tư ở Nam Kinh. Nhưng sau khi ký thì vừa đúng dịp Thượng Hải phong tỏa, khiến tôi không thể quay lại và mọi người cũng không thể đến Thượng Hải để khảo sát tình hình. Sau đó 5 tháng thì họ đã không còn có đủ tiền nên không thể đầu tư…”.


Ông cho biết, trước đây có kinh doanh quảng cáo nhưng sau khi bùng phát dịch bệnh thì hoạt động khó khăn nên thu nhập rất thấp. Nguồn tài chính ngày càng khó khăn gây áp lực rất lớn, việc nghiên cứu phát triển cũng rất khó khăn khiến không thể đạt được các mục tiêu như mong đợi.

Hiện tượng bất thường tăng cường phong tỏa trước thềm Đại hội 20


Việc Thượng Hải phong tỏa trong 2 tháng đã gây ra nhiều thảm họa kéo theo, làm dấy lên nhiều bức xúc trong công luận Trung Quốc. Vậy mà gần đây, tại thành phố có dân số hơn 20 triệu người là Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, cũng đã bị phong tỏa cả thành phố sau khi “phát hiện” có 59 trường hợp nhiễm COVID-19 mới được xác nhận vào ngày 5/9.


Hiện tượng lạ là kể từ ngày 29/8, khi ĐCSTQ tuyên bố ngày diễn ra Đại hội 20 là 16/10, thì dịch bệnh đã nóng lên ở nhiều nơi. Cơ quan chức năng đã nhanh chóng phong tỏa trên diện rộng nhiều địa khu dù tổng số trường hợp nhiễm mới trên toàn quốc không có nhiều thay đổi: sô người nhiễm mới ngày 1/9 là 1.903 người, ngày 2/9 là 1.885 người, ngày 3/9 là 1.819 người, ngày 4/9 là 1.848 người, ngày 5/9 là 1.610 người…


Trước đó vào tháng Sáu, các nhà chức trách Trung Quốc đã đề xuất không cho phép “bình thường hóa xét nghiệm axit nucleic” ở các khu vực có nguy cơ thấp. Thế nhưng gần đây, nhiều nơi đã tăng cường triển khai ngay cả khi không có trường hợp nhiễm mới, còn quyết định xét nghiệm axit nucleic theo định kỳ. Ai không thực hiện thì người đó bị đổi màu mã sức khỏe, sẽ không thể ra ngoài được.


Theo CNN, kể từ ngày 20/8, ít nhất 74 thành phố ở Trung Quốc Đại Lục với tổng dân số 313 triệu người đã bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần. Nguồn tin dự đoán tình trạng có thể gia tăng hơn nữa.

Lạm dụng trục lợi từ dịch bệnh


Ông Hoàng Kim Thu cho hay kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, vấn đề phong tỏa và kiểm soát gắt gao của chính quyền đã tạo ra dây chuyền kiếm lợi nhờ dịch bệnh. Ông nói: “Có sự thông đồng giữa nhóm lợi ích gồm nhiều quan chức các cấp tận dụng quyền lực để kiếm đặc lợi thông qua xét nghiệm axit nucleic toàn dân và bắt buộc toàn thể mọi người dân tiêm vắc xin”; “Lúc này muốn mọi thứ dừng lại là không đơn giản… , cho nên có cảnh dịch bệnh nhiều nơi nổi lên cùng vấn đề dương tính giả và vô số chuyện phi lý ở khắp nơi. Chúng làm rỗng ngân khố quốc gia và đục khoét bảo hiểm y tế của người dân…”.


Một điểm khác được ông Hoàng Kim Thu cho biết, hơn một nửa trong số liệu ca nhiễm mà cơ quan chức năng công bố là những người nhiễm không có triệu chứng. Vấn đề cho thấy không phải họ quan tâm đến sức khỏe người dân, mà là phá hoại cuộc sống bình thường của người dân, khiến mọi người không thể làm việc, sinh hoạt và đi lại bình thường. Điều này khiến các công ty nước ngoài và dòng vốn nước ngoài rút khỏi, trong khi giới quyền quý của Trung Quốc thì đang di cư ra nước ngoài một cách điên cuồng.


“Kinh tế đất nước làm sao mà tốt được nếu như thế này? Dù cấp cao nhất muốn chấn hưng nền kinh tế, nhưng không bỏ chính sách ‘Zero-COVID’ thì nền kinh tế không thể hồi sinh. Hơn nữa, 3 năm dịch bệnh qua đã là cơ hội để nhóm lợi ích đục khoét ngân khố cạn kiện ”, ông Hoàng nói. “Hy vọng rằng trước tiên hãy sớm chấm dứt chính sách ‘Zero-COVID’; tiếp đến hãy sớm truy cứu những quan chức đã thông đồng với các công ty vắc xin và xét nghiệm axit nucleic, thu hồi lại tiền mô hôi nước mắt cho người dân, cho cuộc sống của dân thường dễ thở hơn”.


Theo Lạc Á và Trình Tĩnh, Epoch Times

Trung Quốc: Quy tắc Zero-COVID ngăn cản người dân di tản trong trận động đất

Việc thực thi hà khắc chính sách Zero COVID không khoan nhượng của Trung Quốc đã khiến một số cư dân bị mắc kẹt trong các tòa nhà.

Chia sẻ Facebook