TQ: Chủ đề “Nhiều khoa sản của BV đóng cửa” nhanh chóng đạt gần 300 triệu lượt xem

Chia sẻ Facebook
03/10/2023 05:57:16

Trong tuần này, tin tức về việc đóng cửa khoa sản của bệnh viện nhanh chóng trở thành chủ đề nóng hàng đầu trên Weibo, mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc. Điều này làm dấy lên các cuộc thảo luận về nguyên nhân, tương lai và lựa chọn cá nhân về việc có nên sinh con hay không.

Trung Quốc đang phải đối mặt vấn đề nghiêm trọng về dân số trong khi tỷ lệ sinh không ngừng giảm sút. (Nguồn: Szefei/ Shutterstock)


Trong 24 giờ, chủ đề này có hơn 200 triệu lượt xem, nhưng sớm đã bị xóa khỏi Weibo “theo luật pháp và chính sách liên quan của Trung Quốc”.


The Paper , một công ty con của Shanghai United Media Group (SUMG) , đưa tin khoa sản ở nhiều bệnh viện tại Chiết Giang và các tỉnh khác đã đóng cửa. Báo cáo trích dẫn lời của một số nhân viên bệnh viện, nói rằng ngày càng ít phụ nữ đến bệnh viện sinh con. Báo cáo được đăng trên “ Toutiao” , một nền tảng chia sẻ thông tin và tin tức của Trung Quốc.


Những lo ngại về hiệu ứng domino ngay lập tức xuất hiện trên Weibo. “Bước tiếp theo là gì? Trường mẫu giáo đóng cửa? Trường tiểu học đóng cửa? Trường trung học cơ sở đóng cửa?”


The Paper cho rằng các bệnh viện ở Giang Tô, Quảng Tây, Quảng Đông và các tỉnh khác dường như đều có chung câu trả lời về việc đóng cửa khoa sản, là để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho bà bầu và trẻ sơ sinh.


Nhưng lời giải thích này đã bị nghi ngờ. Người dùng mạng xã hội hỏi: “Khi nào họ mới thành thật và nói ra sự thật?”


Một bài đăng trên nhóm thảo luận cho biết: “Vài năm trước có khoảng 17 triệu ca sinh mỗi năm, nhưng năm ngoái con số này đã giảm đáng kể, xuống còn khoảng 9 triệu, nên việc đóng cửa một nửa khoa sản là hợp lý. Do đó, một nửa trường mẫu giáo sẽ đóng cửa, và sau đó nhiều trường tiểu học, trường phổ thông và cao đẳng cũng đóng cửa.”

Nhiều cuộc thảo luận trong tuần trước về các cặp vợ chồng trẻ không muốn sinh con vì triển vọng công việc không chắc chắn, chi phí sinh hoạt cao, và sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với các khía cạnh khác của cuộc sống, đã phản ánh quan điểm của người dân trong những năm gần đây.

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm ngoái là âm. Lần cuối cùng Trung Quốc có tỷ lệ sinh âm là trong nạn đói lớn vào những năm 1960.

Những bài đăng tương tự của hai cư dân mạng đã được ghi nhận rộng rãi trên weibo. Thông điệp của họ rất đơn giản.


“Nếu bạn sinh con cho đất nước, liệu đất nước có phải chịu mọi chi phí không? Nếu đó là một phần cuộc sống của một con người, thì hãy tôn trọng sự lựa chọn của cá nhân.”

Hơn 8.000 người thích bình luận này.


“Trước đây người ta luôn nói rằng đất nước cao hơn gia đình. Bạn sẽ dần dần nhận ra rằng chỉ khi có đàn ông và phụ nữ mới có gia đình, và chỉ khi có gia đình mới có đất nước. Nền tảng của xã hội loài người là từng cá nhân. Đất nước nên đối xử tốt với người dân.”

Chỉ sau vài giờ bình luận này đã có hơn 500 lượt thích.


Một bài đăng chỉ có một người thích viết: “Các thế lực nước ngoài hẳn đã nhúng tay vào việc hướng dẫn những phụ nữ trẻ chúng ta kén chọn chồng và sinh con”.


Một tài khoản có tên “Hậu duệ thực sự của nông dân nghèo” chia sẻ sự bất mãn trước các chính sách khác nhau của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ): “(Chính phủ) phàn nàn về việc có quá ít trẻ sơ sinh, quá nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, 35 tuổi không thể tìm được việc làm, 60 tuổi đã nghỉ hưu là quá sớm. Chúng ta phải làm gì?”


Trên Weibo, một phụ nữ trẻ tiếp tục bày tỏ không muốn có con. “Khi tôi chuyển đến một căn hộ trống trong 30 năm nữa, tôi sẽ tự đẩy chiếc xe lăn của mình và thực hiện lời hứa sống trong một căn hộ cho đến hết đời”. Bài đăng của cô nhận được 2.912 lượt thích trong vòng chưa đầy 24 giờ.


Mặc dù không rõ cô gái trẻ đang ám chỉ điều gì, nhưng từ “nằm ườn” được thế hệ trẻ Trung Quốc sử dụng với nghĩa là chọn không làm bất cứ điều gì được chính quyền phê chuẩn, hay tham gia vào các hoạt động thương mại và xã hội.

Cuộc nổi loạn của giới trẻ Đại Lục từ “nằm ườn” đến “4 không”

Năm ngoái, khi Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng bị phong tỏa vì virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), một cặp vợ chồng trẻ đã nói với cảnh sát, người đe dọa trừng phạt con cái của họ, rằng họ sẽ không sinh con nếu phải tiếp tục tuân theo lệnh phong tỏa. Video này đã được nhiều người xem.


Một tin nhắn để lại trên mạng xã hội Weibo tuần này cho biết: “Lợi thế về nhân khẩu học (của đất nước) và các lợi ích liên quan hiện đang biến mất”.


Chủ đề “Nhiều khoa sản của bệnh viện đang đóng cửa” được đăng trên “Toutiao” vào tối thứ Tư (27/9), và nhận được hàng chục triệu lượt nhấp chuột mỗi giờ, đạt 140 triệu vào lúc 6h30 sáng thứ Năm (28/9). Chưa đầy 3 giờ sau, số lượt truy cập tăng gần gấp đôi lên 260 triệu.


Cuối ngày hôm đó, bất kỳ ai quan tâm đến chủ đề này đều không thể tìm thấy chúng trên Weibo, chỉ thấy thông báo trên màn hình “theo các chính sách và quy định pháp luật liên quan, nội dung của chủ đề này sẽ không còn được hiển thị nữa”.

Đến tối thứ Năm (28/9), chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất này đã biến mất khỏi 50 chủ đề hàng đầu trên Weibo.


Một số báo cáo về tin tức trên các kênh truyền thông nhà nước vẫn được đăng vào thứ Sáu (30/9), gồm các bài đăng từ chính quyền tỉnh Hà Nam và Tân Hoa Xã chi nhánh Quảng Đông.

Một số bình luận trước đây xuất hiện trong các tìm kiếm trên Google tiếng Trung cũng đã biến mất vào thứ Sáu (30/9).

Thông điệp của Bộ Công an


Trước khi chủ đề này bị gỡ xuống, cảnh sát Trung Quốc đã xuất hiện trong cuộc thảo luận trên Weibo. Văn phòng Công an huyện Quảng An ở tỉnh Tứ Xuyên đã đăng thông báo “Chào buổi sáng” vào lúc 6:44 sáng giờ địa phương hôm thứ Năm (29/9).


Bài đăng có nội dung: “Nếu trái tim của một người không tìm được nơi an nghỉ, thì người đó và cô ấy (phải chịu số phận) sống lưu vong”, điều này rõ ràng khác với những cuộc thảo luận trước đó.

Ông Michael E. O’Hanlon của Viện Brookings chỉ ra rằng sự suy giảm dân số của Trung Quốc có liên quan đến những hạn chế về sức mạnh trong tương lai của nước này, đồng thời cho thấy trong trò chơi cường quốc, Trung Quốc có thể không đứng vững.


Trong một video khác do Đường Hạo tung ra vào tháng 4, một thanh niên cho rằng “thanh niên 4 không” là không mua nhà, không kết hôn, không sinh con và không tiêu xài hoang phí. Họ cảm thấy dù có làm việc chăm chỉ họ cũng không mua được nhà, vì vậy đơn giản là đừng mua nhà, chỉ cần không nghĩ đến việc mua nhà, “áp lực sẽ biến mất ngay lập tức.”


Ông nói không có nhà thì không cưới được vợ, “vậy thì cũng đừng kết hôn nữa.” Chỉ cần không kết hôn, “áp lực sẽ lập tức biến mất.” Không có nhà, không có vợ, thì sẽ không có con, “không có con thì không cần mua sữa bột, tiết kiệm thêm được một khoản chi phí nuôi con.” Không phải vay tiền mua nhà, mua ô tô, nuôi vợ con, thì “chỉ cần nuôi thân là đủ”.

Vào tháng 7, Cục Thống kê Quốc gia của ĐCSTQ đã công bố tỷ lệ thất nghiệp thành thị được khảo sát. Trong đó tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 16 -24 tuổi đạt 20,4%, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 2018.


Bình Minh (t/h)

Cuộc nổi loạn của giới trẻ Đại Lục từ "nằm ườn" đến "4 không" Giới trẻ Trung Quốc Đại Lục chỉ có thể bày tỏ sự bất mãn của mình bằng cách “nằm ườn”, “phó mặc” và “4 không”...

Chia sẻ Facebook