TQ: Giới thượng lưu tích trữ thuốc trị COVID Paxlovid, giá chợ đen cao ngất ngưởng
Khi tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc tiếp tục xấu đi, thuốc kháng virus Paxlovid của Pfizer đã trở thành mặt hàng nóng với giá chợ đen cao ngất ngưởng.
Dịch COVID-19 tái quét qua Trung Quốc như một cơn sóng thần, gây ra sự hỗn loạn trong hệ thống y tế. Thuốc kháng virus Paxlovid của Pfizer đã trở thành món quà dành cho những người giàu có và quyền lực. Hiện tại, một hộp Paxlovid rất khó tìm, giá trên thị trường chợ đen thậm chí lên tới 3.000 USD/hộp. Đối với nhiều người dân bình thường, việc mua một hộp Paxlovid đã trở thành điều xa xỉ.
Những người giàu có và quyền lực tích trữ Paxlovid
Những người giàu có và quyền lực ở Trung Quốc đang tích trữ Paxlovid. Đây là loại thuốc chống COVID duy nhất được sản xuất ở nước ngoài được phép sử dụng tại Trung Quốc.
Một số bệnh viện công và tư nhân đã nói với Financial Times rằng loại thuốc này hoặc đã hết hàng, hoặc chỉ dành cho những bệnh nhân có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng. Paxlovid thường được sử dụng để điều trị các trường hợp COVID nhẹ đến trung bình.
Các quan chức và chủ doanh nghiệp tranh nhau mua một lượng lớn thuốc này với giá cắt cổ, các bác sĩ cho biết.
Báo cáo dẫn lời ông Kim Đông Yến, một nhà virus học tại Đại học Hồng Kông, rằng: “Quyền lực hay sự giàu có của con người không thể quyết định rằng liệu họ có thể có được Paxlovid hay không. Đây là một loại thuốc cứu mạng và tất cả những ai cần nó đều có thể nhận được”.
Vì sao giới chức Trung Quốc không muốn nhập Paxlovid số lượng lớn?
Kể từ khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ ở Trung Quốc, một trận dịch bùng phát như tuyết lở. Theo dữ liệu từ cuộc họp nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vào tuần trước, gần 37 triệu người có thể đã bị nhiễm COVID chỉ trong một ngày.
Gần 250 triệu ca nhiễm COVID, chuyên gia: Tốc độ lây ở TQ kỷ lục chưa từng thấy
Thực tế ở Trung Quốc là hệ thống y tế đã quá tải. Mọi người phải xếp hàng dài bên ngoài lò hỏa táng và các bệnh viện thiếu thuốc men.
Ngày 17/12, tạp chí Caijing đưa tin, gần đây người dân xếp hàng dài tại nhiều bệnh viện có phòng khám sốt ở khu vực trung tâm Bắc Kinh. Viện dưỡng lão, nơi chăm sóc các nhóm dân số trọng điểm phòng chống dịch, cũng đang phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng do thiếu thuốc và nhiễm trùng bệnh viện.
Người dân hoang mang đổ xô mua thuốc hạ sốt tích trữ phòng thân. Họ nhờ người thân, bạn bè ở nước ngoài mua giúp thuốc hạ sốt khiến nhiều nơi ở Hồng Kông, Ma Cao và Úc đều khan hiếm.
Thậm chí thuốc hạ sốt được bán trên các cửa hàng trực tuyến ở Trung Quốc đắt gấp 9 lần so với khi mua ở nước ngoài cũng đều hết hàng.
Tuy nhiên, các nhà chức trách đã chậm trễ trong việc cung cấp Paxlovid cho người dân. Bắc Kinh cũng không phê duyệt bất kỳ loại vắc-xin COVID nước ngoài nào sử dụng công nghệ RNA tiên tiến, khiến người dân Trung Quốc phải phụ thuộc vào các loại vắc-xin nội địa kém hiệu quả hơn.
Một cố vấn của chính phủ ở Bắc Kinh đã giải thích với Financial Times lý do tại sao các nhà chức trách không muốn nhập khẩu Paxlovid với số lượng lớn. Ông cho biết, các nhà chức trách sợ rằng nó sẽ gây bất lợi cho các đối thủ của Paxlovid tại Trung Quốc.
“Chúng tôi không muốn dựa vào các quốc gia khác cung cấp thuốc chống COVID. Chúng tôi cần tạo không gian thị trường cho thuốc sản xuất trong nước”, vị cố vấn cho biết.
Với khối lượng nhập khẩu thấp, phần còn lại của Trung Quốc, đặc biệt là các vùng nông thôn không đủ thiết bị, thậm chí còn ít hy vọng nhận được Paxlovid hơn.
Mặc dù thiếu dữ liệu lâm sàng, trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã quảng bá mạnh mẽ Liên Hoa Thanh Ôn (Lianhua Qingwen) và Azvudine (một loại thuốc kháng virus), như những phương pháp điều trị hiệu quả.
Thuốc Paxlovid khan hàng, giá cao ngất ngưởng
Financial Times cho biết, tại một số bệnh viện tư nhân cao cấp, một hộp Paxlovid có giá tới 8.300 nhân dân tệ (1.200 USD). Một quan chức tại Bệnh viện Quốc tế Oasis ở Bắc Kinh cho biết, kho hàng 300 hộp trong tháng này của bệnh viện đã bán hết trong vòng 24 giờ, hiện vẫn chưa biết khi nào lô tiếp theo sẽ được vận chuyển.
Luật sư quốc tế Dan Harris đã tweet trả lời báo cáo của Financial Times , rằng hãy đoán xem ai ở Trung Quốc có thể nhận được Paxlovid? ĐCSTQ và giới thượng lưu kinh doanh. Điều gì đã xảy ra với Trung Quốc?
Giá thuốc Paxlovid trên thị trường chợ đen cao ngất ngưởng
Ngày 27/12, ông Hoàng Nghiêm Trung (Yanzhong Huang), thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã tweet: “Thật khó tin rằng ở Trung Quốc, trên thị trường chợ đen , Paxlovid lại được bán với giá khoảng 3.000 USD/hộp. Ngay cả thuốc generic (bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự) hiện ít nhất cũng 316 USD.”
Bloomberg đưa tin, các bài đăng trên mạng xã hội và báo cáo của truyền thông cho thấy, người Trung Quốc đang tìm kiếm các kênh bán hàng trực tuyến các loại thuốc generic được sản xuất ở nơi khác nhưng không được phép bán ở Trung Quốc.
Một người dùng cho biết trên nền tảng Weibo rằng cô ấy mua thuốc generic của Paxlovid được sản xuất tại Bangladesh, vì cô ấy có một người họ hàng lớn tuổi không thể mua thuốc ở Trung Quốc.
Cô đăng rằng mặc dù cô nghe nói hàng chục nghìn thùng thuốc Paxlovid đã được nhập khẩu vào Trung Quốc, nhưng loại thuốc có khả năng cứu mạng người này lại không có sẵn cho những người dân bình thường. Sau đó, bài đăng của cô đã bị chính quyền xóa.
Việc tăng nguồn cung Paxlovid cũng rất phức tạp, và có rất ít sự minh bạch về lượng Paxlovid chính xác ở Trung Quốc, Bloomberg cho biết.
Paxlovid biến thành quà tặng phổ biến
Financial Times cho biết, nguồn cung hạn chế đã khiến Paxlovid trở thành món quà phổ biến trên các mạng lưới của Trung Quốc. Một quan chức tại bệnh viện phân phối thuốc ở Bắc Kinh cho biết “một lượng đáng kể” thuốc kê đơn cuối cùng lại bị những người khỏe mạnh mua mất.
“Nó được thèm muốn hơn cả rượu Mao Đài,” quan chức này nói.
Tại Bắc Kinh, một chủ doanh nghiệp cho biết ông đã nhận được hai hộp Paxlovid trong tháng này, do một người bạn làm quà tặng. Người bạn này lấy thuốc từ một khoa của bệnh viện phục vụ các quan chức cấp cao.
Trong bối cảnh tái bùng phát dịch COVID-19, Trung Quốc lại mở toang biên giới, gây ra báo động toàn cầu.
Biện pháp phòng ngừa dịch đối với du khách từ Trung Quốc của các nước
Từ ngày 8/1, Trung Quốc không còn yêu cầu hành khách nhập cảnh phải cách ly. Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan và Ý đều đã công bố các biện pháp kiểm dịch tăng cường đối với du khách Trung Quốc sắp tới, vì lo ngại các chủng đột biến mới sẽ được sinh ra tại Trung Quốc, và lan ra thế giới khi du khách đi du lịch.
Bình Minh (t/h)
Bác sĩ nước ngoài tại Trung Quốc nói về COVID: Chưa từng thấy trong 30 năm hành nghề “Bệnh viện các cấp đều quá tải”, bác sĩ Bernstein nói, “Phòng chăm sóc đặc biệt cũng đã kín chỗ như phòng cấp cứu, khám sốt ...”