TPS lỡ kế hoạch năm 2022
Theo BCTC riêng lẻ quý 4/2022, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, HOSE: ORS) lỗ hơn 13.2 tỷ đồng do chi phí hoạt động tăng mạnh hơn doanh thu. Cả năm 2022, dù báo lãi nhưng Công ty vẫn không hoàn thành kế hoạch.
TPS lỡ kế hoạch năm 2022
Lỗ tự doanh và chi phí tài chính cao khiến TPS lỗ quý 4/2022
Cụ thể, doanh thu hoạt động quý 4/2022 đạt hơn 712 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước, hầu hết doanh thu đều tăng mạnh. Doanh thu từ hoạt động lưu ký (gần 386 tỷ đồng) và lãi từ các tài sản tài chính FVTPL (227.5 tỷ đồng) đều tăng mạnh lần lượt 586% và 795% so với cùng kỳ.
Đây là hai bộ phận đóng góp đến 86% tổng doanh thu hoạt động của Công ty. Trong đó, doanh thu từ lưu ký chứng khoán chiếm tỷ trọng lớn nhất (54%).
Ngược lại, doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán giảm 43% so với cùng kỳ xuống còn gần 16 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu có mức giảm nhẹ hơn 5% xuống còn hơn 38 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng với mức lớn hơn đến 93% lên gần 567 tỷ đồng. Trong đó, lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL là nguyên nhân chính khiến chi phí tăng mạnh.
Thị trường chứng khoán kém thuận lợi trong quý 4/2022 khiến khoản lỗ trên lên tới hơn 402 tỷ đồng, tăng 300% so với cùng kỳ. Mảng tự doanh theo đó lỗ 320 tỷ đồng, năm trước chỉ lỗ 89 tỷ đồng.
Một yếu tố tác động tiêu cực tới hoạt động của Công ty là chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) tăng 111% lên mức 126 tỷ đồng trong quý 4/2022.
Kết thúc quý 4/2022, Công ty lỗ sau thuế hơn 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 30 tỷ đồng.
Lỡ kế hoạch năm
Mặc dù gặp khó khăn lớn trong quý 4 nhưng cả năm 2022, Công ty vẫn báo lãi.
Năm 2022, doanh thu hoạt động Công ty tăng hơn 100% so với năm trước lên hơn 2.7 ngàn tỷ. Nhưng đi kèm, chi phí cũng tăng mạnh 162% lên hơn 2 ngàn tỷ.
Cơ cấu doanh thu hoạt động năm 2022 có phần khác hơn quý 4/2022. Lãi từ các tài sản tài chính FVTPL góp phần lớn (39%) vào doanh thu hoạt động, ở mức hơn 1 ngàn tỷ đồng, tăng 200% so với năm trước.
Doanh thu lưu ký chứng khoán (chiếm 24% doanh thu hoạt động) tăng lên mức gần 689 tỷ đồng, tương đương tăng 268%. Doanh thu hoạt động tư vấn tài chính cũng là bộ phận có đóng góp lớn vào doanh thu hoạt động (22%) ở mức gần 603 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với năm trước.
Công ty lãi trước thuế hơn 190 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản thuế, Công ty lãi ròng gần 150 tỷ đồng, giảm 29% so với năm trước.
Với mức doanh thu và lợi nhuận trên, Công ty không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 500 tỷ đồng đề ra trước đó, chỉ thực hiện được 38%.
Về cơ cấu tài sản, Công ty có hơn 6.7 ngàn tỷ đồng tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2022, tăng 41% so với đầu năm. Giá trị các tài sản FVTPL giảm nhẹ 1% xuống còn gần 1.8 ngàn tỷ đồng.
Nợ phải trả tăng 70% lên hơn 4.4 ngàn tỷ đồng, phần lớn là nợ phải trả trái phiếu dài hạn ở mức 3 ngàn tỷ đồng. Nợ ngắn hạn chủ yếu là các khoản nợ phải trả người bán ngắn hạn tăng lên mức hơn 2.26 tỷ đồng, đầu năm khoản mục này chỉ hơn 151.5 triệu đồng. Nợ vay giảm 83% xuống còn 60 tỷ đồng. Công ty còn ghi nhận khoản mục thuế và các khoản phải nộp Nhà nước gần 42 tỷ đồng.
Kha Nguyễn