TQ: Thâm hụt tài khóa cao kỷ lục, ông Tập lãnh đạo đội ngũ mới sống “eo hẹp”

Chia sẻ Facebook
09/11/2022 01:40:26

Trong 9 tháng đầu năm nay, thâm hụt ngân sách của Chính phủ Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục. Đội ngũ mới của ông Tập Cận Bình phải đối mặt với những khó khăn kinh tế sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, đội ngũ mới của ông Tập Cận Bình phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế. (Ảnh chụp màn hình video)

Bộ Tài chính Trung Quốc đã đưa ra thông báo yêu cầu khôi phục tài sản nhà nước. Ngoài ra, ngân hàng trung ương phải giao nộp hàng ngàn tỷ lợi nhuận từ số dư cho tài chính trung ương.

Trong báo cáo công việc của Chính phủ vào ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã công bố rằng mục tiêu dự kiến ​​chính cho năm 2022 là tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 5,5%.

Ngoài ra, ông Lý Khắc Cường cũng nói rằng việc quan trọng là tỷ lệ thâm hụt tài khóa được lên kế hoạch thu xếp ở mức khoảng 2,8%, và chi phí chuyển từ chính quyền trung ương cho các chính quyền địa phương sẽ tăng khoảng 1.500 tỷ nhân dân tệ (NDT, khoảng 207,29 tỷ USD), với quy mô gần 9.800 tỷ NDT (khoảng 1.354,26 tỷ USD). Về đầu tư của Chính phủ, trong năm nay, dự kiến ​​thu xếp trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương là 3.650 tỷ NDT (khoảng 504,39 tỷ USD).

Các chi phí chuyển từ chính quyền trung ương cho chính quyền địa phương lên tới 9.800 tỷ NDT (khoảng 1.354,26 tỷ USD), cho thấy tài chính của chính quyền địa phương bị thắt chặt.

Ngày 8/3, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết, theo việc triển khai Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương và báo cáo công tác của Chính phủ, nhằm tăng cường các nguồn lực tài chính sẵn có, năm nay sẽ nộp lợi nhuận thặng dư cho Chính phủ trung ương, với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ NDT (138,19 tỷ USD), chủ yếu để hoàn thuế và tăng chi phí chuyển cho các địa phương.

Theo số liệu do Bộ Tài chính Trung Quốc công bố ngày 25/10, từ tháng 1–9/2022, tổng thu ngân sách công cả nước là 15.315,1 tỷ NDT (khoảng 2.116,39 tỷ USD), giảm 6,6% về mặt tự nhiên. Từ tháng 1–9/2022, tổng chi ngân sách công của cả nước là 19.038,9 tỷ NDT (khoảng 2.630,99 USD), tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Chênh lệch giữa chi và thu là 3.723,8 tỷ NDT (khoảng 514,59 tỷ USD).


Theo phân tích dữ liệu chính thức của Bloomberg tại Hoa Kỳ, do sự thúc đẩy của các yếu tố như khủng hoảng bất động sản, từ tháng 1–9/2022, thâm hụt ngân sách của các cấp Chính phủ Trung Quốc đạt mức cao trong lịch sử là 7.160 tỷ NDT (khoảng 989,44 tỷ USD).


Nhà nghiên cứu Tống Duy Tuấn tại tổ chức tư vấn “Chính trị và Kinh tế Thiên Quân” ở nước ngoài, đã chỉ ra rằng các khoản chi tiêu tăng lên, thu nhập giảm, và thâm hụt tài khóa tiếp tục tăng.

Theo số liệu của giới chức, tỷ lệ thâm hụt tài khóa đã vượt quá giới hạn dự kiến ​​khoảng 2,8% (4,27% từ tháng 1-9/2022), nghĩa là tất cả các cấp tài chính đều được đối phó rất vất vả.

Trong đó, chi tiêu phòng chống dịch là một chỉ tiêu cứng nhắc, gồm xét nghiệm axit nucleic với tần suất ngày càng cao. Gần đây, một số nơi đã ban hành văn bản yêu cầu người dân tự chi trả xét nghiệm axit nucleic, cho thấy gánh nặng tài chính đã đến mức cực hạn. Trong trường hợp này, các chi phí sinh kế khác chắc chắn sẽ giảm theo.

Ông Tống Duy Tuấn tin rằng sự suy thoái của thị trường bất động sản cũng ảnh hưởng đến nguồn tài chính đất đai của chính quyền địa phương. Trong tháng 9, doanh thu từ việc bán đất của Chính phủ đã giảm 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 4,9% vào tháng 8, và bị đè nặng bởi các hạn chế về điều kiện tài chính đối với các nhà phát triển bất động sản, và tâm lý thị trường bất động sản yếu.


Ông nhấn mạnh việc Mỹ tăng lãi suất đã dẫn đến dòng tiền liên tục chảy ra khỏi Trung Quốc, đây là một đòn giáng khác đối với ĐCSTQ. Tại Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế diễn ra hôm 4/11, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần đề cập đến vấn đề “mở cửa”.

Điều đó cho thấy tâm trạng sốt sắng của các nhà chức trách hy vọng đầu tư nước ngoài sẽ chảy vào Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế. Do đó, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang gặp khó cả trong lẫn ngoài, và có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính.

Trong tình huống này, một thông báo do Bộ Tài chính Trung Quốc đưa ra hôm 1/11 cho biết, chính quyền được khuyến khích khôi phục các tài sản nhàn rỗi thuộc sở hữu nhà nước, như cho thuê hoặc bán chúng thông qua thị trường, do quản lý yếu kém.

Thông báo yêu cầu các cơ quan hành chính và công quyền các cấp phục hồi và sử dụng các tài sản như nhà, đất, xe cộ, đồ đạc và máy móc cỡ lớn. Các phương thức phục hồi gồm chia sẻ, tự sử dụng, điều chỉnh và cho thuê. Nghĩa là các cơ quan hành chính được yêu cầu phải huy động quỹ của riêng mình, để hỗ trợ thu nhập và chi tiêu, tổng tài sản liên quan cao tới 40.000 tỷ NDT (khoảng 5.527,6 tỷ USD).

Do kinh tế suy thoái mạnh trong năm nay, Bắc Kinh đã yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan chính phủ thắt lưng buộc bụng trong những ngày tháng khó khăn này.

Hoạt động yếu kém của nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 10/2022 cho thấy sự phục hồi kinh tế chững lại vào quý IV, phần lớn là do chính sách Zero-COVID kéo dài, làm gián đoạn sản xuất và giảm nhu cầu.


Báo cáo của AFP dẫn lời nhà kinh tế trưởng Lục Đĩnh của Ngân hàng Nomura cho biết: “Không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy chính sách Zero-COVID thực sự được nới lỏng,”

Ông lưu ý rằng 207 triệu người hiện đang bị giam giữ ở các mức độ khác nhau tại ít nhất 28 thành phố của Trung Quốc, không có động lực thực sự nào đối với sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.


Lý Chính Hâm / Vision Times

Trung Quốc gấp rút thành lập hàng loạt hợp tác xã cung ứng và tiêu thụ

Sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, các tỉnh nhanh chóng thành lập các hợp tác xã cung ứng và tiêu thụ, và bắt đầu tuyển dụng công chức có liên quan.

Chia sẻ Facebook